Giữa đêm thức giấc, vẳng bên tai tiếng rao dưới phố, chồng khều vợ: "Hồi chiều toàn uống, ăn chẳng bao nhiêu, khó ngủ quá, em ạ!". Thấy chồng trằn trọc, vợ cũng trở mình: "Hình như có bà bán vịt lộn đi ngang. Để em xuống mua cho anh vài quả trứng!". "Hay vợ chồng mình xuống phố ăn khuya, rồi đi dạo vài vòng, về ngủ sẽ ngon hơn?", chồng lắc tay vợ, nài nỉ.

Cũng lâu, bận rộn mưu sinh rồi con cái, hai vợ chồng hiếm có dịp thong dong dạo phố như thế này, chiều ý chồng vậy.

Con hẻm về khuya đanh người qua lại. Hoa sữa cuối thu còn sót trên tàn cây chút mùi hương da diết. Độc nhất giữa sương khuya là chiếc đèn dầu Hoa Kỳ sáng leo lét của chị bán trứng vịt lộn. Chồng dừng bước, dắt tay vợ sà vào mẹt quà là cái thúng nan tre, trên mặt phủ tấm vải bố màu xanh.

Chị bán hàng lần giở tấm vải. Bên trong, những quả trứng vịt lộn nằm xếp lớp nhau ngủ vùi giữa lớp trấu. Chị nhanh tay cho hai quả trứng vào hai chiếc chung nhỏ. Đĩa rau răm với ít muối tiêu đặt trên ghế nhựa làm bàn dã chiến. Chồng được dịp ga-lăng, gõ nhẹ chiếc thìa vào đầu quả trứng, bóc vỏ cho vợ. Trứng nóng hổi, ăn đến cạn đáy vỏ mà hai vợ chồng miệng vẫn cứ xuýt xoa vì hơi nóng và vị cay the của muối tiêu.

Những quả trứng ngày xưa và món trứng chưng của mẹ

Đó quả là một "bữa tiệc trứng" lót dạ đêm khuya tuyệt vời. Cứ một miếng trứng chấm muối kèm rau răm, hai vợ chồng lại tỉ tê bao chuyện. Vợ nhớ về cái thời lên tám, lên mười. Mỗi dịp Tết thiếu nhi, đúng ba giờ chiều, bên hợp tác xã gấp gáp đánh lên ba hồi kẻng gọi mời. Chỉ chờ có thế, vợ cùng các anh chị ùa theo bọn trẻ trong làng về phía sân hợp tác xã, tay ôm khư khư chiếc bát đất. Mỗi đứa trẻ nhận hai quả trứng vịt lộn làm quà. Món quà đơn sơ nhưng giá trị biết bao đối với bọn trẻ nhà nghèo, năm thì mười họa bị ốm mới được mẹ mua cho quả trứng bồi sức.

Nhận được hai quả trứng, vợ không tin ngay như những đứa trẻ khác, cẩn thận bọc vào khăn mùi xoa, đặt trong bát. Các anh chị dẫn đi chơi, vợ mang bọc trứng theo. Đến trò cút bắt, vợ giấu chiếc bát vào sâu trong khóm trúc. Tối mịt về nhà, vợ quên mất. Sáng hôm sau, vợ dậy thật sớm, chạy ù đến khóm trúc nọ. Cái bát trống không, khăn mùi xoa cũng bị mèo hoang tha mất. Vợ khóc thút thít, mùa Tết thiếu nhi năm đó không được ăn quà.

Chồng lại thẫn thờ nghĩ về món trứng chưng ngải cứu của mẹ. Nhớ ngày vợ về làm dâu nhà anh, buổi sáng đầu tiên, mẹ chồng đặt lên mâm một bát trứng vịt lộn chưng ngải cứu: "Hôm qua anh chị tiếp khách chắc còn thấm mệt, mẹ chưng trứng cho hai vợ chồng bồi bổ...". Mẹ chưa kịp dứt câu, chồng đã rối rít cám ơn, nhanh tay bê lấy bát trứng.

