Ấy là chưa kể mấy chú bộ đội đang ngồi vắt vẻo nóc xe. Tuy không có ghế ngồi, nhưng xem ra họ vẫn sướng hơn những kẻ bị kẹt phía trong. Xe đã chạy còn có khách lỡ chuyến, liều mạng nhảy lên bám vào cửa xe, chân co chân duỗi như đàn ruồi bâu vào đĩa mật.

Trời chưa kịp sáng mà cái nóng hầm hập đã ập đến. Không khí trong xe ngột ngạt đến nghẹt thở. Kiểu này người yếu say xe thì nguy lắm. Chiếc xe ì ạch, rồ ga vượt qua những ổ gà ổ vịt. Gặp ổ trâu người bật tung lên, ai không bám kịp vào đâu, đầu va vào nóc. Máy rú nổ gầm gào, khùng khục như máy cày, máy xát. Xe không cửa, đúng ra xe có cửa, nhưng để tiện lên xuống, người ta đã tháo nó đi rồi. Chiếc xe này không biết tuổi bao nhiêu, có điều chắc chắn nó đã tồn tại từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước.

Toàn bộ khung xe, sàn xe chỗ nào cũng tróc sơn hoen gỉ, ghế ngồi được phục chế bằng những mẩu thép góc, thép tròn hàn vội, không cần mài tẩy ba-via. Hành khách sơ ý chạm vào là trầy da, rách quần, rách áo. Loại xe này ở nước ngoài, người ta đã cho vào lò nấu thép tái chế từ lâu, nhưng ở xứ ta nó vẫn ngắc ngoải tồn tại.

Mặc dù trời còn tối, nhưng tôi vẫn nhận ra người đứng trước là nữ quân nhân. Dáng người cân đối nở nang. Mặt mũi cô thế nào thì chịu. Xe lèn chặt cứng làm sao mà ngó nghiêng được. Lúc đầu cô ta còn bíu vào ghế xe, sau khách chèn lên, tay cô bật khỏi khung ghế, rơi vào thế đứng tự do. Ở tư thế này không ai chịu nổi, vì xe chạy như ngựa lồng, trâu đú. Được chừng năm phút bỗng thấy cô xoay người, bất ngờ ôm chầm lấy tôi, khi chiếc xe vượt qua ổ trâu. Tôi đứng như trời trồng, tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chưa bao giờ tôi được gần gựa với một cô gái như thế.

Người tôi nóng ran, tựa có điện chạy qua. Hai tay cô cứ ôm chặt lấy tôi, sợ xe lại lồng lên nữa. Cô ôm tôi theo bản năng, như em gái tựa người vào anh trai. Mà không phải thế. Có cái gì khang khác, mà tôi chưa từng gặp, chưa từng nếm trải. Cô im lặng không nói. Hay cô ngại điều gì? Không! Có gì mà ngại. Chả ai biết được quan hệ giữa hai người. Ai đoán được chúng tôi vừa mới gặp. Càng không thấy được vòng tay cô, khi khách trong xe chật như nêm cối. Chẳng cần phải nói gì. Nói là thừa. Chúng tôi ôm nhau, như cặp uyên ương lâu ngày mới gặp. Mặc cho xe chao xóc, cảm giác khó chịu ban đầu biến mất, nhường chỗ cho cảm giác khác lạ bồng bềnh.

Tôi không sao hiểu nổi. Người ta yêu nhau mòn mỏi, chín đợi, mười chờ mới được cái cầm tay, hay một lời nguyện ước. Đằng này tình yêu lại bùng nổ trong hoàn cảnh trớ trêu. Trong văn học người ta gọi là tình yêu sét đánh. Không biết phải thế không. Hay cô ta đã gặp, biết tôi ở đâu rồi. Như sự kìm nén, chất chứa. Như chim được sổ lồng sau những ngày tù túng. Xe vẫn ì ạch lên dốc, chao đảo như sắp lật. Bản năng gốc trong tôi trỗi dậy, cựa quậy. Cảm giác lợn trợn lan tỏa trong tôi, khi bàn tay cô vô tình chạm vào phía dưới. Tôi thấy cô thảng thốt chơi vơi.

