Uống nước chanh có giúp thải độc gan, thận không?
Ghi nhận cho thấy chanh là một loại thực phẩm tốt nhất trong việc giúp thanh lọc gan. Nhiều người thích uống nước chanh vì có chứa vitamin C, với hàm lượng vitamin C rất cao là 51,7mg/100g. Các chất flavonoit trong chanh (chất chống ôxy hóa) có thể chống các bệnh suy thoái não. Không chỉ thế chanh còn có tác dụng làm sạch bàng quang, thận, hệ tiêu hóa và phổi.
Theo Sức khoẻ & Đời sống, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể chứng minh rõ ràng về hiệu quả của việc uống nước chanh đối với gan, thận. Mọi người thường chọn uống nước chanh để thải độc gan là do trong chanh có chứa các chất chống oxy hóa, giúp gan tạo ra glutathione, một chất giúp giải độc cơ thể. Ngoài ra, chanh cũng chứa naringenin, một hoạt chất đã được nghiên cứu làm giảm viêm gan trong trường hợp gan bị nhiễm mỡ.

Theo nhiều nhà nghiên cứu thì chanh là trái cây rất tốt cho quá trình thanh lọc cơ thể. Hàm lượng dinh dưỡng trong chanh giúp loại bỏ độc tố và thúc đẩy hệ tiêu hóa, hỗ trợ thận hoạt động hiệu quả.
Thường xuyên bổ sung một cốc nước hòa với nước vắt nửa quả chanh vào chế độ ăn hàng ngày còn giúp quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra thuận lợi hơn. Lưu ý người đau dạ dày không nên uống quá nhiều chanh. Khi uống nước chanh để thải độc gan, cần lưu ý pha nước chanh thật loãng và sử dụng nước đun sôi để nước chanh còn ấm.
Uống gì giúp thải độc gan, thận?
Trong cơ thể chúng ta có đến hơn 70% là nước. Điều này cũng cho thấy được tầm quan trọng của nước với việc duy trì sức khỏe hàng ngày. Nếu không có đủ lượng nước cần thiết, cơ thể sẽ bị mệt mỏi, dễ căng thẳng, lo âu... Tỷ lệ mắc các bệnh lý về thận có thể gia tăng nếu chúng ta không cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, việc uống đủ nước sẽ giúp thanh lọc cơ thể tốt cho gan, thận.
Vậy, những ai không nên uống nước chanh?
Người bị trào ngược axit
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời DS. Nguyễn Kim Thủy cho biết, tác dụng phụ tiềm ẩn khác của việc uống nước chanh ấm khi bụng đói là trào ngược axit. Độ axit cao của chanh có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit, chẳng hạn như ợ nóng và khó tiêu.
Nếu bạn có tiền sử trào ngược axit, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thường xuyên uống nước chanh.
Người có dạ dày nhạy cảm

Uống nước chanh ấm khi bụng đói cũng có thể gây khó chịu ở một số người có dạ dày nhạy cảm. Tính axit của chanh có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, đầy hơi và đau bụng.
Nếu bạn gặp những triệu chứng này, tốt nhất bạn không nên uống nước chanh khi bụng đói.
Người đang dùng thuốc
Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang India TV News cho biết, theo cô Kylie Bensley, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, người sáng lập Trung tâm dinh dưỡng Sulinu, nước chanh có thể tương tác với một số loại thuốc, khả năng làm giảm hiệu quả của chúng hoặc gây ra tác dụng phụ. Ví dụ, nước chanh có thể cản trở sự hấp thụ của một số loại thuốc kháng sinh và thuốc tuyến giáp.
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thường xuyên uống nước chanh.
Người mắc chứng tiểu không tự chủ
Chuyên gia Bensley nói thêm rằng axit xitric trong chanh có thể gây ra tình trạng tiểu không tự chủ nhiều hơn vì axit có thể gây kích ứng bàng quang.
Người bị hư răng
Axit trong chanh có thể làm tăng độ nhạy cảm ở răng. Điều này cũng làm suy yếu lớp men bảo vệ răng, làm mòn men răng. Người có răng yếu uống nước chanh hằng ngày có thể gặp các vấn đề về răng miệng.
Để hạn chế tác hại của chanh lên men răng, nên dùng ống hút để uống nước chanh
Súc miệng bằng nước lọc sau khi uống nước chanh để bình thường hóa nước bọt và tăng cường tái khoáng hóa men răng.
Đánh răng khoảng 1 giờ sau khi uống nước chanh để giảm tác dụng ăn mòn của axit citric. Tránh đánh răng ngay sau khi uống nước chanh vì men răng có thể ở trạng thái bị axit làm mềm.

Theo Người đưa tin