Vừa cách đây ít hôm, danh ca Khánh Ly kỷ niệm sinh nhật tròn 80 tuổi. Tới hôm nay cũng là kỷ niệm 24 năm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây là cặp đôi huyền thoại đi cùng lịch sử âm nhạc Việt Nam mà hơn nửa thế kỷ qua chưa một ai thay thế được.
Cuộc tái ngộ định mệnh tại đường hoa Nguyễn Huệ

Đối với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly là một cơ duyên kỳ lạ, một phần không thể tách rời với âm nhạc của mình. Bởi thế, tự tay ông đã viết những ca khúc dành riêng cho giọng hát Khánh Ly.
Thực tế đã chứng minh, trong suốt nửa thế kỷ qua, đã có hàng trăm ca sĩ hát nhạc Trịnh, từ bậc danh ca lớn như Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Hà… tới hàng diva như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần hay những ca sĩ danh tiếng như Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà… Thế nhưng, chưa một tiếng hát nào gây tiếng vang rộng lớn, vươn ra nước ngoài và gắn chặt như hình với bóng cùng nhạc Trịnh như Khánh Ly.
Chỉ duy nhất Khánh Ly là người thu âm nhạc Trịnh bán tới 2 triệu album tại Nhật, đi khắp thế giới trình diễn và được yêu quý, khiến người Nhật bật khóc khi nghe nữ ca sĩ hát nhạc Trịnh. Nói cách khác, Khánh Ly không nổi tiếng nhờ nhạc Trịnh mà dùng chính giọng hát của mình để cùng đưa nhạc Trịnh thăng hoa.
Khánh Ly hát nhạc Trịnh không phải là duy nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng trên tất cả, Khánh Ly vẫn là người được chính Trịnh Công Sơn lựa chọn để đem đến đỉnh cao, danh tiếng cho nhạc Trịnh bằng tiếng hát của mình.

Ngoài âm nhạc, mối quan hệ giữa Khánh Ly và nhạc Trịnh còn là mối quan hệ gắn với nhiều văn hóa, tư tưởng, ý thức hệ của cả một thế hệ chứ không chỉ là giữa ca sĩ và nhạc sĩ, hay yêu đương đơn thuần.
Theo lời Khánh Ly, bà gặp Trịnh Công Sơn lần đầu vào năm 1965, tại một phòng trà ở Đà Lạt. Khi ấy, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều là hai nghệ sĩ lang bạt, chưa có tên tuổi, danh tiếng.
Về phía mình, Trịnh Công Sơn cho rằng, cuộc gặp gỡ định mệnh ấy là may mắn cho cả hai người. Cố nhạc sĩ từng chia sẻ: "Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly.
Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly" - nguồn VTC News.
Trịnh Công Sơn ngay từ đầu đã rất mê tiếng hát độc đáo và con người mộc mạc như giàu sức sống của Khánh Ly, ông dặn bà: "Phải giữ nguyên chất hát đó, làm gì thì làm nhưng vẫn phải giữ được nụ cười".

Vị nhạc sĩ tài hoa cũng năm lần bảy lượt ngỏ lời mời Khánh Ly về Sài Gòn, nhưng bà từ chối vì: "Em ở Đà Lạt yên ổn rồi, làm đủ tiền để sống và chỉ muốn như thế thôi, không muốn nhiều tiền hơn và cũng không nghĩ sẽ được ai biết đến" - nguồn Tổ Quốc.
Bẵng đi hai năm sau, tới một chiều năm 1967, Khánh Ly đang dạo bước trên đường Nguyễn Huệ (Sài Gòn) thì tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn và được ông mời đi hát tại sân cỏ của trường Văn khoa.
Đó chính là buổi diễn định mệnh, nơi Khánh Ly đi chân đất để hát những khúc tình ca bất hủ của Trịnh Công Sơn, được ông đứng đệm đàn phía sau, tạc nên tượng đài về nữ hoàng chân đất in sâu trong lòng công chúng.
Kể từ buổi diễn này, cái tên Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã gây chú ý tới khán giả và báo giới. Hình ảnh Khánh Ly mặc áo dài, đi chân đất, cất giọng mộc mạc hát nhạc Trịnh đã thu hút công chúng trong và ngoài nước.
Rõ ràng, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều đã đi biểu diễn nhiều nơi trước đó (trước Khánh Ly, Trịnh Công Sơn từng đi du ca với Lệ Thu, đưa ca khúc của mình cho Thanh Thúy hát) nhưng chỉ đến khi kết hợp lại cùng nhau, họ mới tạo nên kỳ tích. Đó là thứ kỳ tích về giai điệu, giọng hát, chất nhạc và quan trọng hơn cả là gắn chặt với thời đại.
Từ những buổi diễn bình dị, đơn sơ như vậy, Khánh Ly bước vào phòng thu, thu âm hàng trăm bài nhạc Trịnh khác nhau, từ tình ca tới các ca khúc về nhân sinh, xã hội, triết lí, đời sống…
Sau này, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn xa cách, một người ở lại Việt Nam, một người lập nghiệp tại hải ngoại. Cả hai ít có cơ hội gặp nhau, nhưng vẫn luôn sống trong sự nghiệp của nhau.