"Hà Nội có hàng nghìn bát trứng chưng ngải cứu, nhưng món trứng mẹ anh chưng, không ai sánh bằng!", vét chút rau ngải cứu còn sót lại, húp cạn nước trong bát, chồng tự hào về món trứng của mẹ. Và cho dù có "gồng" hết tay nghề trong mười năm lập gia đình, vợ cũng không thể làm món trứng vịt lộn chưng ngải cứu ngon bằng mẹ chồng.

Vẫn đòi ba quả trứng tươi đập vào chiếc bát đất, dưới có lót mấy nhánh ngải cứu, thêm chút tiêu, muối đủ mặn mà, không có bất cứ phụ gia nào khác, rồi đắp lá ngải cứu lên trên, cũng mười lăm phút chưng cách thủy rồi nhấc xuống, nhưng trứng của vợ làm không thấm đều như món của mẹ.

Sau này, mỗi khi nhìn vợ lấm tấm mồ hôi, hồi hộp chờ trứng chín, chồng lại phì cười: "Vậy là ngon rồi! Em giành hết phần khéo của mẹ, lần sau về Bắc, còn món nào ngon hơn mẹ làm cho chúng ta thưởng thức chứ!".

Món ăn xế chiều và những tâm tình đời thường

Làm dâu xứ Bắc được vài tháng, vợ lóc cóc theo chồng chuyển công tác vào miền Trung. Trước hôm đi, mẹ lên danh sách hàng chục món ngon, không quên món trứng chưng ngải cứu. Sắp xếp xong xuôi, mẹ kề tai con dâu, thủ thỉ: "Thằng Cung thích ăn trứng vào buổi sáng. Lâu lâu, con dậy sớm một chút, chưng cho chồng bát trứng ngon. Món này nếu ăn vào buổi tối, vợ chồng "được lòng" nhau lắm đấy!".

Mẹ chồng, nàng dâu vừa trò chuyện vừa cười rúc rích. Vợ vâng dạ theo lời mẹ, nhưng vào Đà Nẵng mấy hôm, công việc lu bu, vợ quên ngay những gì mẹ dặn. Thỉnh thoảng những chiều cuối tuần, chồng bận công tác xa, một mình ở nhà buồn, vợ cùng mấy cô bạn dạo chợ Cồn. Mua sắm đã đời, màn ăn chơi cuối cùng của các bà vợ là tạt ngang hàng vịt lộn. Bà chủ hàng đon đả mời, chất giọng Quảng đặc sệt: "Hổm rày răng mấy cô không tới? Hôm ni trứng không non lắm, nhưng cái mề cũng ngon!".

Bà chủ nói xong, tay đảo nhanh thoăn thoắt mấy quả trứng, đập vào cái bát con con rồi dọn đồ chua, rau răm, muối tiêu chanh cho khách. Không cần vừa bóc vỏ vừa xuýt xoa vì nóng, khách cứ việc chan chút muối tiêu chanh lên bát trứng rồi ăn ngon lành. Món rau ăn kèm của người Đà Nẵng cũng lạ hơn so với các nơi khác. Ngoài rau răm, khách còn thưởng thức vị chua cay của đu đủ, cà-rốt trộn ớt xay.

Nếu như ở Hà Thành, trứng vịt lộn phổ biến vào bữa điểm tâm thì tại xứ biển miền Trung, hàng trứng bắt đầu nở rộ vào lưng chiều. Đó là khoảng thời gian người lao động sau một ngày làm việc vất vả tìm đến đôi thúng trứng của chị Bốn Hằng dọc hành lang chợ Cồn để xì xụp húp nước, nhai nhồm nhoàm mề trứng rồi tán chuyện.

