Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 23/8, cảnh sát đã bắt giữ hai người đàn ông vì tội điền ngày sản xuất mới lên trên hàng ngàn hộp sữa Mông Ngưu sắp hết hạn và đem bán tại thành phố Nghĩa Ô và Kim Hoa ở phía Đông tỉnh Chiết Giang.

Phòng Công nghiệp và Thương mại Chiết Giang cho biết, Wang Sun Fu, chủ một đại lý bán hàng, và người đồng lõa họ Zhao đã mua 3.000 hộp sữa với giá một nửa so với thị trường vì số sữa này sắp hết hạn và sau đó tự ý thay đổi ngày sản xuất để bán kiếm lời. 

Wang Wang Sun Fu khai với cảnh sát sau khi mua được số lượng lớn sữa với giá rẻ, hắn đã thuê người in lại ngày sản xuất và bán với giá 45NDT (7,2USD)/hộp bằng giá thị trường trong hai thành phố Nghĩa Ô và Kim Hoa.



Loại sữa chứa flavacin-M1 quá mức cho phép. Ảnh: China.com

Việc làm ăn phi pháp của Wang bị phát hiện sau khi cơ quan chức năng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Chiết Giang đến kiểm tra một nhà kho ở thành phố Kim Hoa và tìm thấy 160 hộp sữa in sai ngày sản xuất.


Mông Ngưu là một trong các nhà sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc. Thời gian qua, Mông Ngưu đã phải hứng chịu một loạt các vụ bê bối ô nhiễm liên quan đến sản phẩm của hãng.

Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc cho biết trong tháng 12/2011, tìm thấy trong sữa Mông Ngưu có quá nhiều chất flavancin-M1, một chất có liên quan đến ung thư gan.

Tháng 11/2011, các nhà kiểm soát chất lượng ở miền Nam Quảng Đông đã tìm thấy vi khuẩn vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong kem Mông Ngưu.

Sáu tháng trước đó, 251 học sinh đã bị ngộ độc sau khi uống sữa Mông Ngưu ở mạn Tây Bắc tỉnh Thiểm Tây.

Trong năm 2009, Tổng cục giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc phát hiện sữa Mông Ngưu có hàm lượng quá cao OMP, một loại protein trong sữa có thể dẫn đến nguy cơ ung thư.

Trong diễn biến khác, ngày 22/8, Tòa án thành phố Ninh Ba tỉnh Chiết Giang cũng đã bắt đầu xét xử 20 người trong đường dây sản xuất và phân phối một số lượng lớn "dầu ăn cống rãnh" từ cuối năm 2007. Vào tháng 8/2011, cảnh sát Ninh Ba đã bắt giữ 32 nghi phạm sau khi một mạng lưới lớn sản xuất dầu ăn tái chế tại 14 tỉnh bao gồm Sơn Đông, Hà Nam, Chiết Giang.

Một công ty tái chế "dầu ăn cống rãnh" có doanh thu hàng năm lên đến 99 triệu NDT (15,6 triệu USD) trong khi 2 công ty tại Hà Nam có doanh số bán hàng lên đến 350 triệu NDT.

Theo luật sư Zhang Pei Hong tại Thượng Hải, những người tham gia trong việc tinh chế và bán "dầu ăn cống rãnh" sẽ bị nghiêm khắc trừng trị. Theo luật hình sự Trung Quốc, những người sản xuất và bán thực phẩm độc hại có thể bị kết an từ 5-10 năm tù. Nếu có trường hợp tử vong, thì những kẻ phạm tội sẽ nhận án tù chung thân thậm chí tử hình.

Theo Đất Việt