Trời sáng dần tôi đã nhìn rõ mặt cô. Một gương mặt trái xoan đoan trang dung dị. Bộ quần áo lính không làm mất đi, nét dịu dàng đằm thắm. Xe chạy đến bến, cô đợi tôi lấy xe đạp. Tôi hỏi cô:

- Em về đâu?

- Em về Hà Bắc.

- Anh đưa em ra bến xe?

- Mai em mới về.

- Thế bây giờ em đi đâu?

- Tùy anh.

Tôi lấy xe đèo em đi chơi Hà Nội. Em bảo chưa bao giờ được thăm thủ đô. Tôi đưa em đến Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu. Rồi thăm bách thảo, bách thú, bảo tàng. Chiều về căn hộ độc thân, em xăng xái vào bếp nấu cơm. Bữa cơm đạm bạc, cá kho, rau muống luộc vắt chanh mà chỉ loáng cái, nồi cơm đã sạch nhẵn. Em bảo chưa bao giờ em thấy ăn cơm ngon đến thế. Ăn xong tôi bật tivi xem thời sự, em vào nhà tắm. Đang mê mải xem tivi, bỗng có bàn tay ai bịt vào mắt tôi. Tôi gỡ tay ra. Không tin vào mắt mình, trước mắt tôi một thanh nữ kiều diễm, không phải cô bộ đội tôi gặp trong xe, một tiên nữ giáng trần.

Em ngọc ngà trong bộ đồ ngủ mỏng tang, đường cong vệ nữ gợi cảm uốn lượn. Không thể kìm lòng được, tôi ôm em vào lòng. Em khen tôi có thân hình đàn ông, hiền lành và khoáng đạt, là típ người em hằng mơ. Em thơm lên má tôi, lên môi và lên cả người tôi nữa. Em thì thầm:

- Anh có yêu em không?

- Không yêu em thì yêu ai?

- Thiếu gì con gái?

- Chả ai đẹp bằng em...

Sáng hôm sau em dậy sớm, đánh thức tôi dậy, đưa em ra tàu. Tôi thấy mặt em tư lự như có điều gì chưa nói được. Tôi xin địa chỉ, em lắc đầu trả lời không cần thiết. Em không muốn tôi biết công việc và đơn vị của em.

Tôi như người ngẩn ngơ. Em là ai? ở đơn vị nào? Đã có chồng chưa? Sao thái độ lại kỳ lạ vậy? Sao em không muốn cho tôi biết địa chỉ đơn vị công tác? Tôi nhớ đến câu Kiều "Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không", nghĩ về Đạm Tiên mà lòng dạ bời bời. Tình yêu bất chợt như cơn mưa mùa hạ, rồi lặng lẽ ra đi, chẳng đọng một lời. Người ta bảo tính con gái là thế. Phụ nữ là một đại lượng không thể đo đếm, một ẩn số không thể dễ tìm. Một năm mệt mỏi chán chường.

Để nguôi ngoai, tôi lên thăm Phượng, bạn tôi - kỹ sư làm việc ở Nhà máy Quốc phòng Hà Bắc. Đang lúc tan tầm, tôi đứng trước cổng nhà máy chờ anh. Nhà máy lớn quá, công nhân ra vào nườm nượp. Có cả sĩ quan số hiệu, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng. Một tốp các cô bộ đội đi qua. Tôi nhìn thấy một dáng người quen, không biết gặp ở đâu rồi. Cô ta cũng nhìn tôi rồi thảng thốt quay đi. Hình như là Dung, cô bộ đội tôi gặp ở Sơn Tây năm ngoái. Tôi đang miên man, Phượng - bạn tôi vỗ vai:

- Làm gì như người mất hồn thế?

