Các hãng AFP và AP đưa tin ngày 16/4, Triều Tiên tuyên bố nước này không đồng ý đối thoại với Mỹ, đồng thời khẳng định sẽ chỉ tham gia đàm phán nếu Washington từ bỏ chính sách "thù địch" và đe dọa hạt nhân.

Trong thông cáo, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ: "Chúng tôi không phản đối đối thoại, song không thể ngồi vào bàn đối thoại với phía đang thi hành chính sách cây gậy hạt nhân."

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định cho rằng, trong những tuần tới, ông dự đoán Triều Tiên sẽ "có những động thái khiêu khích hơn."

Theo Tổng thống Obama, nhận định này của ông dựa trên những đánh giá tình báo hiện nay.

Trước đó, ngày 15/4 trong chuyến thăm Nhật Bản - điểm dừng chân cuối cùng của chuyến công du 3 nước Đông Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kên tiếng kêu gọi CHDCND Triều Tiên giải quyết căng thẳng đang ngày một phức tạp trên bán đảo Triều Tiên bằng phương pháp đối thoại.
 

Triều Tiên đã bắt đầu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân bị dừng hoạt động từ năm 2007, điều này cho thấy những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một tăng cao

Triều Tiên đã bắt đầu khởi động lại lò phản ứng hạt nhân bị dừng hoạt động từ năm 2007, điều này cho thấy những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ngày một tăng cao

Phát biểu trước các sinh viên tại một trường đại học ở Tokyo sáng 15/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa không chỉ đối với các quốc gia láng giềng mà còn đối với cả tương lai của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Kerry nói: “Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc đàm phán chính thức và nghiêm túc nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đàm phán sẽ phụ thuộc vào CHDCND Triều Tiên. Triều Tiên cần có bước đi có ý nghĩa nhằm thể hiện thái độ tuân thủ các cam kết trước đây”.

Một diễn biến khác, ngày 16/4 hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cũng đưa tin, Bộ Nội vụ nước này cho hay chính phủ cho phép sửa đổi các quy định để các cơ quan công quyền có thể tuyển dụng công dân Bắc Triều Tiên đào thoát như là những công chức có "kinh nghiệm công cộng".

Hiện nay có 14 công dân Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc đang làm việc cho các cơ quan chính phủ tại thủ đô Seoul. "Sửa đổi quy định sẽ mở đường cho nhiều người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên có điều kiện hòa nhập với xã hội tốt hơn nhờ có công việc và nguồn thu nhập", một quan chức Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết.

Việc Triều Tiên đóng của khu công nghiệp chung với Hàn Quốc Kaesong càng khiến cho căng thẳng leo thang

Việc Triều Tiên đóng của khu công nghiệp chung với Hàn Quốc Kaesong càng khiến cho căng thẳng leo thang

"Để ngăn chặn những âm mưu, nỗ lực có thể vi phạm an ninh quốc gia và thống nhất đất nước, Bộ sẽ thực hiện các bước xác minh quá khứ, kinh nghiệm và trình độ của những người đào thoát từ miền Bắc", quan chức này nói thêm.

Theo thống kê, hiện tại có tổng cộng 24.934 người Bắc Triều Tiên chạy trốn khỏi đất nước của họ và định cư tại Hàn Quốc.

Thông tin mới vụ máy bay Mỹ rơi ở biên giới Triều Tiên

Theo thông tin được đăng tải trên thông cáo báo chí của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết có tất cả 21 người trên chiếc trực thăng của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, mang số hiệu Sikorsky SH-53E, bị rơi ngày 16/4 tại khu vực Cheolwon, cách thủ đô Seoul 88km về phía Bắc.

Rất may toàn bộ phi hành đoàn đã thoát ra khỏi chiếc máy bay này trước khi nó rơi xuống đất.

Sau khi được đưa đến Bệnh viện 121 Garrison ở quận Yongsan để chữa trị, hiện 15 người đã được ra viện, 6 người khác đang trong tình trạng ổn định. Chiếc Sikorsky SH-53E này đã bị bốc cháy và phá hủy hoàn toàn khi tiếp đất.

Chiếc máy bay đã gặp nạn khi đang tham gia hỗ trợ cuộc tập trận mang tên “Ssang Yong” cùng với năm chiếc trực thăng khác trong một chương trình trao đổi của Hải quân Hàn Quốc và là một phần của cuộc tập trận thường niên của Liên quân Mỹ - Hàn đang được tiến hành với tên gọi “Đại bàng non”.

Theo Đất Việt