>> Bị nghi trộm đồ lót, nữ sinh tự sát trong nhà sách
Vụ việc và những thông tin bên lề
Theo tường trình của Nhà sách Nguyễn Văn Cừ (36 Xuân Thủy, Cầu Giấy). Ngày 11/8, vào cuối ca chiều, nhân viên Lê Thị Phương (quầy thời trang) phát hiện một cô gái có dấu hiệu nghi vấn trong phòng thử đồ. Sau khi quan sát, thấy cô gái có dấu hiệu không bình thường chị Phương đã gọi bảo vệ và dẫn cô gái vào phòng giám đốc để kiểm tra.
Với sự có mặt của Tổ trưởng Tổ bảo vệ Nguyễn Mạnh Hòa, các nhân viên phát hiện, chiếc lót được giấu trong người là của Nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Lúc đầu, cô gái khai quê ở Quốc Oai, bố mẹ đã mất vì ma túy. Do có hoàn cảnh khó khăn nên trót dại, trộm đồ để bán lấy tiền nộp học phí. Khi anh Hòa phát hiện trong tay cô gái cầm phiếu gửi đồ của nhà sách thì yêu cầu xuống lấy túi lên để chứng minh nhân thân. Cô gái không đồng ý.
Trong lúc giằng co phiếu gửi đồ, chân cô gái đã đạp vỡ chiếc mặt bàn bằng kính. Trước tình hình đó, giám đốc nhà sách đã mời Công an (CA) phường Dịch Vọng đến giải quyết. Tại biên bản lần thứ 2 và 3, cô gái khai tên thật là Bùi Thúy Hòa, 21 tuổi (trú tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa), là sinh viên năm cuối Trường Đại học Lao động - Xã hội. Trong túi xách của Hòa có 50 ngàn đồng và 1 ĐTDĐ.
Hiện trường nhà sách Nguyễn Văn Cừ
Khi các chiến sĩ CA định đưa Hòa về phường thì cô gái đã chộp lấy một mảnh kính sắc nhọn và hét lên: "Các chú không được đến gần cháu" rồi đâm mảnh kính vào cổ. Mặc dù được đưa ngay đến Bệnh viện 198 (Bộ CA) nhưng cô gái đã chết vì mất máu cấp.
Sau khi Hòa qua đời, rất nhiều câu hỏi được những người quan tâm đặt ra: Tại sao Hòa phải tự tử? Tại sao Hòa dễ dàng tự sát khi có rất nhiều người chứng kiến...
Tiếng nói người trong cuộc
Sau khi đưa con về quê an táng, gia đình Hòa đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án. Trong nỗi đau mất con, ông Bùi Sĩ Lâm, bố của Hòa (hiện là CA xã Hoàng Kim, huyện Hoằng Hóa) cho biết: "Hòa xin ra Hà Nội sớm để học Tiếng Anh, chuẩn bị hành trang xin việc làm. Gia đình rất tin tưởng ở Hòa. Trước mất mát không thể bù đắp, chúng tôi nhờ pháp luật làm sáng tỏ cái chết của con gái tôi để linh hồn cháu được thảnh thơi".
Ông Lê Văn Nghiêm, Giám đốc Nhà sách Nguyễn Văn Cừ tâm sự: "Tôi không chứng kiến sự việc từ đầu, nhưng tôi chứng kiến cái chết của Hòa. Chính tôi là người đã lấy khăn bịt vết thương ở của Hòa và bế cô lên taxi, đưa đến bệnh viện. Cái chết của Hòa làm tôi dây dứt rất nhiều dù mình không có lỗi. Cô ấy còn rất trẻ, tất cả chỉ mới bắt đầu...". Ông Nghiêm cũng cho rằng, có thể khi bị phát hiện thân thế thật, Hòa đã bị sốc. Hòa sợ bị gia đình, nhà trường và bạn bè biết chuyện lấy cắp đồ nên đã bồng bột tìm đến cái chết.