Chị Bốn Hằng chừng 45 tuổi, da ngăm, thấp dậm, hơn hai mươi năm gắn bó với gánh trứng trên vai. Không chồng con, chị không quá vất vả mưu sinh nhưng vẫn thích thú với công việc này. Hàng trứng ở chợ Cồn chính là nơi chị có thể chia sẻ tâm tình cùng những người khách ghé ngang. Vài ba nghìn đồng một quả trứng, nhưng khách có thể nói biết bao chuyện trên đời. Người có chồng hay đi nhậu, người có con thi hỏng đại học, những cô gái sắp đi làm dâu cũng mang hết ruột gan tâm tình với bà chủ bán trứng. Người Quảng chân tình là vậy!

Tiếng rao đêm khuya và món lẩu cháo của xứ dừa

Chưa kịp làm quen với hàng trứng của chị Bốn Hằng, vợ lại khăn gói Nam tiến theo chồng. Có lẽ đây là bến đỗ cuối cùng của gia đình nhỏ này, vợ chồng nhờ thế được gần nhau nhiều hơn. Thi thoảng cuối tuần, cả hai đèo nhau đi ăn. Ngang qua quán người Bắc, thấy biển đề món trứng ngải cứu, hai vợ chồng phanh xe dừng lại.

Nhưng món trứng vịt lộn ngải cứu sao mà nhạt nhẽo, không ngon như mẹ nấu. Nhìn chồng thất vọng, vợ thương quá, chạy khắp các chợ Bắc tại Sài Gòn. Thật hiếm mới tìm thấy một nhánh ngải cứu xanh! Hai vợ chồng bảo nhau: "Thôi chờ đến Tết, về Hà Nội vòi mẹ nấu cho ăn vậy!".

Chồng đôi khi đáng yêu như đứa trẻ. Giữa khuya chồng đến làm việc, nghe tiếng rao: "Vịt lộn đê...", anh chồm vào giường gọi vợ. Mắt nhắm mắt mở, vợ cùng chồng bước xuống phố.

Tiếng rao quen thuộc ấy là của một chị người miền Trung. Chị vào thành phố buôn bán, nuôi con học đại học. Thế nào đến quả trứng thứ hai, chồng cũng tranh thủ hỏi thăm về tình hình ngoài Trung, trận mưa bão vừa qua nhà chị có thiệt hại, chị có đủ tiền cho mấy đứa con ăn học không...

Chồng là vậy, người gốc Bắc nhưng lớn lên, bôn ba xây dựng sự nghiệp lại thành dân xứ người. Mười năm chồng vợ, những bon chen trong cuộc sống vẫn không làm anh bớt đi những hành động bất ngờ. Hôm kỷ niệm mười năm ngày cưới, chồng bảo vợ gửi con cho bà ngoại, rồi chở vợ bằng xe máy chạy một mạch về xứ dừa Bến Tre. Không phải cái thú phiêu lưu sông nước lâu ngày trỗi dậy, mà là: "Anh nghe ở đó có món lẩu cháo cua đồng ngon cực!". Vợ phì cười cho "thú rồ" của chồng.

Gọi là lẩu cháo cua đồng nhưng mấy quả trứng vịt lộn sống nằm chen nhau trong chiếc rổ tre kia mới là món chủ đạo. Đây có lẽ là một biến tấu của trứng vịt lộn miền tây Nam bộ. Lẩu cháo có gạo rang, nước cốt cua đồng, nấm rơm, nấu sôi sùng sục. Khi ăn, khách đập trứng vịt lộn sống cho vào, dùng kèm rau ngót, mướp hương, cải cay, mồng tơi... Vị ngọt của trứng, cua đồng, nấm rơm, vị thơm của mướp hương, mùi ngai ngái của rau ngót... tất cả quyện vào nhau. Chồng múc vào bát của vợ quả trứng, gọi đây là "món hâm nóng". vợ thẹn thùng đỏ mặt, yêu làm sao chất bình dân, sông nước của chồng. Mười năm rồi mà hạnh phúc ngày đầu vẫn vẹn nguyên.

Theo Nguyên Cao