- Ở nhà máy này có ai tên Dung không? - Tôi hỏi.

- Dung quân nhân, Dung công nhân, Dung cấp dưõng, cậu cần Dung nào?

- Tớ không rõ Dung nào?

- Thế cô ta tầm bao nhiêu tuổi?

- Độ 27, 28 tuổi.

- Thế thì là Dung quân nhân, cô ta vừa qua đây.

Tôi theo Phượng về khu tập thể, lòng phởn phơ. Hôm nay có lẽ gặp may rồi. Tôi định bụng chiều tối lân la tìm đến Dung. Chắc Dung sẽ mừng và thằng Phượng kinh ngạc. Nhưng khi chúng tôi mở cửa vào nhà Phượng, thấy mẩu giấy của ai nhét qua khe cửa. Nhặt mẩu giấy lên, đọc không hiểu, Phượng đưa cho tôi. Tôi liếc nhanh dòng chữ: "Anh đừng đến đây, đừng gặp em nữa. Cám ơn anh". Lạ thật, ai biết mình đến mà gửi nhanh như vậy? Hình như chữ của Dung. Nhưng sao Dung biết tôi lên đây? Sao Dung lại biết tôi là bạn Phượng? Tôi đứng như trời trồng, thằng Phượng thì tấm tắc:

- Mới lên chưa ấm chỗ đã có gái theo rồi. Về khoản này tôi phục ông, vái ông bằng cụ.

- Có thì đã tốt. Đang nẫu ruột gan đây.

Thật oan bà Thị Kính. Người ta đang muốn quên mình, ruồng rẫy mình, chứ có vồ vập gì đâu mà tưởng bở. Cả một năm nay tôi đã tìm Dung. Càng tìm, càng bặt vô âm tín. Những điều khó hiểu hôm chia tay, lại hiện ra mồn một trong trí nhớ tôi. Tôi đã nghĩ nhiều, nghĩ đến buồn phiền tâm tưởng vẫn không ra lời giải. Dung không tham giàu, quyền quý, chức tước, chỉ cần người có tâm có tình. Điều này Dung cảm nhận được từ nơi tôi. Cả một ngày đêm tâm sự, Dung nói: "Em thật may mắn gặp anh. Em đã tìm thấy nửa đời mình". Vậy mà sau đó, Dung lại có cách hành xử lạ lùng quá…

Cuộc đời xoay vần, con tạo trớ trêu. Bất ngờ đến nhiều khi người ta không đợi. Thời gian đi như ngựa chạy, gió thoảng mưa bay, như bóng câu lướt qua cửa sổ. Thoắt đã mười năm. Tôi được cử đi học khóa đào tạo cấp tốc phóng viên. Một lần đi công tác, xe máy hỏng, tôi buộc phải cuốc bộ cho kịp thời gian. Đang rảo bước dưới cái nắng như thiêu như đốt, bỗng có chiếc xe Uoát từ xa phóng tới. Phần vì quá mệt, phần vì sợ muộn thời gian, tôi đánh liều vẫy xe. Vẫy thì vẫy nhưng tôi không ngờ chiếc xe đỗ xịch sát người. Một khuôn mặt nữ ló ra: "Anh về đâu?".

Khuôn mặt quen quen. Hình như Dung? Dung ở Hà Bắc sao lại ở đây? Dung chuyển đơn vị à? Dung đã đeo quân hàm thiếu tá. Đã "quan to" rồi. Còn tôi vẫn phóng viên quèn. Tình cờ hay Dung nhận ra tôi? Sao tôi với Dung, toàn gặp những trắc trớ, éo le. Cái số nó run rủi thế. Dung rất vội. Em chỉ kịp đưa tôi đến nơi công tác, cho địa chỉ và mời tôi khi nào rảnh lên thăm. Rồi em đi ngay. Ngày chủ nhật tôi phóng xe về hướng Hòa Bình, không đầy hai tiếng tôi đã đến nhà máy của Dung. Tôi hỏi thăm người thường trực. Anh ta hỏi tôi:

- Anh cần gặp ai?

