Sự tăng trưởng trong lĩnh vực di động đã đem tới cuộc cách mạng về phần cứng thiết bị đầu cuối trong những năm trở lại đây. Cứ mỗi năm, chúng ta lại được chứng kiến những siêu smartphone ra đời với con chip tốc độ cao hơn, bộ nhớ RAM tăng theo cấp số cộng cùng màn hình có thể chứa được ngày càng nhiều những điểm ảnh. Do đó benchmark xuất hiện như một thước đo đánh giá sức mạnh của rất nhiều chủng loại smartphone.
![]() |
Có thể thấy rõ hầu hết những điện thoại mạnh nhất thế giới hiện tại đều sử dụng hệ điều hành Android. Đối với nền tảng này, người dùng chỉ cần tải về và chạy những công cụ benchmark từ PlayStore như Quadrant hay AnTuTu để thu được điểm đánh giá. Điểm số cuối cùng sẽ là điểm đánh giá tổng thể và lẽ dĩ nhiên, điện thoại nào điểm càng cao đồng nghĩa rằng hiệu năng cũng càng tốt. Người dùng phổ thông vốn thích các con số đơn thuần để có thể đem so sánh hiệu năng giữa các máy với nhau. Tuy nhiên, các con số này cũng chỉ mang tính chất tương đối và không phản ánh đúng với thực tế.
Một trong những lý do quan trọng để đừng quá tin vào benchmark là vì chúng thường cho các kết quả lệch nhau. Nếu đã từng chạy benchmark trên smartphone của mình nhiều lần, hẳn bạn sẽ nhận thấy các kết quả có nhiều sai khác: Khi thì cao, lúc thì thấp. Điều này là do các thiết lập của người dùng khi thực hiện "đo điểm" với những chế độ tải khác nhau cùng những phần mềm thứ 3 được cài cắm làm ảnh hưởng đến kết quả. Một con chip phải chia sẻ nhiều hiệu năng xử lý khi thực hiện benchmark chắc chắn sẽ cho kết quả thấp hơn so với khi phải tải nhiều ứng dụng nền. Đó là cách mà Samsung đã thực hiện để làm cho kết quả benchmark của Galaxy Note 3 trở nên cao bất ngờ.
![]() |
Cụ thể, khi chạy ứng dụng chuyên benchmark như Geekbench chẳng hạn thì các lõi của CPU Snapdragon 800 đều cùng hoạt động và hầu như không ở trong tình trạng nhàn rỗi. Tuy nhiên, Ars Technica tiếp tục sử dụng trình benchmark khác là Stealthbench với công dụng gần như giống hệt Geekbench và chỉ đổi tên gọi. Lần này, Note 3 đã bị “đánh lừa”. Khi chạy Geekbench thì các nhân xử lý bị bắt phải hoạt động nhưng khi chạy Stealthbench, chúng vẫn được phép cho nghỉ ngơi.
![]() |
![]() |
Khi chạy đa lõi, điểm benchmark của Note 3 bứt phá hơn hẳn do các nhân xử lý bị ép phải hoạt động. |
Kết quả trên được thực hiện bởi Ars Technica. Trang công nghệ này còn tìm thấy một tập lệnh "DVFSHelper.java" trong đó liệt kê danh sách các ứng dụng benchmark mà Note 3 sẽ chạy ở chế độ “hết công suất” để đạt được số điểm cao như GFXBench, Benchmark Pi, Linpack, Quadrant... Kết quả thử nghiệm với từng lõi đơn khi chạy Geekbench là gần như nhau song khi chạy Geekbench đa lõi thì điểm số của Note 3 có thể tăng thêm 20%. Đối với bài test Linpack, con số này thậm chí còn tăng tới 50%.
