Vừa ra khỏi ga tàu Venezia, tôi đã bắt gặp ngay hình ảnh đặc trưng của Venice: cây cầu gạch cong cong bắc ngang dòng kênh tấp nập từng đoàn thuyền qua lại. Cũng như khi dừng chân ở mọi thành phố châu Âu khác, việc đầu tiên tôi làm là tìm mua vé xe bus để đi lại.
Nhưng khác với những thành phố tôi đã từng qua, Venice đón tôi bằng những chiếc thuyền máy waterbus xình xịch, và mỗi bến đỗ cũng là một bến tàu xinh xinh. Ngồi trên xe bus dập dềnh trên mặt nước, mái tóc cô gái nào cũng rối tung trước những cơn gió mặn mòi từ biển thổi vào và hơi nước mát lạnh phả ra từ các dòng kênh.
Nước len lỏi khắp thành phố, chảy qua hàng trăm cây cầu lớn nhỏ, vỗ êm đềm bên bậc thềm của những ngôi nhà màu gạch ấm áp, lấp lánh theo những tay chèo của các chàng trai Venice áo kẻ trên những chiếc gondola - phương tiện đi lại đặc trưng của xứ này.
Không phải du khách nào cũng đủ xông xênh tiền bạc để làm khách trên những chiếc gondola trang trí cầu kỳ, đẹp đẽ dạo một vòng thành phố, nhưng chỉ cần ngồi bên bờ kênh ngắm nhìn đoàn thuyền này xuôi ngược cũng là một cái thú ở Venice rồi.
Mỗi con thuyền mũi cong ấy dường như đều chở theo một câu chuyện, khi là đôi tình nhân chụm đầu ngắm hoàng hôn, khi là cả gia đình trong trang phục xưa cùng nhau tận hưởng ly champagne ngọt ngào, khi chỉ là một chàng lãng tử ngồi ôm đàn guitar hát bên cạnh đóa hồng đỏ không biết dành cho ai - một cảnh dễ làm mủi lòng những cô gái trẻ. Một chiều hè muộn, tôi có dịp chứng kiến đoàn hơn 10 chiếc gondola phủ vải đỏ, các chàng thủy thủ đẹp trai mặc áo kẻ đỏ và dải ruy băng trên mũ cũng đỏ phất phơ trong gió.
Họ và các du khách trên thuyền cùng say sưa hát, những bài ca dập dềnh theo tiếng acordion dìu dặt và tiếng mái chèo kĩu kịt. Tiếng hát cho tôi biết cảnh tượng trước mắt là thực, nhưng khung cảnh thì như mơ, bởi tất cả mờ ảo trong ráng chiều muộn và ánh đèn vàng lung linh.
Là thành phố trên mặt nước nên Venice là xứ sở của hơn 400 cây cầu lớn nhỏ. (Và cũng vì sở hữu một số lượng cầu kỷ lục so với bất kỳ thành phố nào khác mà nơi này còn có biệt danh: Thành phố của những cây cầu!). Tôi chẳng đủ thời gian đi hết bằng ấy cây cầu để kiểm chứng nhận định người Venice đã tô điểm cho chúng mỗi cái một vẻ, không cái nào trùng lặp, nhưng đương nhiên tôi không thể bỏ qua những cây cầu đặc biệt nhất.
Cầu đá Rialto - hình ảnh đại diện cho Venice - đồng thời là một khu chợ sầm uất, nơi người ta tìm đến không chỉ để mua sắm đặc sản mà còn để thưởng thức cái không khí sinh hoạt cộng đồng từ xa xưa.
Chỗ này bán hải sản, chỗ kia bán trang sức thủy tinh Murano hoặc đồ da. Giữa cầu có hai cô gái xinh đẹp mắt xanh biếc đang kéo violon réo rắt. Cây cầu chạm trổ bằng đá vôi Ponte dei Sospiri mà một người bản xứ cắt nghĩa cho tôi tên của nó theo tiếng Ý nghĩa là tiếng thở dài.