Trước câu hỏi của PV, tại sao ông không mời CA đến ngay từ dầu? Nhà sách tự lấy lời khai, tự lập biên bản liệu có phù hợp với các qui đình của pháp luật? Ông Nghiêm giải thích: "Cũng có thể cách làm của chúng tôi chưa chuẩn. Tuy nhiên, chúng tôi làm vậy là vì tình người. Nếu báo CA ngay từ đầu, liệu cô gái ấy có còn danh dự, có thể đến trường? Chúng tôi chỉ muổn nhắc nhở rồi cho cô ấy về. Chỉ khi cô ấy đạp vỡ mặt bàn, chúng tôi mời gọi CA". Vì giám đốc này cũng khẳng định, không có chuyện Hòa bị đánh đập hay sỉ nhục.
Thầy giáo Đặng Mạnh Khởi,Phó trường phòng Công tác học sinh, sinh viên, Trường Đại học Lao Động - Xã Hội cho biết: "Hòa là một sinh viên hiền lành, kín đáo, đạo đức tốt của lớp Cao dẳng Quản trị Nhân lực khóa 11. Tháng 7/2010, Hòa sẽ tốt nghiệp. Chuyện sinh viên vào siêu thị trộm đồ phải nhìn nhận dưới góc độ xã hội và tâm lý con người, phân biệt giữa ăn cắp bột phát và ăn cắp chuyên nghiệp".
Sự việc cần được nhìn nhận nhân văn hơn
Nhà tâm lý Bùi Tuệ nhận xét: "Đã là con người, dù có lõi lầm gì, dù có phạm tội đến mức độ nào cũng vẫn có lòng tự trọng, vẫn biết xấu hổ. Khi bị phát hiện có hành vi xấu (như ăn cắp), đa số họ đều ân hận và muốn sửa đổi, kể cả những kẻ phạm tội chuyên nghiệp (nhiều khi tái phạm là do hoàn cảnh, do bị lợi dụng). Vấn đề là ở chỗ, những người cho là mình có quyền phán xét có cho họ cơ hội hay không. Nếu không có cái nhìn nhân văn, rất có thể một số người sẽ cho rằng, kẻ ăn cắp là đồ bỏ đi và sỉ nhục họ. Khi thấy không có lối thoát vì đối mặt với sự xa lánh của những người thân và xã hội, một số người không chịu nổi áp lực đã tìm đến cái chết để giải thoát".
Nhà văn Hữu Việt đã cho rằng, cái chết của Hòa là một "thất bại kép". Ông viết, khi một con người phải tìm đến cái chết bằng cách quyên sinh thì đó là hành động bộc phát nhất thời, nhưng thường thì đều có nguyên nhân sâu xa nào từ trước đó. Về đại thể, cái chết ấy giải thoát họ khỏi những bế tắc mà tự họ không thể vượt qua nổi. Đôi khi nó cũng thể hiện khí phách vì lòng tự trọng bị tổn thương, hoặc bị dồn áp vào thế cùng đường... Ngoài sự mất mát một người trẻ tuổi như một lực lượng lao động, thì cái chết của Hòa là một thiệt hại kép, một thất bại đau đớn nhìn từ góc độ đầu tư và cả từ góc độ nhân văn.
Trở lại việc Hòa tự sát ở Nhà sách Nguyễn Văn Cừ, trách nhiệm của nhà sách này đến đâu, họ có tác động đến cái chết của Hòa hay không? Câu hỏi này đang được cơ quan chức năng xem xét và kết luận. Tuy nhiên, việc có mặt của rất nhiều người (trong đó có cả CA) mà mất cảnh giác để một cô gái yếu đuối có thể tự sát thì rất khó biện minh. Vụ việc cũng cho thấy, khi một ai đó có lỗi lầm (kể cả lỗi nghiêm trọng), hãy để cho họ một con đường thoát, một cơ hội trở lại làm người lương thiện.
Nhìn lại căn phòng nơi Hòa đã quyên sinh, cầm mấy món đồ trị giá 260 ngàn đồng, tôi chợt chạnh lòng. Giá như không có tới 3 cái biên bản, có thể tim em sẽ không có 3 lần đau...
Theo M.Tuấn