Gian lận
Hiện nay có 2 chiều dư luận, một số người cho rằng việc kích cho các nhân khác cùng chạy là một việc làm hoàn toàn bình thường nhưng luồng ý kiến thứ 2 ra sức phản bác và tin rằng Samsung là kẻ "ăn gian" trắng trợn. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế bạn có thể thấy rằng chuẩn benchmark đã được xây dựng từ rất lâu, các hãng di động khác đều cùng tuân theo một quy luật bất thành văn. Vậy phải chăng Samsung đã đi lại lẽ tự nhiên của số đông, một mình tự điều chỉnh để có được kết quả tốt hơn nhằm dìm hàng đối thủ. Cũng cần phải nhắc rằng trong quá khứ, hãng điện tử Hàn Quốc cũng đã từng bị cáo buộc cố ý ép xung GPU của Galaxy S4 để nó đạt được số điểm cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, với các bài test benchmark cùng kiểm tra khả năng hoạt động của CPU, sự chênh lệch lại khá rõ ràng. Nếu để đảm bảo công bằng thì trong 2 bài test gần tương tự nhau là Geekbench và Stealthbench, Note 3 phải cho số điểm gần giống nhau, đằng này sự chênh lệch bộc lộ khá rõ. Nếu trong cùng một bài đánh giá Quadrant hay AnTuTu, có những hãng thực hiện hành vi như Samsung và những hãng không can thiệp thì kết quả sẽ không còn sự công minh nữa mà trở thành sân chơi của những kẻ khôn lỏi, chộp giật.
Lợi gì cho Samsung?
Nếu không phải là thừa tiền khi chẳng một ai bỗng dưng mua lấy một smartphone giá cả chục triệu đồng. Họ sẽ tìm đến những bài đánh giá hoặc benchmark trên mạng để quyết định xem liệu chiếc điện thoại đó có đáng mua hay không. Đương nhiên với một kết quả benchmark vượt trội của Galaxy Note 3 so với những đối thủ khác, người dùng phổ thông sẽ cho rằng những chiếc điện thoại khác đều không được tốt đồng thời giành nhiều cảm tình cho siêu di động của hãng bởi lẽ ai cũng khao khát được sở hữu những smartphone mạnh nhất. Như vậy, với cách làm ma mãnh và khéo léo này, hãng điện thoại Hàn Quốc đã gián tiếp làm cán cân mua hàng của người dùng nghiên về phía mình nhiều hơn. Nói nôm na thì đây có thể coi như một cách quảng cáo không chính thống nhưng rất hiệu quả mà Samsung có thể sẽ là người đi đầu tiên.
![]() |
Ngoài ra, với thủ thuật nhỏ như thế, hãng điện thoại xứ Kim Chi cũng tạo được không ít hiệu ứng về mặt thương hiệu. Cứ với đà này, dần dần trong suy nghĩ người dùng về những chiếc smartphone ấn tượng nhất sẽ có cái tên Galaxy ở trong đó. Vô hình trung, Samsung đã tạo được một lượng không nhỏ SamFans sẵn sàng giới thiệu không công những smartphone của hãng cho người thân và bạn bè khi họ cần mua điện thoại mới.
Tạm kết
Thay vì hướng vào những trài nghiệm của người dùng thì các nhà sản xuất lại thay nhau tung ra các sản phẩm có thông số "hầm hố" như một cách để khoe và tạo chú ý. Thế nên mỗi người dùng chúng ta hãy là một người dùng thông minh hơn khi đánh giá một chiếc điện thoại dưới nhiều chiều và dựa vào các cảm nhận thực tế hơn thay vì chỉ những con số khô khan như benchmark vì biết đâu sẽ ngày càng có những chiêu trò như Samsung đã làm để đánh lạc hướng người dùng.
Đó cũng là cách mà Apple thấu hiểu khách hàng của mình khi những sản phẩm của họ không hề có những cải tiến phần cứng mạnh mẽ qua các thế hệ. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó qua các quảng cáo hướng người dùng vào những trải nghiệm nhiều hơn là các thông số khô khan với hình ảnh người dùng tỏ ra thích thú khi sử dụng iPhone, iPad thay cho những thông số phần cứng khó hiểu.
Theo Tùng Phạm (GenK.vn)