Ở Việt Nam, Trịnh Công Sơn sáng tác bài gì mới cũng gửi sang cho Khánh Ly hát. Tại hải ngoại, Khánh Ly tiếp tục thu âm, biểu diễn nhạc Trịnh, lấy nhạc Trịnh gây dựng lại sự nghiệp cho mình.
Tình tri kỷ một đĩa cơm chia hai, một li cà phê cùng uống
Trịnh Công Sơn yêu rất nhiều, từ cô nữ sinh trong sáng, nàng ca sĩ hồn nhiên, gái vũ nữ kiều diễm, tới cả giáo sư người Nhật uyên bác...
Trịnh Công Sơn không thể sống mà không yêu. Với ông, dù hạnh phúc hay đau khổ thì con người vẫn luôn muốn yêu đúng như lời ông đã nói: "Cuộc sống không thể thiếu tình yêu".
Bởi vậy, ông chọn cách yêu thật nhiều để chống lại cái định mệnh đau khổ trong đường tình duyên của mình. Ông yêu để "thoát khỏi giả dối", để sống thật với mình và tìm kiếm sự đền bù.
Nhưng cũng chính vì thế mà khán giả cứ mãi thắc mắc, tại sao Trịnh Công Sơn không yêu Khánh Ly với tình yêu đôi lứa, mà chỉ nhận bà là tri kỉ, dẫu cho bà là định mệnh vĩnh viễn không thể vắng trong cuộc đời ông.
Về phía mình, Khánh Ly nhiều lần khẳng định không có tình yêu đôi lứa với Trịnh Công Sơn nhưng lại từng ngụ ý rằng: "Tôi yêu Huế, bởi từ Huế tôi mới biết thế nào là tình yêu", tức là yêu chất tài hoa, âm nhạc của người nhạc sĩ đến từ xứ Huế.
Dù không phải tình nhân, nhưng giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly lại tồn tại một tình tri kỷ mà không bóng hồng nào có được khi bước qua đời ông. Đó là những khoảnh khắc “Một đĩa cơm chia hai, một điếu thuốc cùng hút, một li cà phê cùng uống. Chia nhau nằm ngủ trên những tờ báo nhàu nát trải dưới đất" – Khánh Ly chia sẻ trong cuốn hồi ký.

Qua lời kể của Khánh Ly về lần gặp mặt đầu tiên tại Canada sau nhiều năm xa cách, khán giả thấy được sự chân thành trong tình tri kỷ bà dành cho Trịnh Công Sơn. Chỉ có những người thương thực lòng mới xót xa, đớn đau cho cái gầy gò, xanh xao của nhau, mới yên lặng nhìn sâu vào nhau tới mức nghe thấy cả hơi thở của mình như thế.
Bản thân Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: "Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi, cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly".
Với Trịnh, những ca khúc ông sáng tác chính là sinh mệnh, tình yêu, là cách cửa giúp ông giao lưu với thế giới loài người và "diễn đạt tâm tưởng mình". Đó là tình yêu lớn nhất trong tâm hồn ông. Nói như vậy tức là Trịnh đã sớm coi Khánh Ly như một người chuyên chở xuất sắc nhất mọi tâm hồn, tư tưởng của mình.
Khi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng hỏi Trịnh Công Sơn về tình yêu với Khánh Ly, ông chỉ cười và hát: "Áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". Trong câu hát này là cả một trời ẩn ý về người bạn "định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau" của ông (chữ dùng của Trịnh Công Sơn khi nói về mối quan hệ với Khánh Ly).
Với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly không chỉ đem đến cảm giác yêu đương như những bóng hồng lướt qua cuộc đời ông mà còn là nơi để ông nương tựa về tâm hồn, nghệ thuật, đi cùng nhau suốt những năm tháng thanh xuân trong cõi giang hồ, để rụng về cội vẫn còn mãi bên nhau. Đó là một thứ tình cảm thuần khiết và lâu bền hơn, như hai anh em, xóa nhòa mọi ranh giới.

Bởi vậy, cả hai cũng không bao giờ có những thắc mắc về đời sống của nhau suốt nhiều thập kỷ. Cả hai trân quý những phúc giây bên nhau, khi nào cần thì nói không thì sẽ im lặng.
Khi ngôn từ đã quá chật hẹp để truyền đạt thông điệp giữa họ thì chỉ cần đứng bên nhau là đủ. Cho đến nay, cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều chưa thừa nhận về tình yêu giữa họ, nên mọi suy đoán vẫn chỉ là suy đoán.

Khi được hỏi về tình yêu với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly từng kể: "Đến giờ, nhiều người vẫn hỏi tôi và Trịnh Công Sơn có yêu nhau không, có tình cảm nam nữ không. Tôi không thể trả lời được. Vì nếu đã tin thì không hỏi mà đã hỏi thì không tin, nên tôi có trả lời cũng đến thế thôi.
Trịnh Công Sơn là người ban ơn cho tôi mà. Ơn của ông không thua gì ơn cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi tạo hình hài cho tôi ra đời nhưng ông Sơn mới là người nuôi sống đời sống của tôi sau này. Nếu gọi là bạn thì tôi hơi hỗn với Trịnh Công Sơn. Tôi không xứng đáng là bạn ông Sơn. Ông Sơn như một người cha, người anh với tôi" - nguồn Trí thức trẻ.
Trong một đời, ai cũng nên có tri kỷ của mình, còn Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là cặp tri kỷ của định mệnh vĩnh viễn thuộc về nhau, thuộc về âm nhạc Việt Nam.

Theo Theo Đời sống và Pháp luật