Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama: "Mỗi tháng tôi trả gần 20 triệu tiền lãi ngân hàng đầu tư xây công trình, nếu lường trước được thì tôi đã không làm"

Đối với công trình tâm huyết, bà Ánh khẳng định bản thân không hề sai.​​​​​​​

Bà Vũ Ngọc Ánh cho biết đã đầu tư trên 10 tỷ đồng vào dự án Mã Pì Lèng Panorama, trong đó 2 tỷ đồng vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả gần 20 triệu tiền lãi. Đối với công trình tâm huyết, bà Ánh khẳng định bản thân không hề sai.

Mã Pì Lèng Panorama - tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê 7 tầng, nhiều ngày qua vẫn đang là tâm điểm chỉ trích của dư luận. Công trình này nằm trên hẻm vực Tu Sản, được xây dựng từ năm 2018 và đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà cao 7 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn.

Tòa nhà này do bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang) làm chủ đầu tư. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Ánh do Sở TN&MT cấp ngày 31/5/2016, thuộc loại đất trồng cây hằng năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang, dù đã đi vào hoạt động nhưng Mã Pì Lèng Panorama chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng; chưa được cấp giấy phép xây dựng và công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama: Mỗi tháng tôi trả gần 20 triệu tiền lãi ngân hàng đầu tư xây công trình, nếu lường trước được thì tôi đã không làm-1

Tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê Mã Pì Lèng Panorama nhìn từ trên cao.

Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama đã đầu tư bao nhiêu tỷ đồng cho dự án?

Theo lời bà Vũ Ngọc Ánh, cách đây 10 năm, bà mua mảnh đất này - ngày xưa là mỏm đá hoang, với giá 70 triệu đồng, "chỉ có đá, không trồng được ngô, ban đầu chỉ tính nuôi ong". 4 năm sau, bà chuyển đổi từ giấy tờ viết tay thành bìa đỏ, chính thức sở hữu đất. Bà nói, "mua mảnh đất ở sông Nho Quế này là vô tình, vì nó gắn liền với kỷ niệm về người cha và đứa em trai đã khuất".

Bà Ánh không phải là cán bộ công nhân viên chức. Trước đây, bà làm nghề cắt may, rồi buôn bán kinh doanh ngay tại thành phố Hà Giang. Bà khẳng định đằng sau không có ai "chống lưng", cũng không quen một "ông to, bà lớn" nào, bà tự đứng lên bằng hai bàn chân của mình nuôi ba đứa con trai khôn lớn.

Người phụ nữ cho biết đã đầu tư trên 10 tỷ đồng vào dự án này, trong đó 2 tỷ đồng vay ngân hàng, mỗi tháng phải trả gần 20 triệu tiền lãi, và một số khoản vay anh em, bạn bè. Đối với công trình tâm huyết, bà Ánh khẳng định bản thân không hề sai.

Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama: Mỗi tháng tôi trả gần 20 triệu tiền lãi ngân hàng đầu tư xây công trình, nếu lường trước được thì tôi đã không làm-2

Bà Vũ Ngọc Ánh - chủ đầu tư Mã Pì Lèng Panorama.

"Lúc đầu, tôi xây dựng rất đơn giản. Nhưng sau 5 lần tốc mái, tôi quyết định thực hiện công trình thật kiên cố. Một mình tôi tự gùi những viên gạch từ trên vách đá xuống, dù không phải thợ xây nhưng đã tự tay vạch vữa, ghép đá kè móng.

Nếu tôi lường trước được, thì tôi đã không làm, thà gửi mười mấy tỷ vào ngân hàng cho sướng và để mảnh đất như vậy. Mọi người đừng nghĩ là tôi kiếm lợi từ công trình này. Tôi chỉ làm cho nó tốt lên".

Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama kể, từ khi tòa nhà bắt đầu đi vào hoạt động, người dân Mèo Vạc có thêm chỗ để bán rau, người Mông được tạo công ăn việc làm, mấy đứa trẻ được tặng manh quần, tấm áo.

"Tôi chỉ mong người dân ở Mã Pì Lèng sẽ không bị nghèo đi. Nếu tôi buộc phải di chuyển khỏi khu vực thì chắc chắn 100% rằng dân và các em ở đây sẽ đói".

Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama: Mỗi tháng tôi trả gần 20 triệu tiền lãi ngân hàng đầu tư xây công trình, nếu lường trước được thì tôi đã không làm-3

Dự án này có vị trí đắc địa nhìn ra sông núi đại ngàn và con sông Nho Quế, thu hút lượng lớn khách du lịch.

