Người đàn ông 38 tuổi, Hà Nội và vợ cũ quen nhau qua mai mối và kết hôn sau sáu tháng quen biết. Vợ không công việc ổn định, phụ thuộc kinh tế và liên tục đòi hỏi vật chất. Những yêu cầu nhà lầu, xe hơi, hàng hiệu đi kèm lời lẽ miệt thị, so sánh chồng với người khác khiến cuộc sống gia đình trở nên ngột ngạt.

Căng thẳng leo thang thành những trận cãi vã, bạo hành tinh thần và cả hành vi đập phá, chửi bới thô tục từ phía vợ. Cố cứu vãn bằng việc sinh con, nhưng cả hai vẫn không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân, buộc phải ly dị.

Sau ly hôn, vợ cũ liên tục liên lạc với lý do chu cấp cho con nhưng kèm theo những lời đe dọa, mắng nhiếc. Dù chia tay hai năm, người đàn ông vẫn ám ảnh quá khứ, thường xuyên nhớ lại các tình huống bị lăng mạ, mất tập trung trong công việc, suy giảm trí nhớ. Bạn gái mới là người đầu tiên nhận ra dấu hiệu bất ổn và khuyên anh đi khám.

Anh đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương trong tình trạng mất ngủ triền miên, căng thẳng, hay giật mình và khó kiểm soát cảm xúc, nhất là mỗi lần thấy số điện thoại vợ cũ.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng - người trực tiếp điều trị cho biết, bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm, rối loạn lo âu và rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

Trường hợp này là minh chứng rõ ràng cho việc các mối quan hệ tình cảm độc hại, đặc biệt là hôn nhân mang tính áp lực, bạo hành tinh thần có thể để lại hậu quả tâm thần nặng nề và kéo dài, đôi khi âm thầm và không dễ nhận biết.

“Chúng ta thường quan tâm đến bạo lực thể chất, nhưng bạo hành tinh thần, đặc biệt là bằng lời nói có thể gây tổn thương tâm lý sâu sắc không kém. Hệ quả của nó có thể kéo dài đến nhiều năm sau khi mối quan hệ kết thúc”, bác sĩ Dũng nói.

Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và trị liệu sang chấn để vượt qua tổn thương, phục hồi lòng tự trọng và hòa nhập lại cuộc sống.

Các biểu hiện của rối loạn lo âu rất đa dạng và không phải lúc nào cũng dễ nhận biết. (Ảnh minh hoạ)

Các biểu hiện của rối loạn lo âu rất đa dạng và không phải lúc nào cũng dễ nhận biết. (Ảnh minh hoạ)

Rối loạn lo âu và trầm cảm là những rối loạn tâm thần phổ biến nhưng thường bị bỏ qua hoặc hiểu sai, đặc biệt trong bối cảnh các sang chấn cảm xúc kéo dài như bạo lực tinh thần trong gia đình.

Các biểu hiện của rối loạn lo âu rất đa dạng và không phải lúc nào cũng dễ nhận biết. Nhiều người cảm thấy bồn chồn không rõ lý do, tim đập nhanh, thở gấp, ra nhiều mồ hôi, tay chân run rẩy.

Về lâu dài, rối loạn lo âu không chỉ làm suy giảm sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất. Người bệnh dễ bị mất ngủ, kiệt sức, chán ăn, sụt cân, suy giảm khả năng tập trung và mất dần hứng thú với các mối quan hệ xung quanh.

Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể diễn tiến thành trầm cảm với các biểu hiện trầm trọng hơn như buồn bã kéo dài, tuyệt vọng, mất ý nghĩa cuộc sống và trong nhiều trường hợp, xuất hiện ý nghĩ tự sát.

Một nguyên nhân phổ biến nhưng ít được nhận diện dẫn đến các rối loạn này là bạo lực tinh thần – một dạng bạo hành mà không cần tới vũ lực. Trong quan niệm phổ biến, bạo lực gia đình thường bị đồng nhất với đánh đập, quát mắng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy bạo lực trong gia đình có thể tồn tại ở nhiều hình thức tinh vi hơn như sự ghẻ lạnh, kiểm soát, ép buộc người khác thực hiện hành vi trái với mong muốn, hay dùng cảm xúc để thao túng, đe dọa, khiến người kia luôn phải sống trong sợ hãi và căng thẳng.

Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa bạo lực tinh thần và những hậu quả lâu dài đến sức khỏe tâm thần, các cặp đôi cần học cách đối thoại và giải quyết mâu thuẫn dựa trên sự tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau.

Khi gặp bất hòa trong đời sống vợ chồng, đặc biệt là trong vấn đề tình dục hay lối sống, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần hoặc bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe giới tính.

Về lâu dài, việc giáo dục cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, kỹ năng làm chủ cảm xúc, giải quyết xung đột, lắng nghe lẫn nhau và nuôi dưỡng sự thấu cảm là nền tảng quan trọng để xây dựng những mối quan hệ lành mạnh và bền vững.

Báo cáo của Chính phủ năm 2023 ghi nhận hơn 3.240 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến thứ hai. Dù 82,3% nạn nhân là nữ, nhưng vẫn có tới 565 nam giới là nạn nhân, chiếm 17,7%. Đáng chú ý, tỷ lệ nam giới bị bạo lực trong gia đình đang có xu hướng tăng.

Theo VTC News