
Nhờ đó mà từ khi ra riêng, tôi viết được nhiều hơn. Giữa thời buổi này, cán bộ nhà nước cướp thời gian hành chính làm việc cá nhân là chuyện bình thường. Nhàn cư vi bất thiện. Có lần sếp nói thế...
Buổi sáng tới cơ quan, mở cửa, một ít sương nhẹ tràn vào, như thể mùa xuân sắp sửa. Cảm giác đó khiến tôi yêu cái phòng làm việc của mình quá chừng, và một ngày thật không có gì vui bằng việc cảm hứng tự nhiên rót vào trong người. Tôi cười hà hà, ngồi phịch xuống ghế xoay hãng Hòa Phát, đánh một vòng quay ba trăm sáu mươi độ, thò tay xuống bật công tắc máy tính, gõ lốp bốp tám phím mật khẩu, màn hình windows sáng lên. Các thao tác nhanh gọn và lặp lại giống một con rô bốt được khởi động vào lúc bảy giờ sáng mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu.
Tả chừng đó chắc người đọc đã đoán biết tôi là một kẻ có chút tâm hồn, và cũng hình dung một chân tướng của anh công chức hành chánh. Ai đoán như vậy là trúng phóc! Và đến đây thì tôi không thể giấu giếm gì nữa, xin chú thích thêm: Cơ quan nằm trong thị xã bé nhỏ. Khuôn viên có cây cối xanh tươi khiến bất cứ người dân nào có việc tìm tới đây đều cảm thấy gần gũi chứ không bị đeo cảm giác "run như tới cửa quan". Phòng tôi ở trên tầng hai, chỗ cửa sổ có một nhành phượng vắt vào, rất nên thơ. Nhưng chớ dại làm thơ tả cảnh. Vì trước cổng cơ quan còn có một cây cổ thụ.
Khốn khổ thay tôi lại là anh viết văn. Trưởng phòng, tức sếp của tôi, nói vô lý, không tin được thằng này biết viết lách. Ông thốt lên như vậy khi nghe chị văn thư của ủy ban, vốn là người nhận báo hằng ngày để phát cho các vị chánh phó chủ tịch nói: "Có đọc bài của thằng cán bộ phòng ông đấy, viết được lắm". Bữa đó ông đưa ra lý do, thằng này (tức tôi) là dân học tự nhiên, chó ngáp phải ruồi hay là chó chạy cùng đường mà nó rơi tõm về ủy ban này đó thôi. Ủy ban không biết phân nó về đơn vị nào, cuối cùng nghĩ chắc dân tự nhiên thì giỏi tin học, gõ máy rành như gà đói mổ thóc, thôi cho nó về làm văn phòng. Rồi ông nói như quả quyết với chị văn thư nọ, cùng lắm nó chỉ biết viết văn bản chứ chữ nghĩa đâu mà văn với chương.
Năm đầu tiên đi làm là thời gian tập sự. Tôi được bố trí ngồi trong phòng sếp. Chính xác là ngồi sau lưng, phía bên tay trái của sếp để gõ văn bản do ông soạn bằng bút bi đen trên giấy A4. Ông là người hướng dẫn tập sự tôi. Ông được hưởng thêm không phẩy ba lương tối thiểu. Mỗi khi soạn xong báo cáo hay công văn nào đó là ông quẹt cái roẹt một đường chéo dưới phần giấy trống, kiểu người ta chốt hóa đơn bán hàng, rồi đưa về phía sau cho tôi đánh. Tôi dùng hai bàn tay gõ, đến chiều xong in ra cho ông sửa lỗi. Ông sửa xong lại đưa cho tôi đính chính. Có khi một văn bản in đến năm lần mới ổn, không phải do tôi gõ sai mà tại mỗi lần sửa ông lại thêm thắt, thay đổi vài chữ. Chẳng hạn thêm chữ "kính" trước chữ "đề nghị", hay đổi chữ "chân thành" bằng "trân trọng" trong lời cảm ơn cuối tờ trình.