Chủ đầu tư công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng cho biết, bà không tự ý xây dựng mà đã được các cấp chính quyền ở Hà Giang đồng ý. Trong quá trình xây dựng, nhiều cơ quan chức năng đã đến kiểm tra độ an toàn, "hệt như một cuộc chạy việt dã" để kịp tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn. 

Bà khẳng định: "Tôi không hề làm vụng trộm, nếu vụng trộm không thể xây dựng được như này".

Còn các vấn đề liên quan đến thủ tục giấy tờ, bà Ánh nói chỉ cố gắng làm cho kịp tiến độ, không quan tâm đến hồ sơ. Bà nghĩ "địa phương sẽ lo các loại giấy phép bởi địa điểm xây dựng nằm ngoài vùng lõi của danh thắng đèo Mã Pì Lèng". 

"Tôi từng hỏi nhiều người, tìm đến một số cơ quan của huyện, xã để hỏi về các loại giấy phép, nhưng người ta bảo không thuộc thẩm quyền. Thế giờ tôi đi đâu, đi chỗ nào cũng không có câu trả lời".

"Phần nào không ảnh hưởng lớn đến di sản thì giữ, phần nào ảnh hưởng thì chỉnh trang cho phù hợp"

Bà Mua Hồng Sinh - Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thông tin tới báo chí: tháng 3/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang giao huyện Mèo Vạc xây dựng điểm dừng chân ngắm hẻm Tu Sản, với nguyên tắc "sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, không phá vỡ cảnh quan khu vực", để phục vụ tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn.

Khi đó, huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng điểm dừng chân ngắm vực Tu Sản. Bà Ánh đã đề nghị được đầu tư, xây dựng Mã Pì Lèng Panorama và được chính quyền địa phương hỗ trợ kéo đường điện từ Đồng Văn về.

Bà Sinh không ngờ công trình lại được xây dựng "đồ sộ" như thế. Bà thừa nhận cấp ủy, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.

Bà chủ Mã Pì Lèng Panorama: Mỗi tháng tôi trả gần 20 triệu tiền lãi ngân hàng đầu tư xây công trình, nếu lường trước được thì tôi đã không làm-4

Sáng 7/10, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra, đo đạc công trình Mã Pì Lèng Panorama.

Sáng 7/10, đoàn liên ngành đã tiến hành đo đạc, kiểm tra tại tổ hợp khách sạn - nhà hàng - quán cà phê của bà Vũ Ngọc Ánh.

Theo ông Hoàng A Chinh, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang, căn cứ vào Luật xây dựng, công trình này nằm trên đất nông thôn nên việc cấp phép xây dựng là miễn phí. Tuy nhiên, để xây lên phục vụ mục đích công cộng, du lịch thì chủ đầu tư phải kiểm soát qua thủ tục đầu tư cơ bản như thẩm tra thiết kế, đánh giá tác động đến môi trường và độ an toàn.

Ông Chinh nói, trách nhiệm đầu tiên thuộc về huyện Mèo Vạc. Về nguyên tắc và pháp luật, nếu công trình không hoàn thiện được các giấy tờ cần thiết thì sẽ yêu cầu phải đình chỉ. Nếu hoàn thành thì phải xem xét hướng xử lý, có thể phải tháo dỡ từng phần một, phần nào không ảnh hưởng lớn đến di sản thì giữ, phần nào ảnh hưởng đến di sản, môi trường thì chỉnh trang cho phù hợp với cảnh quan và kiến trúc.

"Bằng cảm quan, tôi thấy phần đằng sau của tòa nhà không thân thiện với môi trường, phá vỡ một phần cảnh quan của điểm dừng chân. Hơn nữa, công trình chưa có hồ sơ thiết kế, nên phần hướng ra phía sông Nho Quế, nếu khách tụ tập đông, ăn uống, nhảy múa mà không đảm bảo chất lượng thì ai có thể lường trước được hậu quả như thế nào?

Xây dựng điểm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi là cần thiết và nên làm. Tuy nhiên, xây dựng công trình kèm theo các phòng nghỉ nhiều dịch vụ khác thì không nên" - ông Hoàng A Chinh khẳng định.

Sau buổi kiểm tra, ông Chinh sẽ họp liên ngành tham mưu với UBND tỉnh Hà Giang tìm hướng giải quyết thấu tình đạt lý, dựa trên các quy định pháp luật, có xem xét thực tế vị trí, nhu cầu tham quan, nghỉ chân của khách du lịch.

THEO TRÍ THỨC TRẺ


Mã Pì Lèng Panorama

công trình Panorama

đèo Mã Pì Lèng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.