Chặng đường từ Bắc Kạn lên Cao Bằng khoảng 300 km, xe phải vượt qua 5 ngọn đèo mà những ai không đủ sức khỏe dễ ngán ngại. Nhưng đến lúc dừng chân ở điểm tham quan thác Bản Giốc, mọi người cùng ồ lên sung sướng, quên hết mệt nhọc trước khung cảnh hùng vĩ của vùng đông bắc quê ta.

Thời tiết vẫn còn oi bức, nhưng từ xa nhìn thấy thác nước ào ạt đổ về trắng xóa một vùng như cảm thấy có làn gió làm mát dịu giữa trưa hè nóng bỏng. Thác Bản Giốc nằm trên sông Quế Sơn (Quây Sơn) thuộc biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vẻ đẹp thiên nhiên vốn có của thác Bản Giốc đã được công nhận là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia.
Du khách đi bộ qua cánh đồng lúa mơn mởn trước khi đến chân thác Bản Giốc. Nhìn từ góc độ này đã thấy thêm yêu quê hương bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời của thác Bản Giốc. Dịch vụ chèo xuồng đưa khách đến gần thác khá nhộn nhịp, được khai thác từ hai phía Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi bỏ ra 50 ngàn đồng/ người cũng chỉ để tiếp cận thác một cách gần nhất. Hơi nước với hàng vạn giọt nước li ti bay trắng xóa khiến cho ống kính của máy ảnh bị nhòe, không thể có được những bức ảnh đẹp cận cảnh.

Thoải mái về thời gian tham quan, chúng tôi được dịp khám phá những điều thú vị quanh thác. Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi vào vùng vành đai biên giới. Theo đường mòn chúng tôi len lỏi vào khu chợ biên giới bày bán công khai nhiều loại hàng hóa, chủ yếu là hàng made in China. Mấy người bán chào hàng bằng tiếng Hoa và khi chúng tôi đưa tiền Việt Nam, họ cười lắc đầu.
Đây là địa phận Thạc Long, huyện Đại Tân, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, cách thủ phủ Nam Ninh của Quảng Tây khoảng 208km. Và ở nước ta vành đai biên giới này thuộc địa phận xã Đàm Thủy cách huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng khoảng 20km về phía đông bắc.

Khác với phía Việt Nam, dịch vụ du lịch ở bên phía biên giới Trung Quốc kinh doanh có vẻ bài bản hơn khi họ có cả xe điện phục vụ du khách đi lại và cả dịch vụ cho thuê ngựa cưỡi dạo chơi. Du khách Trung Quốc đông vô kể, người ta chen nhau trên lối đi và cả khi qua một vài cây cầu. Nếu trước đó, chúng tôi chỉ cần đi bộ khoảng 10 phút là đã tới gần chân thác thì lúc này, bên phía biên giới Trung Quốc, chúng tôi cùng du khách Trung Quốc phải leo lên nhiều bậc thang cao để “mục sở thị” khiến ai nấy cũng phải thở hổn hển. Thực ra cảnh thác Bản Giốc nhìn từ Trung Quốc không đẹp bằng nhìn từ phía Việt Nam, cho dù có lợi thế quan sát từ trên cao. Dưới đất, cạnh mặt hồ có vài điểm dịch vụ chụp ảnh lấy ngay với giá10 nhân dân tệ cho một bức ảnh, nhiều du khách phải xếp hàng chờ tới lượt.

Đến giờ phải ra xe, chúng tôi nhìn đồng hồ biết rằng mình đã đặt chân trong lãnh thổ của Trung Quốc 45 phút. Một khoảng thời gian vừa đủ để có góc nhìn thêm về thác Bản Giốc. Trên đường về thành phố Cao Bằng, chúng tôi đã dừng chân chụp ảnh đèo Mã Phục từ trên cao, là một trong những con đèo đẹp và hiểm trở nhất miền Bắc.
Từ Cao Bằng lại tiếp tục vượt 300 km theo đường QL 4A qua Lạng Sơn trở về Hà Nội, đường đi xuống cấp nghiêm trọng, các xe đều phải di chuyển chậm. Cái giá cho việc mất nhiều thời gian cũng xứng đáng cho hai ngày dạo chơi và được thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi non, thác nước vùng biên.
Một vài hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ của thác Bản Giốc:








.jpg?width=0&s=PddDKbvg4hWYbugoFIx6bA)
.jpg?width=0&s=3fsRC3m9bw-8YJ48pg0XOw)
.jpg?width=0&s=TIn736HuOoXB8AO8o7xCZw)

Mời các bạn chia sẻ những cảm nhận khi khám phá một vùng đất mới, một điểm du lịch; khi thưởng thức những đặc sản địa phương... bằng cách gửi mail đến tintuconline@vietnamnet.vn |