Cùng với các công ty quảng cáo, truyền thông, các nhà đài hiện rất coi trọng việc đo chỉ số người xem truyền hình (rating), bởi chỉ số đó chi phối việc hoạch định chiến lược kinh doanh cho các chương trình phát sóng. Tuy nhiên, cuộc đua này ở Việt Nam lại đem đến không ít hệ lụy.

Hình ảnh kinh khủng khung giờ vàng.  Ảnh: TL

 
Khốc liệt với đủ mọi chiêu trò

Rating hiểu đơn giản là thông số đo số lượng người xem truyền hình trong tương quan so sánh giữa các chương trình, kênh… trong phạm vi toàn quốc, hay theo từng khu vực, đến độ tuổi, giới tính và dựa vào số dân trong phạm vi khảo sát mà đưa ra tỷ lệ phần trăm, sự quan tâm của khán giả đến một chương trình truyền hình. Lẽ dĩ nhiên các chương trình có số lượng rating cao thì giá quảng cáo cũng tăng. Chính vì thế, rating trở thành mục tiêu của những cuộc đua khốc liệt trên sóng truyền hình.

Theo thống kê, năm 2013 là năm bùng nổ của truyền hình thực tế với 16 chương trình được phát sóng, chỉ tính trên 2 kênh truyền hình “hot” là VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam và HTV7 của Đài Truyền hình TP HCM. Hiện nay, có 4 “ông trùm” đứng ra sản xuất các chương trình cung cấp cho 2 kênh truyền hình này là Cát Tiên Sa (The voice, The voice kids, Bước nhảy hoàn vũ…); BHD (Vietnam Idol, Người giấu mặt, Học viện ngôi sao…); Đông Tây Promotion (Thử thách cùng bước nhảy…) và Mutltimedia (Vietnam’s Next Top Model, Đồ Rê Mí…). Nhìn vào cũng đủ thấy cuộc đua giành sóng khốc liệt như thế nào. Những nhà sản xuất này thường “mua đứt” sóng của nhà đài nhưng để trụ vững trên 2 kênh VTV3 và HTV7 trong khung giờ vàng, các chương trình của họ phải bảo đảm thu hút lượng khán giả đông đảo (rating cao), lôi kéo được nhiều quảng cáo.

Song song với việc chạy đua mua bản quyền của nhiều chương trình “ăn khách” trên thế giới, việc nhà sản xuất chẳng ngần ngại bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê những chuyên gia, những người nổi tiếng, thậm chí “người đặc biệt”, “dị biệt” trong chương trình cũng là điều dễ lý giải. Từ chiêu mộ cho bằng được các ca sĩ ngôi sao trong nước như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà… đến tạo sự khác biệt bằng một số ngôi sao quốc tế như siêu mẫu Tyra Banks, hay giám khảo gốc Việt như Thanh Bùi (The Voice Kids), John Huy Trần (So you think you can dance), Dumbo (Got to dance)… đã tạo ra luồng gió mới, tăng sức hút cho các show thực tế.

Ngoài ra, một thực tế rõ ràng nhằm tăng rating là tạo scandal để gây hiệu ứng thu hút khán giả và truyền thông. Các chương trình mặc dù mang danh là truyền hình thực tế nhưng bị phơi bày trên mặt báo về kịch bản dàn dựng, dàn xếp kết quả hay những bí mật hậu trường căng thẳng giữa các thí sinh… cũng được khai thác triệt để trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
 
Hệ lụy từ cuộc đua rating

Tại nhiều nước, rating không chỉ được nhà đài, đơn vị sản xuất, doanh nghiệp, mà ngay cả khán giả cũng rất quan tâm. Không nói xa xôi các nước Âu, Mỹ, tại Hàn Quốc... trên mỗi chiếc tivi đều được gắn một thiết bị đo rating (Passive People Meter), mọi hành động của người xem đều được ghi nhớ tự động. Với cách làm này, ngay sau khi một chương trình bất kỳ được phát sóng xong, bản rating được công bố qua website, ai cũng có thể theo dõi dễ dàng. Qua đây ngoài chỉ số rating trung bình, còn cho biết con số của từng khu vực, đâu là thời gian mà khán giả yêu thích.

Trong khi đó, ở Việt Nam công nghệ này vẫn chưa được phổ biến. Cách đo rating được thực hiện bằng hai cách: Ghi nhật ký (Diary) và lắp đặt một số máy People Meter vào tivi. Hiện chỉ có hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM là đo rating bằng máy điện tử People Meter (số lượng cũng không nhiều), còn các thành phố khác vẫn dùng phương pháp Diary. Việc không xác định rating rõ ràng cho các chương trình truyền hình khiến các nhà đài tự mặc định cho họ khái niệm “khung giờ vàng”. Một vấn đề dễ nhận thấy nhất, do không xác định được đối tượng khán giả (độ tuổi, giới tính…) đã làm nảy sinh khá nhiều vấn đề phức tạp. Không ít phụ huynh phải “nóng mặt” vì quảng cáo rất nhạy cảm xuất hiện ở khung giờ vàng (18h – 20h) trong khi con trẻ thì ngơ ngác!

Đối với phim truyền hình, rating không chỉ đo sự quan tâm của công chúng khi đã đóng máy và lên sóng, nhiều hãng nước ngoài làm phim theo kiểu “cuốn chiếu”, vừa sản xuất vừa phát. Thông số rating chính xác, giúp nhà làm phim biết mình đang ở đâu, đồng thời dựa vào chỉ số khán giả để “xoay chuyển đề tài, định vị mục tiêu” cho phù hợp thị hiếu. Rating cao là kết quả của nhiều người xem, chứng tỏ kịch bản, đạo diễn... có sức thu hút lớn, vì thế mà có giá quảng cáo cũng sẽ tương xứng. Còn hầu hết phim truyền hình Việt Nam lại đều phải hoàn thành từ nhiều ngày trước khi phát sóng nên chỉ số khán giả chỉ nhằm kêu gọi quảng cáo. Hiện nay, nếu bộ phim nào có tỷ lệ rating cao, thu hút nhiều quảng cáo thì các nhà đài sẽ ưu tiên phát sóng, nhất là vào các khung giờ vàng. Thế nên, hiện nay chỉ có khái niệm “phim ăn khách” chứ không còn khái niệm “phim hay”.

Đã từng có những chương trình bị nhà đài đẩy ra khỏi sóng giờ vàng để nhường đất cho các chương trình truyền hình thực tế ăn khách, rating cao, nhiều quảng cáo. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều chương trình tuy được làm nghiêm túc có giá trị giáo dục, nghệ thuật cũng khó có thể chen chân được vào khung giờ vàng và điều này cũng đồng nghĩa với việc kêu gọi đầu tư cũng giảm đi do bị ám ảnh bởi rating.
 
Các nhà tài trợ, sản xuất có niềm tin rằng những đứa con tinh thần của họ “sống giờ vàng” sẽ “đẻ trứng vàng” mà không cần bất cứ điều kiện tác động nào khác. Vì thế, bất luận chương trình đó hay hoặc dở, các công ty quảng cáo cũng sẵn sàng đổ hàng trăm triệu để quảng bá cho sản phẩm của mình...
 
Theo Giadinh.net