Câu đầu tiên cô nói với anh ta không phải là lời trách móc hay đề nghị chia tay, mà là cầu xin anh hãy nói cho mình biết cô sai ở đâu, cô nhất định sẽ sửa chữa, chỉ cần anh đừng rời xa cô.
Câu đầu tiên cô nói với anh ta không phải là lời trách móc hay đề nghị
chia tay, mà là cầu xin anh hãy nói cho mình biết cô sai ở đâu, cô nhất
định sẽ sửa chữa, chỉ cần anh đừng rời xa cô.
Cô tự nhốt mình trong phòng, kiểm điểm lại bản
thân, thời gian qua vì bận rộn chăm sóc con gái, cô rõ ràng đã lơ là
chồng. Trước đây, khi hai người chưa có con, mỗi buổi chiều cô thường
đứng bên cửa sổ trong phòng ngủ đợi anh tan ca. Cô thuộc nằm lòng tiếng
còi xe của chồng, cách anh tắt máy và về số, tiếng vang của chìa khóa
khi rút khỏi ổ, bước chân anh lạo xạo đạp lên mảnh sân vuông vắn dưới
nhà. Cô mỉm cười nhưng không lên tiếng, khe khẽ vẫy tay về phía anh. Thi
thoảng cảm nhận được ánh mắt của cô, anh sẽ ngước lên nhìn, huýt sáo
trêu đùa cô, và cô cứ thế để mặc chân trần chạy hai bước một xuống những
bậc cầu thang, mở cửa, sà vào lòng anh như con chim bé nhỏ.
Nhưng
giờ, mỗi buổi chiều, cô luôn bận bịu với con, hết xoay xở cho con ăn
lại quay ra chuẩn bị bữa tối, có những hôm anh về nhà từ lâu mà cô không
hay biết. Vậy là, cô cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý hơn để có thể ở
bên chồng nhiều thêm mỗi ngày. Vào buổi chiều muộn, cô thường bế con
đứng bên cửa sổ, vừa dỗ dành con ăn, vừa mỏi mắt đợi chồng. Con bé nằm
trong lòng mẹ bập bẹ nói: "Tăng (trăng)", "Ba ba". Ban đầu, anh rõ ràng
cảm nhận được sự thay đổi của cô nên cắt giảm bớt những "cuộc tiếp khách
đột ngột" để về nhà sớm hơn. Anh sẽ ôm cả hai mẹ con vào lòng, hôn mỗi
người một bên má. Nhưng dần dà sự chờ đợi của cô cũng không thể níu giữ
được bước chân anh, có những ngày con gái đã ngủ say trên tay cô mà anh
vẫn chưa trở về.
Cô
lại điên cuồng nghĩ mình vẫn sai ở đâu đó, cô thường ngồi thừ trước
gương, nhìn khuôn mặt nhợt nhạt ủ rũ, mái tóc rối bù vương mùi sữa trẻ
nhỏ. Có những ngày, cô khỏa thân soi mình trong gương, lần rờ lên những
vết rạn da nứt nẻ quanh vòng bụng như những rễ cây lâu năm và bật khóc.
Thế là cô gửi con cho bà ngoại, mỗi ngày dành ra hai tiếng đồng hồ vào
buổi chiểu để đến trung tâm thể hình, chịu đựng những bài tập uốn dẻo
khiến chân tay đau nhức như bị cắt lìa khỏi cơ thể. Cô đặt may rất nhiều
trang phục tươi trẻ, những bộ đồ ngủ trong suốt và mỏng dính lúc nào
cũng làm cô thấy ớn lạnh và sợ hãi.
Cô vĩnh viễn không bao giờ
quên được cái nhìn sâu hun hút của chồng mình khi cô cởi bỏ chiếc áo
choàng tắm khỏi người, nó khiến cô nổi da gà. Cô có cảm giác mình như
loài côn trùng yếu đuối vừa mới lột xác, run rẩy chui ra khỏi kén. Nhưng
rồi, theo thời gian, ánh mắt chồng cô cũng nhạt dần, cô không còn thấy
bóng mình lóng lánh và rực rỡ như những tàn lửa trong đó nữa.
Cô
lại ngồi trước gương và tự hỏi: "Lẽ nào mình vẫn chưa đủ tốt?". Cô viết
tất cả những tật xấu của mình ra một tờ giấy, dùng bút bi đánh dấu nhoe
nhoét lên những điều cần thay đổi. Cô thấy mình quản lý chồng quá chặt,
cho nên cô bỏ dần thói quen dặn dò anh vào mỗi buổi sáng: "Anh nhớ để áo
mưa ở trong cốp nhé? Xe đã đổ đầy xăng chưa?", thậm chí có những đêm
anh vắng nhà, cô cũng không điên cuồng gọi điện tra hỏi nữa. Cô thường
nắm chặt chiếc di động trong lòng bàn tay dấp dính hơi sương. Cô không
ngừng tìm kiếm lý do biện minh cho chồng, hoặc là để tự thôi miên chính
mình.
Trước đây, cô không quan tâm mẹ chồng có thích mình hay
không, vì anh luôn che chở cho cô, nhưng giờ cô ăn nói nhún nhường hơn,
cô làm mọi việc chiều theo ý bà, hy vọng mẹ chồng trước mặt anh sẽ nói
tốt cho cô một vài câu. Ngày xưa cô là người bướng bỉnh, không bao giờ
chịu cúi đầu trước chồng nếu lỗi sai không thuộc về mình, nhưng giờ đây
đứng trước những đòi hỏi vô lý của anh, cô luôn chỉ biết nín lặng.
Cô
làm tất cả chỉ để anh không rời xa cô. Nhưng cô không biết rằng, cô
càng cố gắng chịu đựng, anh ta càng làm tới. Cô thay đổi bản thân theo ý
chồng muốn, cô thuận theo mọi yêu cầu lớn nhỏ của anh ta, điều đó chỉ
khiến chồng cô tin rằng anh ta có quyền làm tổn thương cô, vì nếu không
cô đã chẳng im lặng. Cuối cùng, điều cô nhận được từ chồng vẫn chỉ là ba
chữ: "Chia tay đi!". Cô đau đớn hỏi:
- Vì sao?
Chồng cô thờ ơ nói:
- Anh không còn yêu em nữa!
Cô lại hỏi:
- Vì sao?
"Không
còn yêu em nữa" chính là lý do, nhưng hình như phụ nữ không dễ dàng
chấp nhận nguyên nhân vô lý này, nên nhất quyết phải hỏi đi hỏi lại để
nhận được một đáp án rõ ràng hơn. Cho nên anh ta liền liệt kê một danh
sách: vì em không còn xinh đẹp nữa, em không hiểu chuyện, gia cảnh chúng
ta không phù hợp,... Người chủ động nói lời chia tay trước luôn - không
bao giờ nhận lỗi sai về mình, hai người chia tay chắc chắn lỗi phần lớn
do người ở lại.
Người ta có thể lấy một người mình không yêu,
nhưng không thể bỏ một người mình đang thương. Trước đây anh ta yêu em
nên vẻ đẹp khiếm khuyết của em, sự bướng bỉnh của em, gia cảnh khốn khó
của em,...tất cả đều không - thành - vấn - đề. Sau này, anh ta không yêu
em nữa nên mọi ưu điểm của em cũng trở nên không hoàn hảo. Đáp án đã
quá rõ ràng rồi mà còn cứ hỏi: "Vì sao anh không yêu em nữa?".