2 chị em có cả bộ phận sinh dục nam và nữ: Cứ vào nhà vệ sinh lại bị đuổi

Từ lúc sinh ra, 2 chị em Rêu và Linh mang thân hình con gái nhưng lại có đến 2 bộ phận sinh dục cả nam và nữ.

Từ lúc sinh ra, 2 chị em Rêu và Linh mang thân hình con gái nhưng lại có đến 2 bộ phận sinh dục cả nam và nữ.

Có mặt tại khoa Phẫu thuật Nhi và sơ sinh (Bệnh viện Việt Đức), khi chúng tôi hỏi đến phòng bệnh hai cháu Tòng Thị Rêu (SN 2009) và Tòng Thị Linh (SN 2011, ở Tam Đường, Lai Châu), từ người bệnh đến bác sĩ ai cũng thuộc vanh vách tiểu sử của hai bệnh nhi đặc biệt này.

Rêu và Linh “nổi tiếng” vì từ khi sinh ra tới giờ cả 2 cháu đều có 2 bộ phận sinh dục nam và nữ. Theo lời kể của những người bệnh đang cùng điều trị tại đây, nếu nhìn bề ngoài không ai nghĩ rằng các cháu lại bị dị dạng như vậy.

Tại phòng bệnh nơi hai cháu đang nằm điều trị, chỉ có chị Lò Thị Tọn (SN 1983, là mẹ của 2 cháu) đang gấp lại những bộ quần áo mang từ trên quê xuống. Nhìn thấy chúng tôi, người mẹ này mới tất tưởi đi tìm con.

Nhìn bề ngoài ít ai có thể biết 2 cháu lại có bất thường cơ thể.

Gần 10 phút sau, khi chị Tọn dắt 2 con về phòng. Trước mắt chúng tôi là 2 bé gái nhí nhảnh đáng yêu. Nhưng khi bắt đầu câu chuyện, chúng tôi mới cảm nhận được những trở ngại khi các cháu phải mang 2 bộ phận sinh dục trên người.

Chị Tọn cho biết, từ khi sinh ra các cháu đã có cả 2 bộ phận sinh dục cả nam và nữ. Lúc bé không sao, đến khi bắt đầu đi học bị các bạn trêu đùa, các con chị xấu hổ và đã từng có ý định bỏ học giữa chừng.

Ngồi nghe mẹ kể chuyện, bé Rêu liên tục giật tay áo ra hiệu cho mẹ không nói nữa vì xấu hổ. Cả 2 cháu bé đều rất kiệm lời khi tiếp xúc với người lạ. Chỉ khi có bác sĩ động viên rằng: “Phải chia sẻ để các bác sĩ còn chưa trị, cắt bỏ phần “thừa” đi”, đến lúc đó các cháu mới bắt đầu nói lên suy nghĩ của mình.

Hiện 2 cháu đang được điều trị tại BV Việt Đức

“Cháu không muốn làm con trai, cháu muốn cắt bỏ phần của con trai đi. Cháu muốn được mặc váy như các bạn ở Hà Nội, thích được để tóc dài và không thích các bạn khác trêu là nửa nam, nửa nữ”, đó là hàng loạt ước muốn của Tòng Thị Rêu.

Rêu cho biết, ở trường khi các bạn biết mình có 2 bộ phận sinh dục, những khi đi vệ sinh cũng không được yên, bởi đi vào nhà vệ sinh nữ thì bị đuổi sang nam, còn đi sang nhà vệ sinh nam thì không được. “Những lúc đó cháu chỉ biết khóc và chỉ muốn chạy về nhà”, Rêu cho biết.

Chị Lò Thị Tọn chia sẻ, tuy có bộ phận sinh dục nam, nhưng từ nhỏ mọi sinh hoạt các cháu đều nữ tính hết. Vì thế gia đình cũng như bản thân các cháu mong muốn được cho các cháu trở về giới tính nữ.

Chị Tọn rất lo lắng cho tương lai của hai con gái.

"Hai năm nay các cháu chuẩn bị đến tuổi dậy thì, bộ phận sinh dục nam phát triển rất nhanh. Quả thực tôi vô cùng lo lắng, không biết tương lai các con tôi sẽ thế nào", chị Tọn nói.

Trao đổi với chúng tôi về hai trường hợp bệnh nhi này, TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và sơ sinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, cháu Rêu và cháu Linh mắc phải Hội chứng rối loạn phát triển giới tính, do hôn nhân cận huyết gây nên.

Hiện sức khỏe của hai bé hiện ổn định và đang đợi kết quả xét nghiệm nhiễm sắc thể và khám nội tiết. Khi có kết quả bác sĩ nội tiết sẽ tư vấn nên mổ cho hai bé theo hướng nào và điều trị thuốc ra sao.

Tiếp đến hai bé sẽ được gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn về sự thay đổi sau đó mới tiến hành phẫu thuật. Sau mổ, những bệnh nhân này sẽ được chỉ định đi khám sản khoa để tư vấn khả năng sinh sản về sau này.

“Đối với những trường hợp mắc phải Hội chứng rối loạn phát triển giới tính, đa phần sau này sẽ gặp khó khăn về đường sinh sản và khó có khả năng có con. Chỉ một tỷ lệ nhỏ là có thể có con được, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ”, BS Hoa cho biết.

Theo Khám phá


bệnh nhi

bộ phận sinh dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.