Buổi trưa, vì nhà xa nên tôi ở lại cơ quan. Ăn cơm bụi rồi vào phòng dựa lưng trên ghế nghỉ ngơi. Tôi ngồi lên ghế của sếp, hai tay đặt lên hai chỗ tựa mà lắc qua lắc lại. Chà chà, cũng giống trưởng phòng chán. Và mỗi ngày như vậy tôi có được ba tiếng đồng hồ buổi trưa làm cái anh trưởng phòng. Tôi dành ba tiếng đồng hồ đó để viết lách, vốn là một công việc không được đào tạo bài bản nhưng tôi rất thích. Tôi viết ra những ý tưởng trong đầu, khi nó là tản văn, lúc lại thành truyện ngắn. Tất cả những trang bản thảo đó tôi để vào một thư mục riêng trong máy tính và đề là VU KHI LANH.
Một năm ngồi với sếp, tôi học được nhiều thứ. Từ cách nghe điện thoại, trả lời cấp dưới đối đáp cấp trên. Và dĩ nhiên tôi khá hẳn trong việc nắm bắt các loại văn bản hành chính. Hết tập sự, sếp khen tôi tiếp cận tốt, rành công tác văn phòng rồi, cho ở riêng. Tôi được sang ngồi phòng khác, kế bên cạnh phòng sếp. Phòng nhỏ hơn nhiều nhưng tôi được ngồi một mình. Ông tách nhân viên của mình như kiểu các gia đình tách con trai sau một năm cưới vợ. Thế nên ông mới nói là cho ở riêng. Cái chỗ cũ của tôi, thay vào đó là một cô gái vừa trúng biên chế, nên phải chịu tập sự do ông hướng dẫn. Ông lại được thêm không phẩy ba lương tối thiểu.
Trước khi sang phòng mới, tôi đã kịp bê toàn bộ thư mục VU KHI LANH sang máy của mình. Từ nay tôi có phòng riêng, tha hồ tung tẩy trang viết, có thể gõ vào bất cứ lúc nào cảm hứng dâng trào chứ không nhất thiết phải là ba tiếng đồng hồ trưa.
Việc cơ quan không nhiều. Nó giống mùa vụ của người nông dân thôi. Đầu năm làm kế hoạch, định kỳ hằng tháng hằng quý viết báo cáo, thi thoảng cần xin xỏ viết tờ trình... Nói chung là rảnh rỗi. Nhờ đó mà từ khi ra riêng, tôi viết được nhiều hơn. Giữa thời buổi này, cán bộ nhà nước cướp thời gian hành chính làm việc cá nhân là chuyện bình thường. Nhàn cư vi bất thiện. Có lần sếp nói thế. Ông khuyên các đồng chí nên chân trong chân ngoài mà làm, tôi cho phép, chứ cứ bám vào lương không sống nổi đâu. Và cũng chả chờ tới lúc sếp cho phép người ta mới làm. Có người mở thêm quầy kinh doanh ở nhà, thuê người bán. Anh kế toán thì nhận làm hợp đồng thêm ở các đơn vị khác... Còn tôi, ngoài mớ kiến thức rất hàn lâm về khoa học tự nhiên ở trường đại học, tôi không có máu me kinh doanh, không có khả năng lách luật trốn thuế, nếu muốn chân trong chân ngoài thì tôi chỉ có một việc để làm: viết văn.
Ông sếp phát hiện ra tôi viết văn kể từ khi tôi qua phòng riêng. Do khi sang phòng mới tôi vẫn gõ lạch cạch bàn phím suốt ngày nên ông tò mò. Rồi có người mách với ông rằng thằng đó viết văn in báo. Anh kia chìa tờ báo ra. Ông thấy mười mươi cái tên tôi rành rành. Nhưng chưa chắc. Đời thiếu gì người trùng tên nhau, thậm chí có những cái tên rất lạ rất hiếm mà vẫn trùng nhau huống nữa là cái tên bình dân như của cậu ta. Sếp cầm tờ báo vào phòng tôi, hỏi cái này của cháu đúng không? Tôi dạ. Chỉ dạ thôi chứ không dám nói gì. Ông bảo được đấy. Rồi đi.
Từ khi có cô gái vào cơ quan, mọi bản viết tay của ông đều chuyển sang cho cô ta gõ. Vẫn là cái tay trái có thói quen chìa về phía sau. Nhưng vô tình vài lần ông với dài tay, chạm vào chỗ ngực áo phồng lên của cô. À à, gõ cái này cho chú. Thế thế nhé!