- Tôi cần gặp bà Dung.

- Dung phó giám đốc hay Dung "phòng không"?

- Tôi cũng không biết Dung nào cả.

- Mời anh vào phòng khách.

- Thế ở đây có hai Dung à?

- Đùa anh một tý thôi. Dung phó giám đốc hay Dung "phòng không" đều là một.

Cảm giác chua chát, choán ngập trong lòng. Tôi thấy anh thường trực nhấc điện thoại, năm phút sau, Dung hớt hải đi ra. Dung xởi lởi bắt tay và dẫn tôi đi tham quan nhà máy. Nhà máy rộng rãi khang trang. Dung mời tôi ăn cơm. Sau khi ăn, Dung dẫn tôi lên phòng khách. Dung vồn vã:

- Mười năm rồi chúng mình không gặp nhau, anh đã có gia đình chưa?

- Anh đã có rồi.

- Anh được mấy cháu?

- Anh được hai cháu.

- Còn em?

- Em vẫn… như xưa.

Vừa dứt lời, chưa để cho tôi kịp hiểu vấn đề, Dung đột ngột quay sang tôi, giọng hơi thảng thốt:

- Thành có khỏe không? Cô ấy làm ở đâu rồi?

- Thành nào? - Tôi ngạc nhiên.

- Anh đóng kịch tài thế? Đúng là dân nhà báo.

- Em hỏi Thành nào vậy?

- Thành vợ anh chứ còn ai nữa!

- Vợ anh là Mai cơ mà?

- Mai hay Mốt thì cũng là do anh đặt thôi. Anh hãy xem đây này.

Nói rồi Dung đưa cho tôi lá thư nét chữ đã ố vàng. Đúng là thư ai gửi cho tôi, ngoài bì thư không ghi tên người gửi. Tôi liếc nhanh nội dung thư và sửng sốt. Đúng là thư của thằng Thành cùng lớp gửi cho tôi. Thằng Thành là dân văn, tính hay thích đùa, thấy tôi mãi vẫn chưa "chấm" được ai, đã vờ viết cho tôi một lá thư yêu mùi mẫn nồng nàn. Khi tôi phát hiện ra, nó bảo: "Mày thích thì cứ chép lấy mà dùng". Lá thư này bị thất lạc từ bao giờ tôi không nhớ nổi. Nào ngờ nó lại rơi vào tay Dung. Thật là tai bay vạ gió. Cuộc đời tôi đã bẻ ghi, rẽ bước từ sau trò đùa tai hại này. Trớ trêu thay, cuộc sống có cái vui đùa hữu ích, nhưng có cái đùa tệ hại, chết người.

Dung ngồi lặng thinh nghe tôi trần tình. Gương mặt không hề bộc lộ cảm xúc. Cuộc đời không ai được hết và mất hết. Sau này, qua tìm hiểu tôi được biết, mười hai cô cùng nhập ngũ với Dung đận ấy, đến giờ chỉ có hai cô lấy được chồng, còn lại mười cô vẫn phòng không đơn chiếc. Nhiều cô đi phép tại đơn vị, không muốn về quê. Chuyện lạ mà có thật. Phần vì quen nếp sinh hoạt ở đơn vị, phần vì ngại quấy quả bạn bè khi họ có gia đình. Lớp Dung đã quá lứa nhỡ thì, cao không tới, thấp không thông. Đàn ông cùng tuổi đã lập gia đình, còn tân binh chả nhẽ... chị lại yêu em. Thành ra hoàn cảnh của họ thật trớ trêu.

Truyện ngắn của Nguyễn Tiến Hóa