Báo chí đưa tin chú chó Pep là một "kẻ sát mèo" man rợ và đã phải lĩnh mức án tù chung thân vào năm 1924. Tuy nhiên, sự thật về "vụ án" man rợ đó mới đây đã được hé lộ, giải oan cho chú chó Pep đã qua đời ngay trong nhà tù.
"Kẻ sát mèo"
Năm 1924, khắp các mặt báo đều xuất hiện hình ảnh một chú chó săn Labrador với bộ lông đen, đôi tai cụp xuống, cổ đeo mã số trại giam C2559 như một tù nhân thật sự. Đó là chú chó tên Pep, vật nuôi của gia đình Thống đốc bang Pennsylvania (Mỹ) Gifford Pinchot. Các bài báo viết về Pep đều có chung một nội dung, đó là vụ án Pep "sát hại" mèo cưng của vợ Thống đốc Pinchot.
![]() |
Thống đốc Gifford Pinchot |
Theo thông tin do báo giới cung cấp, một phiên tòa đã mở ra để xét xử "kẻ sát mèo" Pep. Suốt phiên tòa, chú chó dữ tợn không có bất cứ biểu hiện "ăn năn hối lỗi" nào. Vì vậy, Pep đã phải dành toàn bộ cuộc đời còn lại trong tù mà không được hưởng bất cứ sự khoan hồng nào từ pháp luật. Các tờ báo liên tiếp lấy lại thông tin của nhau khiến không ít người dân Mỹ đã tin "sái cổ" vào những gì mà những tờ báo này đăng tải.
Con trai của Thống đốc Pinchot hồi tưởng lại thời gian xảy ra scandal đầy tai tiếng này: "Chúng tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại từ người dân Mỹ. Phòng làm việc của ông chìm ngập trong hàng ngàn lá thư hỏi về sự việc liên quan đến Pep. Thậm chí, có người còn gợi ý bản án dành cho "kẻ sát mèo" Pep.
Thực sự kỳ lạ là không ai chịu tìm hiểu sự thật, hay chí ít là nghe lời giải thích từ gia đình tôi". Vì thế, câu chuyện về Pep đã trở thành chủ đề nóng hổi và ngày càng bị thêu dệt quá đà khiến Pep đã mang danh "kẻ sát mèo" lại càng bị tội nặng hơn.
"Kẻ sát mèo" là chuyên gia tâm lý
Mới đây, sau khi kiểm tra giấy tờ của người con trai Thống đốc Pinchot tại tư gia ở Milford, Pennsylvania, Mỹ, người ta mới vỡ lẽ sự thật hoàn toàn không như những gì báo chí đưa tin. Theo đó, cái gọi là "vụ án kỳ quái nhất nước Mỹ" hay "bản án có một không hai cho kẻ sát mèo" chỉ là sản phẩm hư cấu để bán báo.
Thực tế, Pep hoàn toàn vô tội mà có chăng thì chỉ là tội… "ngứa răng" nhai gối trên ghế sô-pha trước ban công nhà Thống đốc Pinchot. Vụ "sát hại" dã man con mèo của vợ Thống đốc Pinchot chỉ là những điều bịa đặt, được cánh phóng viên báo lá cải thổi phồng lên.
![]() |
Bức ảnh "kẻ sát mèo" Pep đeo mã số trại giam |
Con trai Thống đốc Pinchot tiếp tục cho hay, trong một chuyến thăm tới bang Maine, Thống đốc Pinchot đã chứng kiến những chú chó làm nhiệm vụ giúp tù nhân cải tạo tốt hơn và ông chợt nảy ra sáng kiến Pep có thể là một ứng cử viên sáng giá cho nhiệm vụ cao cả này.
Bởi vậy, Thống đốc Pinchot đã thử gửi Pep tới Trại cải tạo Eastern State với tư cách một "chuyên gia tâm lý" chứ không phải là một tù nhân như báo lá cải đưa tin. Chú chó nghịch ngợm làm nhiệm vụ rất tốt nên từ đó Pep đã trở thành thú cưng của các tù nhân trong trại. Vào năm 1929, khi nhà tù Graterford mới được xây dựng cách đó 80km, Pep được thường xuyên đi lại giữa hai nơi và giao lưu với các tù nhân.
Một phóng viên trong một lần đến thăm trại cải tạo Eastern State đã vô tình thấy Pep đi lại tự do giữa các buồng giam nên nảy ra ý định viết một bài báo hài hước về chú chó "chuyên gia tâm lý này". Nhưng thật không ngờ, sự hài hước đó đã biến Pep từ một "chuyên gia" trở thành một "kẻ tội phạm" man rợ và bị người dân Mỹ chỉ trích.
Khi sự việc trở nên quá đà và vượt qua tầm kiểm soát, phóng viên này cũng đã đính chính giúp Pep giải oan nhưng dường như nỗ lực đó chỉ là công cốc.
Theo giải thích của phóng viên này, câu chuyện về vụ án "kẻ sát mèo" quá hấp dẫn nên các biên tập viên và phóng viên các báo khác rất thích. Họ tin rằng, tin về Pep sẽ giúp họ bán được báo nên mới liên tiếp xuất bản nhiều bài viết và đăng tải hình ảnh Pep - hung thủ giết mèo cưng của nhà Thống đốc Pinchot, đồng thời thổi phồng câu chuyện lên để tạo độ hấp dẫn.