Bỏ qua nỗi xấu hổ bị doanh nghiệp (DN) ngoại “chê” lạc hậu, một số DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thú nhận vì sao không làm nổi sạc pin và ốc vít...
Bỏ
qua nỗi xấu hổ bị doanh nghiệp (DN) ngoại “chê” lạc hậu, một số DN Việt
Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thú nhận vì sao không
làm nổi sạc pin và ốc vít...
Chưa làm đã sợ khó
GS
Nguyễn Mại (nguyên Thứ trưởng KH&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư
nước ngoài), người chứng kiến lời “chê” từ phía Samsung trong cuộc hội
thảo, cho biết, trong số 93 DN cung ứng hàng phụ trợ (cho Samsung) chỉ
có 7 đơn vị Việt Nam. Trong khi đây là thị trường đầy tiềm năng, riêng
Samsung năm 2013 đã chi 19,8 tỷ USD mua linh phụ kiện. “Có người hỏi
tôi, trong danh mục các mặt hàng linh phụ kiện mà Samsung mong các DN
trong nước thực hiện, có bao nhiêu cái ta làm được? Tôi nói không DN nào
làm được, do chúng ta chưa bao giờ quan tâm tới lĩnh vực này, dù đó là
cái sạc pin, ốc vít…”.
DN hỗ trợ Việt Nam đang loay hoay tìm đường vào chuỗi cung ứng của các Tập đoàn sản xuất đa quốc gia.
Bà
Nguyễn Thị Tuyển (Phó phòng Kinh doanh, công ty Tabuchi Electric Việt
Nam) cho biết, công ty bà dù của Nhật Bản cũng chỉ đạt được 7/8 tiêu chí
Samsung đặt ra, như chất lượng, bảo hộ lao động, ổn định… còn tiêu chí
giá cả không thể (Samsung đưa giá rất thấp). Tuy nhiên, số DN có được
điều này cũng không nhiều.
“Chúng
tôi muốn cạnh tranh với các DN đang cung cấp linh kiện hiện tại của
Samsung đã rất khó, với DN Việt càng khó”, bà Tuyển nói. Theo đó, DN
Việt chủ yếu vừa và nhỏ, sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh về giá, nhưng
công nghệ, chất lượng, chứng nhận môi trường… hầu như không đạt.
Theo
bà Tuyển, để khắc phục, trước tiên các DN Việt phải chủ động, tự cải
thiện và nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, DN cần thêm hỗ trợ của nhà nước
về vốn, công nghệ mới có thể nâng cấp và đáp ứng yêu cầu của các khách
hàng lớn.
Ông
Đinh Văn Tuấn (Trưởng phòng Kinh doanh, Nhà máy Nhôm Đông Anh) cho
rằng, ngoài yếu tố về công nghệ, quản lý chất lượng cũng là điểm yếu của
DN Việt.
Theo
đó, công ty ông mỗi tháng cung ứng khoảng 10.000 ống cho máy hút bụi
của Samsung, nhưng một số khâu cũng phải liên kết với đơn vị khác thực
hiện.
“Nếu
biết liên kết, mỗi DN làm một phần, tôi tin các DN Việt có thể làm được
các linh kiện yêu cầu kỹ thuật cao. Nhưng để tự DN liên kết sẽ rất khó,
cần có người đứng ra để kết nối các DN”, ông Tuấn nói.
Về
giá cả, theo ông Đinh Văn Tuấn, các DN chưa bắt tay vào làm nên nói giá
đối tác đưa ra quá thấp. Thực tế công ty ông đã làm và chứng minh điều
ngược lại, khi hầu hết sản phẩm làm ra dựa trên hệ thống máy móc sẵn có,
đầu tư cũng chỉ phần nhỏ.
Phó
giám đốc công ty TNHH Công nghệ Hoàng Anh (Bắc Ninh) Nguyễn Thị Xinh
cho biết: “Làm sản phẩm cho Samsung cũng không quá khó. Một số sản phẩm
trước đây đã làm, giờ họ cung cấp bản vẽ để mình làm theo. Nếu mình làm
không đúng sản phẩm họ không mua. Cái khó, có chăng là năng lực của kỹ
thuật viên có đáp ứng được hay không”, bà Xinh nói.
Dùng lợi thế DN nhà nước?
GS
Nguyễn Mại cho biết, sau 25 năm thu hút FDI, việc lan tỏa của khối này
sang các DN Việt còn hạn chế, đặc biệt trong công nghiệp hỗ trợ. Theo GS
Mại, chủ yếu do nước ta chưa có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ
trợ quốc gia nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn. Trong khi đó, Thái Lan
tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô, Malaysia
chủ yếu hỗ trợ ngành điện và điện tử.
“Kinh
nghiệm cho thấy, mỗi nước chỉ nên tập trung vào một vài ngành công
nghiệp hỗ trợ, từ đó hình thành một số DN có tiềm lực và quy mô lớn của
thế giới”, GS Mại nói.
Theo
GS Mại, sau 14 năm không thành công trong việc phát triển công nghiệp
hỗ trợ (từ năm 2001 tới nay), Chính phủ đang quyết định thay đổi chính
sách, ưu tiên sản xuất hàng phụ trợ cho ngành công nghệ cao. Chính phủ
đã có chủ trương lập quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ, với số vốn ban
đầu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ngoài
ra, các địa phương cũng quan tâm hơn tới công nghiệp hỗ trợ, như Bắc
Ninh, Thái Nguyên quan tâm tới Samsung; TP.HCM tiếp cận với Intel; các
hãng sản xuất lớn như LG, Nokia, Samsung, Intel, Canon… cũng mong muốn
tìm DN hỗ trợ trong nước để giảm chi phí. “Những điều này có thể tạo nên
làn sóng mới đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, hy vọng thời
gian tới sẽ có 15-20 DN có thể làm sản phẩm hỗ trợ cho những tên tuổi
lớn”, GS Mại nói.
Phó
chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng,
hiện các DN nhỏ và vừa chưa thể đáp ứng được yêu cầu công nghệ cao của
các tập đoàn lớn nước ngoài.
“Quá
trình tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu DN nhà nước ở thời điểm hiện
nay cần có cái nhìn khác. Trước yêu cầu về phát triển công nghiệp hỗ
trợ, đặc biệt về vốn, công nghệ, nhân lực… liệu chúng ta có cần ồ ạt cổ
phần hóa DN nhà nước hay không”, ông Kiên nói.
Theo
đó, ông Kiên đề xuất, DN nhà nước có thể dùng vốn ngân sách đầu tư máy
móc sản xuất linh phụ kiện đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất. Sau đó
mới cổ phần hóa để thu hút vốn xã hội và trả vốn cho ngân sách. Theo kế
hoạch, những chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp
hỗ trợ sẽ được Quốc hội bàn thảo trong Luật Đầu tư (sửa đổi), vào tháng
10 tới.