"Drama" mất tai nghe AirPods của Gia đình PTTC

Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục lan truyền thông tin và hình ảnh về “Gia đình PTTC”. Hiện các từ khóa về từng thành viên trong gia đình này cũng nhận về lượt tìm kiếm lớn.

“Gia đình PTTC” có 4 thành viên, gồm bố N.A.T. (52 tuổi), mẹ V.T.T.P. (51 tuổi), con gái lớn N.P.T. (22 tuổi) và con gái út N.M.C. (20 tuổi), tên gọi "PTTC" chính là chữ đầu tiên trong tên của các thành viên trong gia đình ghép thành. Gia đình PTTC khá nổi tiếng trên mạng xã hội khi sở hữu kênh TikTok với hơn 400K người theo dõi và hơn 15 triệu lượt thả tim.

Vào chiều 22/5, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh “đòi tai nghe” trong thang máy của 2 bố con trong Gia đình PTTC. Gia đình này nghi ngờ một người phụ nữ tên L.Đ. (ở cùng tòa nhà) đang giữ tai nghe bị mất nên người bố đã có hành động chặn cửa thang máy để chất vấn và yêu cầu trả lại tài sản.

Vụ gia đình PTTC

Hình ảnh cắt từ clip đòi tai nghe khiến dân mạng xôn xao bàn luận.

Không chấp nhận cách hành xử này, vợ chồng chị L.Đ. yêu cầu gọi ngay bộ phận an ninh của tòa nhà đến xử lý cho rõ ràng. Ngoài ra người này cũng đăng tải trong nhóm cộng đồng dân cư để mong muốn được làm rõ sự việc. Dù đã có buổi trao đổi trực tiếp ngay ngày hôm sau, tuy nhiên mâu thuẫn giữa 2 bên vẫn chưa được giải quyết.

Liên tục lên video xin lỗi và giải thích nhưng vẫn gây tranh cãi

Kể từ thời điểm xảy ra vụ việc, Gia đình PTTC đã liên tục đăng tải video trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó M.C. cùng các thành viên khác lên tiếng giải thích về vụ việc mất tai nghe AirPods và gửi lời xin lỗi đến gia đình chị L.Đ. - người bị nghi ngờ "cầm nhầm" thiết bị.

Vụ gia đình PTTC

Thay vì xoa dịu dư luận, những video này lại khiến dân mạng càng tranh cãi gay gắt. Nội dung các clip bị đánh giá là mang tính chống chế, đổ lỗi vòng vo và thiếu sự chân thành, thậm chí trong video giải thích mới nhất dài đến tận... hơn 19 phút. Trong video, các thành viên Gia đình PTTC được cho là vẫn đặt mình ở vị thế “người bị hại”, với lập luận rằng họ “không hề có ý vu khống” và “chỉ muốn tìm lại tài sản cá nhân”. Họ nhấn mạnh rằng mọi hành động đều xuất phát từ "sự bức xúc và cảm xúc cá nhân", chứ không nhằm làm tổn thương ai.

Rò rỉ đoạn tin nhắn trên kênh Broadcast gây phẫn nộ

Mới đây, những tin nhắn trên kênh broadcast được cho là từ tài khoản Instagram của cô con gái út M.C. bị rò rỉ trên mạng xã hội. Những đoạn tin nhắn này không chỉ tiết lộ chi tiết quá trình “truy tìm” mà còn thể hiện rõ thái độ thiếu tôn trọng và định kiến. M.C. sử dụng các từ ngữ như “đối tượng”, “tiếp cận theo nghiệp vụ của bố”, “dựng tình huống để xác minh”... - những cách diễn đạt thường thấy trong các hoạt động điều tra, chứ không phù hợp với một sự việc chưa rõ thực hư ra sao.

Vụ gia đình PTTC

Những tin nhắn này còn mô tả quá trình lên kế hoạch gặp mặt, kiểm tra phản ứng của người bị nghi ngờ, cũng như bàn bạc nội bộ trong gia đình về “chiến lược” xử lý tình huống nếu xảy ra tranh cãi. Loạt tin nhắn nhanh chóng gây tranh cãi gay gắt, cho rằng gia đình đang hành xử như thể nắm quyền pháp lý, thay vì tôn trọng quyền riêng tư và danh dự của người khác.

Clip cũ của M.C. bị "đào" lại, netizen quy kết "đạp đổ chén cơm của tài xế xe ôm truyền thống"

Khi làn sóng chỉ trích vụ việc “truy tìm tai nghe AirPods” vẫn chưa lắng xuống, một đoạn clip cũ của M.C. - con gái út của Gia đình PTTC bị dân mạng "đào" lại. Cụ thể, trong đoạn video, M.C. chia sẻ về việc cô bạn giúp một nhóm du khách nước ngoài gọi xe công nghệ thay vì để họ đi xe ôm truyền thống đang chờ sẵn gần khu vực Nhà thờ Lớn (Hà Nội).

Theo lời kể từ chính chủ, nhóm du khách tỏ ra bối rối và không biết cách di chuyển, trong khi các bác tài xế xe ôm truyền thống được cho là đã ra giá khá cao. M.C. lúc này đã chủ động ra tay hỗ trợ bằng cách sử dụng ứng dụng công nghệ để gọi xe cho nhóm khách, đồng thời khuyên họ nên “tránh bị chặt chém”.

Vụ gia đình PTTC

(Ảnh cắt từ clip)

Mặc dù sau đó M.C. cũng nhận ra mình đã gây ảnh hưởng đến công việc của các bác xe ôm và cô bạn quyết định mua bánh mì để mang đến biếu hai bác (nhưng không gặp được do các bác xe ôm đã di chuyển đi nơi khác), cách M.C. thể hiện trong đoạn clip vẫn tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.

Dân mạng cho rằng cô bạn đang can thiệp vào "chén cơm" vốn đã bấp bênh của các tài xế xe ôm truyền thống. Một số ý kiến cho rằng nếu tinh tế, M.C có thể đứng ra phiên dịch hỗ trợ đôi bên, để các bác xe ôm vẫn có thể nhận khách, còn nhóm khách du lịch có thể di chuyển với giá cả hợp lý. Việc quay lại video và đăng lên mạng xã hội, công khai chê bai họ trước cộng đồng mạng có thể làm tổn thương đến một tầng lớp lao động. Hiện tại, M.C. vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời phản hồi chính thức nào liên quan đến làn sóng tranh cãi này.