Tôi đã đưa chi tiết rất nhạy cảm này vào một truyện ngắn. Truyện gửi mấy báo nhỏ lẻ, không tờ nào chịu in. Cuối cùng tôi gửi đến một tờ báo có lượng phát hành lớn thì họ lại in. Xui xẻo là chính tờ báo dễ dãi đó lại là tờ hay có mặt ở cơ quan tôi. Sếp đọc được, chắc là tức lắm nên tỏ ra nghiêm ngặt với tôi hơn. Chẳng hạn ông hay buộc tôi phải soạn các báo cáo tháng ngay từ ngày mùng 5. Tôi tham mưu với sếp rằng đầu tháng đã có gì đâu mà báo cáo. Ông nói cháu cứ soạn đi, viết từng ngày như nhật ký, như vậy cuối tháng ta sẽ có một báo cáo hoàn chỉnh, chi tiết, đầy đủ. Nghe qua cũng có lý. Nhưng tôi biết đó là cách ông làm hạn chế thời gian viết lách của tôi.
Sếp siêng đọc báo hơn, có thể nói là thường xuyên đọc và đọc bất cứ tờ báo nào chị văn thư đưa tới. Rồi ông học thêm vi tính. Khoản này rất nhiều cán bộ, thậm chí cán bộ to chức nhưng to tuổi, mù tịt. Ông bảo cô gái tập sự hướng dẫn cho cách vào mạng. Ông biết gu gồ là cái kho tìm kiếm vô thiên lủng, cái chỗ có thể rà soát thông tin về một nhân vật, thậm chí hắn ta vô danh tiểu tốt.
Nhờ biết máy tính, biết vào mạng tìm kiếm thông tin, ông đã đọc hầu hết những bài viết ký tên tôi có đăng ở trên mạng. Tôi bắt đầu đề phòng sếp. Nhưng không hề có thái độ coi thường ông. Sếp cũng không hề gây khó khăn đối với tôi, trừ chuyện ngày nào cũng phải viết báo cáo. Chắc ông đã quên cái vụ lỡ tay chạm ngực con gái mà tôi đề cập trong truyện ngắn lần trước.
Trong những lần họp cơ quan, ông vẫn thường khen tôi là người chịu khó tìm tòi học hỏi. Biết làm những cái không được đào tạo. Đấy là năng động các đồng chí ạ. Tôi vừa mừng trong bụng vì được khen, lại mang mang cảm giác lo ngại, ổng khen thế là có ý gì đây.
Tôi vẫn viết. Viết nhiều hơn mỗi ngày. Bài vở in được cũng nhiều hẳn lên. Nhưng tôi đã khôn ra nhiều. Nếu báo nào có ở chỗ cơ quan thì tôi chỉ gửi đăng những bài tản văn nhẹ nhàng về gió mây cây lá. Sếp quan tâm hơn chuyện viết lách của tôi. Ông hỏi sao dạo này không thấy cháu viết chuyện người, toàn nói chuyện cây cảnh chim chóc sông nước? Tôi đáp, dạ viết thế cho nó nhẹ nhàng an toàn.
Sếp thêm thói nghiện cà phê. Trên bàn của ông bây giờ luôn có một tách đen đậm đặc vào mỗi buổi sáng. Việc này tôi chưa hề thấy trước đó, trong một năm ngồi cùng phòng với ông. Rồi trên bàn sếp có thêm chồng sách, chừng dăm ba cuốn, sách văn học, tiểu thuyết truyện ngắn, thậm chí là lý luận phê bình - một loại sách mà chỉ những ai có viết lách mới nhằn nổi.
Tôi không hiểu cơn cớ nào khiến một công chức mẫn cán như ông, một người lãnh đạo cứng cựa, tỉnh táo sắc lạnh như thế bỗng dưng ướt sườn sượt với sách văn chương. Nhưng chính điều đó làm tôi tin hơn đam mê của mình. Đấy là sức mạnh và sự quyến rũ lạ kỳ của văn chương.