Tương truyền ngày xưa, cây cầu nối liền cung điện Ducal với nhà tù Pallazo Delle chính là nơi những người tù có thể nhìn lại Venice xinh đẹp lần cuối và thốt lên tiếng thở dài trước khi bị đẩy xuống xà lim. Giờ đây, đến Ponte dei Sospiri, tôi chắc chẳng còn được nghe những tiếng thở dài, có chăng chỉ là những lời trầm trồ trước vẻ đẹp của Venice hay tiếng thì thầm với nhau những bí mật riêng tư của những cặp tình nhân đang tay trong tay hạnh phúc.
Và không chỉ những cây cầu lớn, ngay cả những cây cầu nhỏ cong cong cũng là chốn hẹn hò lý tưởng. Mà có khi chả cần hẹn ai, sáng sớm bạn ngồi bên cầu, ngắm những tia nắng ban mai dần đổ xuống, ngắm những chú chim hải âu và chim sẻ ríu rít chào ngày mới cũng đủ thấy Venice thật lãng mạn.
Không lãng mạn sao được, khi ngay cả vô vàn những cột gỗ neo thuyền bên dòng kênh và cửa biển cũng được trang trí bằng ruy băng xanh đỏ, và những chùm hoa đong đưa với gió.
Có lẽ điều kỳ diệu nhất ở thành phố này mà không ai có thể phủ nhận chính là những căn nhà, những công trình kiến trúc trên mặt nước. Nhìn thì thật đẹp, nhưng nếu bạn tự hỏi làm sao mà những căn nhà ấy có thể chịu đựng nước biển qua nhiều thế kỷ, chưa kể vài chục trận lụt xâm nhập hàng năm, bạn sẽ thấy Venice là một kỳ quan. Venice có một lịch sử lâu đời hàng ngàn năm với không biết bao những biến cố xảy ra, từ khi là nước cộng hòa Venetian cho đến khi trở là thành phố xinh đẹp bậc nhất của Bella Italiana Uno (một nước Italia tươi đẹp).
Nền móng của những căn nhà hầu hết đều hình thành từ muôn vàn những súc gỗ được nhập khẩu từ Nga (Liên bang Xô Viết trước đây) chôn ngập trong đất sét và cát. Ở điều kiện yếm khí, những xúc gỗ này sẽ rất khó bị phân hủy bởi vi khuẩn hay những phản ứng hóa học cần ôxy. Xem ra cái công cuộc lấn biển này không chỉ hao tổn sức lực và ý chí con người mà còn là nơi khảo nghiệm cho những tính toán khoa học có giá trị trường tồn nhiều thế kỷ.
Kiên cường như thế, nhưng nơi nào ở Venice cũng toát lên vẻ lịch lãm, lãng mạn, cầu kỳ, hào hoa và không kém phần xa hoa. Nhà cửa nếu không được trang trí bằng những bức phù điêu tiêu xảo hay những tấm màn nhung thì cũng được sơn phối màu rất bắt mắt, kèm theo ban công đón nắng gió thơ mộng.
Những ngày ở Venice, tôi có cái thú khoan khoái thưởng lãm căn buồn gỗ nâu bóng phủ màn rèm tinh tế, có phòng tắm nhìn ra khoảng sân đầy nắng và sáng ra, tiếng chuông nhà thờ thong thả gõ nhịp bên cửa sổ. Nếu có thời gian đi waterbus đến làng Murano, nơi vẫn còn những lò thổi thủy tinh màu từ bao đời, bạn còn có dịp chiêm ngưỡng những căn nhà được dát bằng muôn vàn những mảnh thủy tinh nhỏ đủ màu sắc. Các cô gái thì thỏa sức tìm kiếm ở nơi đây những món trang sức ưng ý bằng thủy tinh màu tinh tế.
Những quán hàng ở Venice luôn gợi nhớ châu Âu thời phục hưng với phong thái phục vụ sang trọng và những món ăn bày biện cầu kỳ. Tôi nhớ lâu cái món mực ống còn giữ nguyên túi mực tạo màu đen tuyền cho món ăn kèm với bánh bột ngô, không chỉ vì ngon, mà còn vì cái khoát tay dọn đĩa điệu nghệ và nụ cười mỉm của anh bồi, trong tiếng dương cầm chiều réo rắt.
