Tuổi thơ mỗi người không thể thiếu những thức quà vặt. Một đứa trẻ, dù giàu hay nghèo thì cũng đôi lần ao ước một que kem vừa đi vừa mút, một cây bông gòn chưa ăn đã vội mềm, một viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ, một miếng bánh tráng quẹt me ngào... những thứ rẻ tiền nhưng chứa đựng niềm vui khó diễn tả.

Thuở còn cắp sách đến trường, tôi cũng thích ăn quà vặt linh tinh như thế. Hầu như những món ấy nay đã lùi vào ký ức tuổi thơ, hoặc bây giờ nếu có bán thì cũng không thể ngon bằng cái thuở đứng ăn ở góc trường. Chỉ riêng một món đã đi theo tôi nhiều năm tháng (và có lẽ sẽ còn đi mãi): bánh tráng. Món ăn mộc mạc này hiện diện khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, từ nơi bình dị đến chốn cao sang đều có.

Thanh âm của thời đi học...

Hồi tiểu học, tôi mê nhất là cái bánh tráng vôi - loại bánh tráng nhỏ như nắm tay, màu đỏ, thường ăn với me ngào. Ngày nào mẹ cho tiền ăn quà cũng chỉ để mua bánh tráng, canh tới giờ ra chơi là chạy ù ra cổng trường, xúm quanh người bán hàng rong. Cái thú ăn quà vặt ở trường ôi sao mà ngon, quẹt một ít me lên miếng bánh tráng rồi cắn, vị giòn hơi mặn của bánh hợp lạ lùng với vị me chua ngọt ngọt, ăn cả xấp vẫn thấy còn chưa đủ!

Trường tiểu học ngày ấy còn có bánh tráng nướng ăn với mỡ hành, cũng thuộc loại ngon ghiền, nhưng loại này giờ ít thấy bán. Hay bánh tráng ngọt nướng phồng lên, rưới thêm kẹo mạch nha và rắc dừa nạo, kẹp lại, ăn giòn và béo. Không biết có phải ít người ăn hay không mà những loại này giờ ít thấy bán, chỉ thấy bánh tráng vôi là nhiều.

Đi dọc các con đường Cao Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai (gần công viên Tao Đàn) vẫn thấy những chiếc xe đẩy chờ đủ thứ quà vặt, có nhiều món phải dừng xe lại mới nhìn rõ được nhưng xấp bánh tráng đỏ treo lủng lẳng trên xe thì dù lướt qua vẫn nhận ra. Học trò ngày nay có mê mẩn bánh tráng rau răm, đây có lẽ là món quà vặt "đệ nhất khoái khẩu" hiện nay, không chỉ giới học sinh mà ngay cả chị em phụ nữ cũng ghiền. Món này cái gì cũng một ít, một ít bánh tráng, một ít rau răm, một ít đậu phộng, một ít xoài, 1 hoặc 1/2 quả trứng cút, tất cả trộn lại, chua, cay, mặn, ngọt đều đủ cả.

Lên trung học, tôi lại nghiền mấy cuốn bò bía, bì cuốn quanh trường. Loại này Sài Gòn bán đầy, từ ngõ hẻm "bồ tèo" cho đến hàng quán sang trọng, muốn ăn chỉ việc ra quán hoặc tự làm ở nhà vị khá đơn giản. Tùy nơi, tùy ý thích mà "ruột" của bò bía hay bì cuốn có thể thay đổi bằng thịt, tôm, lạp xường, rau thơm.. nhưng "vỏ" để cuốn thì nhất định phải là bánh tráng mềm. Mà đâu chỉ mấy món ăn vặt cầm tay, bánh tráng còn "hoành tráng" với những món nướng, luộc, hấp, dọn kèm chục loại rau, nhìn thôi cũng đã thấy mê. Nhưng những món này ăn một mình... chán chết, chỉ có loại bánh tráng nướng là "dễ chịu" nhất, buồn buồn tự nhâm nhi cũng được mà bày ra ăn uống linh đình lại càng vui.

Giòn tan bánh nướng

Nói đến bánh tráng ở những gánh hàng rong hay xe đẩy ở Sài Gòn thì phải nhắc tới bánh tráng (bánh đa) nướng. Từ đất võ Bình Định, trong cuộc viên du khắp đất nước, bánh tráng đã "dừng chân ghé lại" và trở thành một thức quà vặt yêu quý của người Sài Gòn.

Tôi biết đến bánh tráng nướng khá muộn, muộn hơn cả bánh tráng cuốn vì nhà tôi Tết nào cũng ăn bánh tráng cuốn thịt luộc, nhưng từ khi biết thì bắt đầu ghiền thức quà vặt giản dị này, không như những món ngon đường phố khác, khó có thể tự làm ở nhà. Bởi công đoạn, từ bánh tráng đều đòi hỏi nhiều công phu, dù chiếc bánh bán cho người ăn giá chẳng bao nhiêu.

Khách Sài Gòn dường như cũng hiểu nỗi niềm người làm bánh nên hầu như mua bánh tráng nướng ít ai trả giá, chỉ ghé mua rồi mang về. Mấy người bạn miền Trung chỉ tôi kẹp cùi dừa vô bánh ăn, nhưng nơi thành thị dễ tìm được cái cùi dừa, mà thay bằng dừa nạo thì tôi lại thấy không ngon bằng bánh tráng ngọt nên tôi vẫn thích ăn không, hoặc nhúng mềm rồi chấm nước tương hay nước mắm và ớt xắt.

Làm ra bánh tráng đã khó, nướng cái bánh cho ngon cũng không dễ. Vốn dĩ bánh tráng là mộc mạc nên dùng bếp gas, lò nướng hiện đại để nướng sẽ không thể nào bằng bếp than. Chỉ lửa than âm ỉ, nóng lâu mới cho ra cái bánh giòn đều và thơm. Mà cũng không thể đặt một bánh tráng lên bếp than là xong mà phải luôn tay trở bánh sao cho bánh chín đều, không bị sượng.

Trong gánh hàng này xe đẩy của những người bán bánh tráng nướng luôn có hai bếp than nhỏ, lúc vắng khách họ sẽ nướng sẵn rồi cho vào bao ni-lon để kín gió, khi nào khách mua thì lấy ra. Những ngày mưa lạnh hay những ngày đông, tôi vẫn thích nhìn gánh hàng của họ, nơi mà bếp than hồng tỏa ra hơi ấm như có thể xua tan cái lạnh bên ngoài.

Những câu chuyện về bánh tráng cũng miên man bất tận như sự đa dạng của chúng. Bản thân những chiếc bánh tráng luôn mộc mạc như người làm ra, nên cao sang hoặc giản dị chẳng qua chỉ là do những thức đính kèm mà thôi. Mỗi ngày, trên khắp các nẻo đường, vẫn thấy những xe, những gánh bánh tráng ngược xuôi, như nối một vòng tròn cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, làm nên nét đẹp ẩm thực cho một thức quà dân dã.

Theo Nghi Anh