*
Cô gái tập sự vẫn gõ lạch cạch mỗi ngày. Cô ngồi phía sau lưng ông mà gõ như một cái máy khâu chọc mũi kim vào tấm vải, đều đặn cần mẫn. Tôi dần thân hơn với cô và thỉnh thoảng chúng tôi đi cà phê với nhau. Cô hỏi có phải xong một năm tập sự là em cũng được ra ở riêng như anh không? Tôi đáp chắc không. Tại sao? Vì cơ quan mình đã hết biên chế, nghĩa là tạm thời năm tới không có ai vào tập sự. Nếu như thế thì sếp vẫn cần một người túc trực sẵn sàng sau lưng để gõ văn bản cho ông.
Nghe tôi nói cô đồng nghiệp có vẻ buồn. Tôi hỏi hình như em không thích ngồi với sếp nữa, anh thấy ông dễ thương đó chứ. Cô đáp không phải em không thích, nhưng em gõ mỏi tay quá. Công văn gõ chả sao. Đằng này, bí mật nhé, sếp viết văn anh ạ! Tôi ngớ người ra, nhưng cũng chả bất ngờ lắm, vì cái đống sách văn chương ùn ùn trên bàn sếp đã giúp tôi đoán ra sếp của ta đang tiến gần tới văn chương.
Truyện của sếp đã được in. Chắc là lần đầu tiên tên ông được xuất hiện trên mặt báo ở vị trí tác giả. Nó khác hẳn với những lần trước, tên ông nằm trong nội dung các bài điểm danh người dự họp, hay khá hơn một chút là tên nhân vật trong bài báo người tốt việc tốt trăm hoa đua nở. Suốt ngày hôm đó sếp vui, nhưng không tỏ vẻ mừng ra mặt.
Ở cái tuổi của sếp, nếu hồ hởi khoe khoang thì chả khác nào trẻ con, người ta cười cho. Ông rưng rưng vui bằng cách đi lại thanh thoát hơn, giống đi trên mây. Ngồi bàn thì đăm chiêu hơn, như đang chìm sâu vào miền tưởng tượng. Cảm giác lần đầu tiên có bài được đăng báo, thật, ai có qua mới biết diệu kỳ. Dù báo to hay báo nhỏ, báo trung ương hay báo địa phương cũng khoan khoái hôm này qua hôm khác. Bài của sếp in trên mục văn nghệ của tạp chí ngành cấp sở, tờ tạp chí tira chưa quá ba trăm bản.
Ngay sáng hôm ấy, cái hôm báo in bài sếp về tới cơ quan, thì ngay lập tức trên bàn làm việc của các phòng ban khác cũng đã có một tờ y như thế. Tôi đọc lướt qua. Thấy ít chất văn, nhiều chất kể lể. Nhưng có một chi tiết mà bất cứ ai trong cái cơ quan to nhất nhì thị xã này đọc vào đều nhận ra chân tướng một nhân vật. Sếp của tôi đã túm gáy được một ông sếp phòng khác, giống như tôi đã từng vô tình, vì chất liệu văn học mà túm gáy sếp ở chi tiết lỡ tay chạm ngực con gái. Nhưng truyện của sếp có giá trị hơn ở chỗ ông sếp trong tác phẩm kia, nghe đâu là người đang trở thành đối thủ của sếp tôi trong cuộc tranh một chức vị quan trọng trong hội đồng nhân dân.
*
Buổi sáng tới cơ quan, mở cửa, một ít sương nhẹ tràn vào, như thể mùa xuân sắp sửa. (Vâng, đây chính là câu văn mở đầu truyện ngắn này đấy bạn đọc ạ). Đúng buổi sáng hôm nay khi tới cơ quan, trời rất đẹp và hồn lâng lâng như thế. Tôi chợt nghe quanh đây tiếng gõ phím đều đều, như lạc vào một công xưởng may. Chẳng lẽ mình nghe nhầm? Tôi định thần lại. Chưa bao giờ có chuyện mới sáng bảnh mắt đã nghe rào rào từng cơn mưa bàn phím gõ văn bản nhịp nhàng như thế. Có cơ sự gì đây.
Các phòng ban bắt đầu xì xào chuyện sếp này sếp kia lọ dọ viết văn. Văn chương đã đến kỳ hân hoan thế sao? Tôi hỏi cô đồng nghiệp, cán bộ tập sự phụ trách gõ máy cho sếp. Cô bảo, đấy là vũ khí lạnh, anh viết đi, viết nhanh không người khác viết anh đấy