Bày hải sản có lẽ cũng là một nghệ thuật ở đây, khi những chú cá, tôm, bạch tuộc... luôn khoe vẻ tươi rói, đủ đầy, mời gọi trước những gian hàng san sát hai bờ kênh. Chợ cá đã tồn tại trong thành phố như bao đời nay vẫn thế.
Còn muốn uống cà phê ư? Bạn cứ việc lần theo những ngóc ngách ngang dọc khắp Venice để tìm những quán cà phê ẩn khuất sau những căn nhà cổ, nép trong một sân vườn nhỏ, nơi có thể nhìn lên những khung cửa sổ gỗ khép hờ dưới ánh trăng. Trên những quảng trường hay con phố lớn gần mặt nước, cà phê có lẽ sẽ đắt hơn nhiều, nhưng đó cũng là cái giá mà bạn nên trả cho những cảm xúc đặc biệt không dễ có trong đời.
Tôi đã trả gần 10 euro cho một cốc espressco nhỏ giữa Pizza San Marco chỉ để tận hưởng cảm giác khó tả khi chứng kiến hàng vạn con chim bồ câu bay lượn, sà xuống mổ những hạt ngô trên tay người mà không hề e sợ, nhìn những chú ngựa kiêu hãnh trên nóc nhà thờ St.Mark, và ngắm hàng ngàn du khách tháo giày dép lội bộ giữa quảng trường chỉ vì chiều nay thủy triều vừa dâng.
Lang thang trên gác hai của nhà thờ St.Mark, chiêm ngưỡng những vòm mái dát vàng với những bức tranh mô tả những câu chuyện của Kinh Thánh, tôi không tìm được cho mình lời đáp, vì sao nơi này lại đẹp đến thế, hào hoa và quyến rũ đến thế!
Tôi tự cho mình là người may mắn khi có được một khoảnh khắc đẹp đến thế trong buổi chiều hè trên quảng trường San Marco. Hình như hôm ấy có một đêm nhạc mùa hè nên người ta thử giàn âm thanh. Và khi tiếng guitar dạo đầu của ca khúc Hotel Califonia vừa cất lên, hàng ngàn hàng vạn con bồ câu bỗng giật mình xòa cánh cùng lúc tung bay khắp quảng trường.
Bồ câu thì bay lên nhưng tất cả những người có mặt ở quảng trường thì dường như sững lại trong giây lát, vì cảnh tượng quá thanh bình, êm đẹp và đáng yêu. Venice luôn ẩn chứa trong mình những điều kỳ diệu, dù trong cả những giây phút bình dị nhất của cuộc sống.
Mỗi lần đến Venice, tôi đều mua cho mình chiếc mặt nạ nho nhỏ, gợi nhớ đến lễ hội hóa trang đình đám vào tháng 2 ở đây. Ngày xưa, các quý tộc và cả dân thường thường vui hết mình trong những lễ hội hóa trang vui nhộn, hào nhoáng đôi lúc đến phù phiếm. Giờ đây, lễ hội hóa trang Venice vấn tấp nập, những trang phục cầu kỳ xưa vẫn được tái hiện để giữ nguyên cho Venice vẻ đẹp văn hóa độc đáo.
Những chiếc mặt nạ với những dáng vẻ khác nhau, lúc nhẹ nhàng, lúc bí ẩn, có lúc đơn giản đến mộc mạc, lúc kiêu kỳ quyến rũ và đầy thách thức, như bao hàm tất cả vẻ đẹp và cảm xúc phong phú mà người ta có khi đến Venice. Chúng cũng là thứ gợi nhắc đến nơi này nhiều nhất khi tôi đã rời xa.
Venice mùa nào cũng đẹp, dù là nắng, mưa, hay là mùa nước lụt. Chỉ tiếc là chưa mùa nào, tôi đi Venice với người tôi yêu. Có lẽ đây cũng là cái cớ xác đáng nhất để tôi quay trở lại Venice, không chỉ để cầm máy ảnh lang thang khắp ngõ ngách mà để một lần xuống thuyền gondola, mắt trong mắt, chạm ly vang sóng sánh trong mùi gió và nước biển để tạo cho riêng mình một kỷ niệm nên thơ và lãg mạn của Venice mùa yêu.
Theo Bùi Mai Hương