2 người đàn ông ở Hà Nội mất gần 2 tỷ đồng vì chiêu lừa đảo nhiều người trẻ "sập bẫy"

Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công "giả mạo" rồi chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Công an Hà Nội ngày 28/5 cho biết, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dân bị các đối tượng giả danh cơ quan Công an gọi điện hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo” rồi chiếm đoạt tài sản.

Nếu trò lừa đảo giả danh công an gọi điện thông báo nạn nhân có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền hoặc các hành vi phạm pháp thường nhắm vào những người già hạn chế về hiểu biết công nghệ thì các vụ lừa đảo cài phần mềm giả này nhắm đến nạn nhân phần lớn là những người trẻ tuổi.

Nhóm lừa đảo thường đánh vào thời điểm bận bịu, vội vàng của các nạn nhân khi không có thời gian để làm thủ tục hành chính trực tiếp được để dụ nạn nhân cài phần mềm giả mạo.

Cụ thể, anh T (SN: 1980; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) ngày 7/5, trình báo Công an quận Hà Đông về việc bị mất 450 triệu đồng trong tài khoản.

Anh T cho biết có “nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hà Đông, thông báo đang điều tra vụ án liên quan đến anh T. Đối tượng yêu cầu anh khai báo online qua cổng Dịch vụ công. Sau đó, đối tượng gửi cho đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong, anh T phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 450 triệu đồng.

2 người đàn ông ở Hà Nội mất gần 2 tỷ đồng vì chiêu lừa đảo nhiều người trẻ sập bẫy-1

Nhiều người mất tiền tỷ vì chiêu lừa đảo quá cũ - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Một nạn nhân khác là anh V., trú tại quận Long Biên (Hà Nội), truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục. Sau đó anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

Theo Công an Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ Công an gọi điện cho người dân thông báo nạn nhân đang bị cơ quan Công an điều tra hoặc căn cước công dân bị lỗi trên hệ thống, cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan Công an để làm việc.

Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm Dịch vụ công "giả mạo" theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

2 người đàn ông ở Hà Nội mất gần 2 tỷ đồng vì chiêu lừa đảo nhiều người trẻ sập bẫy-2

Phần mềm Dịch vụ công giả mạo

Mới đây, vào ngày 14/5, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của chị L (SN: 1979; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) về việc bị mất hơn 2 tỷ đồng trong tài khoản. Chị L cho biết có "nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, yêu cầu khai báo thông tin cá nhân qua cổng Dịch vụ công". Sau đó, đối tượng gửi cho đường link cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo". Khi cài đặt xong thì điện thoại bị treo. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân đã ra ngân hàng để kiểm tra thì phát hiện tài khoản bị mất hơn 2 tỷ đồng.

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Công an TP Hà Nội cũng tiếp nhận và xác minh vụ việc người phụ nữ tên C. (SN 1980, ở Hà Nội) bị mất hơn 200 triệu đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Cụ thể, chị C. nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) yêu cầu cài đặt định danh mức độ 2.

Tuy nhiên, do chị C. bận không đến được trụ sở cơ quan công an nên đối tượng gợi ý sẽ có cán bộ hỗ trợ và hướng dẫn chị cài đặt phần mềm dịch vụ công. Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo, chị C. đã bị mất quyền điều khiển điện thoại.

Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo người phụ nữ đã liên hệ phía ngân hàng để khóa tài khoản nhưng được thông báo bị rút mất hơn 200 triệu đồng.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/2-nguoi-an-ong-o-ha-noi-mat-gan-2-ty-ong-vi-chieu-lua-ao-nhieu-nguoi-tre-sap-bay-a428278.html

lừa đảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.