Xem lại đoạn video về vụ nam DJ ở Hà Nội bạo hành vợ dã man trong phòng ngủ, TS Linh Nga giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý-Giáo dục thấy phẫn nộ. Trong bối cảnh người vợ mới sinh con được 5 tháng, sức khỏe tinh thần và thể chất đều còn yếu, hành vi bạo lực của người chồng càng đáng lên án.

“Tôi thấy thương người vợ. Sự việc sẽ để lại vết thương tâm lý lâu dài với người phụ nữ này”, chị Nga nói. 

anh trong bài.jpg
Người vợ ở Hà Nội bị chồng bạo hành trong phòng ngủ. Ảnh cắt từ video

Việc người vợ quyết định tha thứ cho hành vi bạo hành của chồng theo TS Linh Nga, rất khó để nhận định đây là quyết định khôn ngoan hay dại dột.

“Như người vợ này chia sẻ thì cô ấy vẫn còn yêu chồng. Hơn nữa, ở giai đoạn sau sinh người vợ vẫn yếu đuối, cần chỗ dựa, chưa thể dứt ra để tự chăm sóc con cái và đương đầu với nhiều thử thách của cuộc sống. Bởi vậy, quyết định tha thứ của người vợ là dễ hiểu.

Điều người vợ cần nhất bây giờ là sự thông cảm, chia sẻ, động viên của tất cả mọi người để vượt qua vết thương tâm lý”, vị tiến sĩ nói.

Trước đó, người vợ từng chia sẻ đây là lần đầu tiên bị chồng bạo hành. Nguyên nhân xuất phát từ áp lực cuộc sống, kinh tế, đôi bên hiểu lầm nhau dẫn đến người chồng mất lý trí.

Theo TS Linh Nga, vì đây là lần đầu người chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên vẫn chưa đủ để đánh giá đây là hành vi bạo lực mang tính chất hệ thống. 

Người vợ vẫn có thể cho người chồng cơ hội quay đầu, tuy nhiên bản thân họ và hai bên gia đình cần cứng rắn, kiên quyết để đảm bảo hành vi bạo lực tương tự không tái diễn. 

“Trong sự việc này, người vợ đã dám chia sẻ đoạn video bạo lực, dám lên tiếng phơi bày hành vi xấu xa của người chồng. Hành động này phần nào cho thấy sự cứng rắn, mạnh mẽ của người vợ.

Nhưng tiếp sau đây, khi họ vẫn quyết định ở lại cuộc hôn nhân này thì một việc nữa cần làm là xem xét lại cuộc sống gia đình, mối quan hệ giữa đôi bên để giảm thiểu các tình huống căng thẳng. 

Vợ chồng cần thống nhất rõ ràng, nhắc nhở thường xuyên các nguyên tắc trong hôn nhân để thích ứng được với nhau”, vị tiến sĩ nói.

Hai bên gia đình cũng cần có động thái cứng rắn để đảm bảo hành vi bạo lực gia đình chấm dứt.

Theo TS Linh Nga, việc cha mẹ hai bên cần làm lúc này không phải là công kích, chì chiết, đổ lỗi mà nên khuyên nhủ, hướng các con đến việc cư xử văn minh với nhau, cùng nhau vun vén hạnh phúc.

Hai bên gia đình cũng có thể xem xét việc hỗ trợ, giúp đỡ tổ ấm nhỏ của các con trong khả năng. Chuyên gia nhấn mạnh, chỉ nên hỗ trợ chứ không áp đặt hay can thiệp quá sâu.

Khi nào người vợ nên dứt khoát rời đi?

Nhiều năm làm trong ngành tâm lý, tư vấn hôn nhân – gia đình, TS Linh Nga từng được lắng nghe nhiều câu chuyện đau lòng về bạo lực gia đình.

Chị từng tư vấn cho một nam sinh lớp 10, sau nhiều năm chứng kiến cảnh bố say rượu đánh đập, thậm chí bóp cổ và dùng dao rượt đuổi mẹ đã có suy nghĩ muốn trả thù bố, giúp mẹ được giải thoát. 

“Cậu trai đó kể, trong suốt nhiều năm đã nung nấu suy nghĩ đánh trả bố. Trong một lần nhìn bố đánh mẹ, bạn ấy đã cầm dao rượt bố, người mẹ lúc này sợ hãi tột cùng, phải gọi công an đến giải quyết.

Điều khiến tôi ám ảnh trong sự việc ấy không phải là nỗi khổ tâm nhiều năm của người vợ mà là nỗi ám ảnh đến đau lòng của đứa con. Việc chứng kiến bạo lực gia đình suốt thời gian dài đã khiến đứa trẻ đó không màng đến tương lai của mình, chỉ đau đáu trả thù bố và muốn giải thoát cho mẹ”, TS Linh Nga kể.

Bởi vậy, sự tha thứ và mềm lòng của người vợ trong một vài trường hợp có thể đem lại bi kịch cho bản thân và con cái.

“Đây được gọi là ‘vòng xoáy của bạo lực’. Sau một hành vi bạo lực, người chồng có thể quay ra hối lỗi và đối xử rất tốt với người vợ, thậm chí giống như quay trở lại tuần trăng mật khiến người vợ mềm lòng mà tha thứ. Chuỗi hành vi đó lặp đi lặp lại, người vợ không biết bản chất thực sự của người chồng và bản thân nên ở lại hay rời đi. 

Cũng có trường hợp, người vợ vì sợ sự đe dọa của chồng hoặc quá phụ thuộc vào chồng mà không dám từ bỏ”, TS Linh Nga phân tích.

Theo chuyên gia tâm lý, trước hành vi bạo lực của chồng, người vợ phải lên tiếng tố cáo, thể hiện sự mạnh mẽ, cứng rắn của mình để người chồng nhận ra hành vi đó là sai trái.

Còn việc tha thứ hay không phụ thuộc vào từng tình huống, hoàn cảnh cụ thể.

“Nếu hành vi bạo lực xảy ra lần thứ 2, thứ 3, người vợ đã lên tiếng, người thân và pháp luật đã vào cuộc mà hành vi đó vẫn tái diễn thì người vợ phải kiên quyết tách mình khỏi người đàn ông đó. Không thể tha thứ, dung túng cho hành vi bạo lực gia đình vì sự tha thứ đó chắc chắn không tạo ra sự thay đổi tích cực nào”, TS Linh Nga nhấn mạnh. 

Theo VietNamNet