
Tôi năm nay 65 tuổi, đã về hưu. Cuộc sống tạm gọi là ổn định với căn nhà rộng rãi ở quê và mảnh vườn quanh năm rau trái. Vợ chồng tôi sinh được hai người con một trai, một gái. Con gái đầu lấy chồng xa, sống tự lập, ít khi về nhưng rất có hiếu. Con trai út lấy vợ cách đây gần 2 năm, mới đây sinh được cháu trai đầu lòng. Tưởng đâu có cháu bế bồng là hạnh phúc viên mãn tuổi già, ai ngờ từ ngày có cháu, gia đình tôi lại bắt đầu xuất hiện những rạn nứt khó nói thành lời.
Chuyện bắt đầu khi con dâu sinh xong chưa đầy 2 tháng. Một hôm con dâu bảo tôi: “Con tính nói chuyện với mẹ, giờ con sinh cháu trai rồi, bố mẹ định bao giờ sang tên cái nhà, cái đất cho vợ chồng con để chúng con để yên tâm xây dựng tương lai?” Tôi nghe mà sững sờ. Tôi chưa từng nghĩ con dâu lại sốt sắng chuyện nhà đất đến thế. Trước giờ, vợ chồng tôi vẫn xác định sẽ chia tài sản công bằng, có phần cho con trai, có phần cho con gái. Mảnh đất đang ở hiện nay là do ông bà để lại, diện tích cũng kha khá. Tôi tính để lại phần lớn cho con trai vì sau này thờ cúng, ở cùng bố mẹ. Nhưng cũng dự định dành một mảnh nhỏ chia cho con gái làm của hồi môn, gọi là tình nghĩa cha mẹ.
Tôi từng nói rõ quan điểm với hai con rằng: “Khi nào bố mẹ yếu, không còn sức trông coi nữa, sẽ gọi các con lại, chia phần rõ ràng. Còn giờ mọi thứ vẫn để tên bố mẹ, bố mẹ còn sống thì đất là của bố mẹ.” Nhưng con dâu thì không nghĩ vậy. Từ lúc có cháu trai, con bé thay đổi nhiều. Nó bóng gió chuyện "đàn ông là người nối dõi", rồi thậm chí còn nói trước mặt chúng tôi rằng: “Giờ con sinh được cháu đích tôn rồi, bố mẹ cũng nên có trách nhiệm rõ ràng với tương lai con trai con.” Tôi nghe mà trong lòng trĩu nặng. Không lẽ, vì sinh được cháu trai mà con dâu cho rằng đã “nắm chắc phần thắng” trong chuyện thừa kế?

Tôi không tiếc con cái nhưng tôi cần sự tôn trọng. Vợ chồng tôi còn khỏe, còn đủ minh mẫn để trông nom nhà cửa, chưa đến nỗi phải phụ thuộc vào con. Việc chuyển nhượng tài sản, tôi nghĩ đến rồi, nhưng tôi muốn làm khi mình thật sự an lòng, không phải vì bị thúc ép hay mặc cảm “mình nợ con cháu điều gì”. Tôi nói chồng: “Nếu mai này chúng nó sống biết điều, chăm lo cha mẹ thì tôi chia cả tài sản cũng chẳng tiếc. Còn nếu sống toan tính, xem bố mẹ là phương tiện thì có cho mấy rồi cũng chẳng được yên.”
Cách đây ít ngày sau bữa cơm, tôi ngồi xuống nói rõ ràng với con trai và con dâu: “Bố mẹ đã có dự định rõ ràng. Nhà đất sau này sẽ chia cho các con. Con trai sẽ được phần lớn hơn, vì còn thờ tự, chăm lo tổ tiên. Nhưng bố mẹ chưa sang tên lúc này. Cái gì đến sẽ đến, quan trọng là sống với nhau bằng tình nghĩa. Đừng ép bố mẹ phải lựa chọn khi vẫn đang khoẻ mạnh.” Không ngờ, con dâu im lặng, sau đó mấy hôm thì gọi điện về bảo mệt, xin phép đưa cháu về nhà ngoại “ở cữ thêm”. Từ đó, nó không gọi hỏi thăm, chỉ nhắn tin cho chồng. Tôi biết nó giận, có thể còn cho rằng tôi thiên vị con gái, không coi trọng “cháu đích tôn”.
Tôi tự hỏi nếu con dâu thương tôi thật lòng, coi vợ chồng tôi là cha mẹ, thì sao lại đặt vấn đề sổ đỏ vội vã như thế, chỉ vài tuần sau khi sinh cháu? Một đứa bé đâu phải tấm vé đổi đời để mặc cả tình thân? Tôi thương con trai tôi. Nó hiền lành, ít nói, lại nghe vợ. Nhưng nó cũng không phản đối hay khuyên vợ. Điều đó khiến tôi thất vọng. Tôi bắt đầu sợ nếu giờ tôi sang tên cho vợ chồng nó, liệu mai sau vợ chồng tôi có còn tiếng nói trong chính căn nhà của mình?

Theo Thương Trường