
Những ngày trung tuần tháng 4, ở khu vườn của chị Nga, hơn 30 cây hồng đồng loạt nở rộ, tỏa hương thơm ngát. Dưa lê trĩu trái, vắt vẻo trên giàn. Các chậu rau xanh mơn mởn, sẵn sàng chờ thu hái.

"So với ngày mới làm vườn, bây giờ tôi còn 'nghiện' hoa và cây hơn, loại nào cũng muốn đem về gieo trồng", chị Nga kể.
Khoảng sân thượng 115m2 được cải tạo một phần thành không gian phòng ăn, nướng đồ BBQ để gia đình quây quần hay đón bạn bè tới chơi. Phần còn lại, chị Nga làm vườn trồng cây cảnh, hoa hồng, rau trái.

Chị Nga cho biết, căn hộ penthouse của vợ chồng chị có cầu thang riêng, dẫn lên khu vườn sân thượng. Khoảng sân có hàng rào bao quanh, ngăn cách với sân nhà hàng xóm. Không gian này vốn được quy hoạch để cư dân trồng cây nên đảm bảo chống thấm.
"Ngày vợ chồng tôi mua nhà, khoảng sân chỉ lót gạch đỏ vuông vức và có các đường ống nước chạy quanh. Muốn có một không gian thư giãn, hòa mình vào thiên nhiên, chúng tôi thuê thợ tới cải tạo mất mấy tháng trời", chị Nga cho biết.

Đất trồng, phân, vật liệu làm vườn được vận chuyển bằng thang máy lên căn hộ. Sau đó, chị Nga lại tự bê lên sân thượng bằng cầu thang bộ phía trong nhà. "Muốn nhanh chóng phủ xanh không gian sống, háo hức được chinh phục những giống hồng ngoại rực rỡ, tôi không thấy mệt", chị nói.
![]() |
![]() |
Trong 7 năm làm vườn, chị Nga đã trồng thành công gần 50 giống hồng ngoại khác nhau. Khu vườn quanh năm rực rỡ sắc hoa, tỏa hương thơm ngọt ngào, khiến chồng chị từ "ghét hoa hồng" đã chuyển sang yêu thích. Người thân, bạn bè tới thăm ai cũng khen ngợi, giơ điện thoại "chụp cháy máy".
Hồi mới trồng hoa hồng, chị Nga không thể lường trước, loại hoa này khó chăm sóc tới vậy. Dồn bao tâm huyết nhưng cây cứ yếu ớt, không nở được bông hoa nào.

Lúc này, chị Nga mới vào các hội nhóm trồng hoa hồng, tìm hiểu kinh nghiệm từ người đi trước.
"Ưu điểm của khu vườn là nhiều nắng, phù hợp cho hoa hồng phát triển", chị Nga cho biết.
"Điều quan trọng quyết định tới vụ hoa hồng thành công là giá thể - tơi xốp, thoát nước tốt. Tôi thường trộn giá thể từ 30-40% đất thịt hoặc đất đỏ, 40% trấu, sơ dừa, vỏ đậu phộng, còn lại là phân trùn quế, phân bò, phân gà, phân humic, nấm Trichoderma", chị Nga chia sẻ kinh nghiệm.
![]() |
![]() |
Chị Nga dùng hai loại phân chính để tưới hàng tuần là dịch cá và dịch chuối đậu tương. Dịch cá được tưới trước khi cắt tỉa cây khoảng 3 ngày giúp mầm non mới phát triển mạnh. Dịch chuối đậu tương được tưới vào thời điểm cây ra nụ và chuẩn bị nở bông, giúp hoa nở đồng loạt và màu cũng đẹp hơn.
"Đau đầu" nhất với người trồng hoa hồng là bị nhện và bọ trĩ tấn công. Ngoài ra, mùa mưa cây thường bị nấm lá, đen thân.
"Chăm hồng cầu kỳ lắm. Hàng ngày tôi đều lên vườn sáng sớm và chiều tối để quan sát, phát hiện dấu hiệu bệnh còn trị thật sớm.

Ngoài ra, tôi duy trì phun phòng bệnh định kỳ mỗi 7-10 ngày bằng các loại thuốc sinh học hoặc các dung dịch tự ngâm. Vì thuốc sinh học chủ yếu có tác đụng ức chế hoặc xua đuổi côn trùng nên nếu để cây bệnh nặng rồi mới xịt thì sẽ kém tác dụng", chị Nga chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi ngày, chị Nga tưới hoa đều đặn 2 lần vào buổi sáng và tối. Những ngày nắng nóng cao điểm, chị tưới thêm một lần vào buổi trưa để giải nhiệt cho cây. Chị cũng thường xuyên cắt bỏ cành tăm, lá già, cành già cỗi để cây khỏe mạnh.
"Tôi ưu tiên trồng các giống hồng khỏe, hoa đẹp, thơm, bền, hợp khí hậu nắng nóng của Bình Dương", chị Nga cho hay.

Trong vườn, ngoài hoa hồng, chị Nga còn trồng thêm các loại cây cảnh, cây ăn trái và rau xanh. Khu vườn thường xuyên bội thu ổi, cóc, khế, lựu, táo, cà chua hay các loại dưa. Vài năm nay, chị Nga cũng hiếm khi phải đi mua các loại rau xanh như rau cải, muống, rau thơm hay chanh, quất, ớt.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |

Việc chăm sóc, duy trì khu vườn luôn xinh đẹp, tươi tốt cần nhiều thời gian và công sức. Tuy vất vả, nhất là lúc cắt tỉa cành hay mùa nắng nóng, nhưng chị Nga luôn cảm thấy hạnh phúc.
Khu vườn giúp chị có thêm nhiều năng lượng, là không gian để thư giãn, cải thiện sức khỏe.

Theo VietNamNet