
Khi cơ thể bị viêm, nhiều người thường nói: "Đơn giản thôi, uống thuốc kháng viêm là được". Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp viêm đều do nhiễm khuẩn, cũng không phải tất cả đều là viêm cấp tính. Vì vậy, không phải loại viêm nào dùng thuốc kháng viêm cũng hiệu quả.
Mỗi loại viêm cần phương pháp điều trị khác nhau.
Viêm cấp tính tuy nguy hiểm nhưng thường đến nhanh, đi nhanh. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh thường có tiên lượng tốt. Trái lại, nhiều loại viêm mãn tính cũng rất đáng lo ngại do tính chất kéo dài, dai dẳng. Dù không gây hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng nếu kéo dài không điều trị, chúng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Nhà bệnh học người Đức Rudolf Virchow từng đưa ra quan điểm trong "Tế bào bệnh học": "Viêm là nguồn gốc và căn nguyên của ung thư". Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cũng chỉ ra có 1/6 số ca ung thư trên thế giới bắt nguồn từ tình trạng viêm do nhiễm vi khuẩn, virus.
Vì vậy, đừng coi thường viêm nhiễm vì đó là "mầm mống" của ung thư. Bác sĩ cảnh báo, có 4 loại viêm dưới đây cần điều trị sớm, can thiệp kịp thời vẫn có cơ hội cứu chữa.
1. Viêm gan B mãn tính - Đừng chần chừ
Việt Nam là một trong các quốc gia Đông Nam Á có tỷ lệ mắc viêm gan B cao và đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc kiểm soát căn bệnh này. Đáng tiếc, nhiều người chủ quan, không theo dõi định kỳ, chỉ đi khám khi triệu chứng rõ rệt. Lúc này, đa phần đã tiến triển thành ung thư gan.

Có thể nói, viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Do đó, bệnh nhân viêm gan B cần tái khám định kỳ, tuân thủ phác đồ kháng virus khi cần thiết.
2. Nhiễm khuẩn HP dạ dày - Đừng xem nhẹ
Khi nội soi dạ dày, bác sĩ thường khuyên xét nghiệm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Đây là loại khuẩn sống trong dạ dày, thủ phạm gây nhiều bệnh lý dạ dày, trong đó có ung thư.

Nhiều người nghĩ nhiễm HP là bình thường, không cần điều trị nếu không có triệu chứng. Đây là quan điểm sai lầm. Dù không biểu hiện rõ, cần điều trị triệt để HP để giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
3. Nhiễm HPV tuýp nguy cơ cao - Cần cảnh giác
HPV có hơn một trăm chủng, nhưng không phải tất cả đều đáng sợ. Trong số đó, chỉ một số tuýp nguy hiểm như HPV-16, 18. Bạn phải rất cẩn thận với loại nhiễm HPV này vì theo thời gian, nguy cơ cao có thể dễ dàng dẫn đến ung thư cổ tử cung, ung thư miệng, ung thư hậu môn, ung thư thực quản và nhiều loại ung thư khác.

4. Nhiễm virus EB - Đặc biệt nguy hiểm gây ung thư vòm họng
Nghiên cứu cho thấy 95% bệnh nhân ung thư vòm họng trên toàn cầu có liên quan mật thiết đến virus EB (Epstein-Barr). Đặc biệt tại các vùng dịch tễ cao như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, xét nghiệm thường phát hiện nồng độ kháng thể virus EBV (gồm VCA-IgA, EA-IgA) tăng đột biến, dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Virus này khi xâm nhập sẽ kích hoạt phản ứng viêm mạn tính tại vòm họng, tạo điều kiện cho tế bào đột biến phát triển trong 10-30 năm mà ít biểu hiện rõ rệt.

Do đó, nếu xét nghiệm dương tính với EBV kèm triệu chứng bất thường như nghẹt mũi một bên, nổi hạch cổ dai dẳng... cần nội soi vòm họng ngay. Người sống trong vùng dịch tễ hoặc có tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng nên tầm soát EBV định kỳ.
Tại sao nhiễm khuẩn/virus lại gây ung thư?
Khi xâm nhập cơ thể, chúng gây viêm mãn tính. Quá trình viêm kéo dài kích thích tế bào đột biến, dần dẫn đến ung thư. Khác với viêm cấp biểu hiện rầm rộ, viêm mãn tính như "sát thủ thầm lặng". Khi phát hiện, thường đã muộn.
Lưu ý: Bài viết mang tính tham khảo, không thay thế chỉ định y tế. Mọi vấn đề sức khỏe cần tư vấn bác sĩ chuyên khoa.

Theo Thương trường