Hai vợ chồng tôi là giáo viên về hưu. Cuộc sống không giàu sang nhưng nhờ biết tiết kiệm, đầu tư chút ít, nên đến tuổi xế chiều cũng có được chút tài sản một căn nhà rộng rãi ở quê, một mảnh đất đang lên giá gần thị trấn và hơn 1 tỷ đồng tiết kiệm phòng khi đau ốm. Chúng tôi sống giản dị, chỉ mong có tuổi già an nhàn bên con cháu. Tôi sinh được hai cô con gái, không có con trai. Ngày xưa khi mới sinh đứa thứ hai, có người từng mỉa mai: “Không có con trai thì sau này về già biết nương tựa vào ai?”, nhưng tôi không quan tâm. Với tôi con nào cũng là con, con gái càng tình cảm, hiếu thảo thì càng quý.

Cô con gái đầu lấy chồng xa, định cư trong Nam, kinh tế cũng chỉ vừa đủ sống. Vợ chồng tôi dự tính sau này sẽ ở cùng vợ chồng cô con gái út hiện đang sống và làm việc ở thành phố gần nhà. Chồng nó là nhân viên ngân hàng, con bé thì làm giáo viên. Hai đứa mới cưới 3 năm, có một cháu nhỏ, thuê một căn hộ chung cư. Chúng tôi dự tính vài năm nữa, khi cả hai nghỉ hưu, sẽ bán nhà đất ở quê, dồn tiền cho hai vợ chồng nó mua một căn nhà đàng hoàng, rồi dọn lên ở cùng để tiện chăm sóc nhau, ông bà trông cháu, con cái lo cho bố mẹ lúc về già. Ý định ấy tôi chưa nói ra, chỉ âm thầm bàn với chồng. Chúng tôi còn dự định cuối năm nay sẽ ngỏ lời, bàn bạc cho các con chuẩn bị tinh thần. Nhưng tất cả sụp đổ chỉ vì một lần tình cờ nghe được câu nói của con rể.

Không có con trai tích cóp khoản tiền định già sống cùng vợ chồng con gái nghe con rể nói 1 câu từ bỏ ý định
Ảnh minh họa.

Hôm ấy, vợ chồng tôi từ quê lên thăm cháu ngoại. Vì nhà nhỏ, tôi phụ con gái nấu nướng, còn chồng tôi ra ban công ngồi chơi. Lúc đó, con rể đi làm về, tưởng tôi không có trong bếp nên nói với vợ: “Anh nói thật, em bảo ông bà đừng ở cùng tụi mình sau này nha. Già rồi thì ở quê hưởng tuổi già cho yên. Ở chung lắm chuyện lắm, anh chịu không nổi. Mỗi lần ông bà lên chơi vài ngày là anh thấy bí bách, thiếu không gian rồi. Mình còn trẻ còn công việc, con cái, thêm ông bà nữa sao xoay xở nổi?” Tôi nghe xong, tim nhói một cái.

Tôi không trách con rể. Nó không hỗn, không to tiếng, chỉ đang nói thật lòng. Và tôi hiểu, tuổi trẻ có cái lý của họ không gian riêng, sự thoải mái, tự do là điều họ coi trọng. Nhưng tôi đau, không phải vì bị từ chối, mà vì nhận ra tất cả kỳ vọng của mình bấy lâu nay hóa ra là đơn phương. Tôi từng nghĩ con gái sẽ vui nếu bố mẹ ở gần, giúp đỡ trông cháu, cơm nước. Tôi từng ngây thơ tin rằng chỉ cần mình hy sinh là các con sẽ trân trọng. Nhưng hóa ra, sự hy sinh ấy đôi khi lại trở thành gánh nặng dù người ta không nói ra.

Tối đó, tôi ra ban công ngồi cạnh chồng, kể lại mọi chuyện. Ông ấy trầm ngâm một lúc, rồi khẽ gật đầu: “Ừ, thôi thì mình giữ tiền dưỡng già, thuê giúp việc, có ốm đau cũng không phải nhìn nét mặt ai. Mình sống quen rồi, giờ lên thành phố ở chung, khác nếp sinh hoạt, cũng khó cho cả hai bên.” Nghe ông nói, tôi chực khóc. Mấy chục năm dạy học, tôi luôn dạy học trò biết sống hiếu thuận, biết nghĩ cho người thân. Nhưng đến khi làm cha mẹ, tôi mới thấm hiếu thảo không phải là ở chung hay không, mà là cách người ta nghĩ về sự hiện diện của mình.

Hôm sau, tôi vẫn cười nói, vẫn nấu cơm, chơi với cháu như chưa từng nghe thấy câu chuyện hôm trước. Nhưng trong lòng, tôi đã rẽ sang hướng khác. Tôi không bàn đến chuyện cho tiền mua nhà, cũng không nhắc đến chuyện ở chung. Tôi sẽ giữ lại khoản tiền ấy, để phòng thân, để dưỡng già và có thể giúp đỡ con cháu khi thật sự cần chứ không để mua lấy một chỗ đứng miễn cưỡng trong một ngôi nhà chật chội, trong ánh mắt không chào đón.

Tôi thương con, thương cháu. Nhưng tôi cũng học cách thương mình. Vì đôi khi, sống gần mà lòng xa, còn đau hơn sống cách nhau mấy trăm cây số.

Theo Thương Trường