Bầu Đức: Sẽ có trực thăng đưa công nhân HAGL từ Lào về VN

26 công nhân của công ty Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện.

26 công nhân của công ty Hoàng Anh Gia Lai bị cô lập trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện.

Chia sẻ với PV tối 24/7, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cho biết một số công nhân của công ty bị cô lập tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak, do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện, nước dâng cao.

Trong ngày 24/7, doanh nghiệp đã chuẩn bị các phương án đưa người lao động ra khỏi vùng ngập. Ngay sáng sớm mai, 25/7, sẽ có trực thăng sang để đưa các công nhân này về nhà.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai thông tin thêm, khu vực vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy là vùng trồng chủ yếu cao su của doanh nghiệp này, và số cao su này là cây đã trưởng thành nên không bị ảnh hưởng nhiều.

Với vườn cây ăn trái, doanh nghiệp canh tác ở khu vực khác nên không bị tác động.

Về việc khắc phục tình hình sản xuất, ông Đức nói cũng phải chờ đến khi nước rút thì doanh nghiệp sẽ triển khai.

Triển khai cứu hộ

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Lào KPL đưa tin sự cố xảy ra vào lúc 20h ngày 23/7 khiến hàng trăm người mất tích và nhiều người có thể đã thiệt mạng. 5 tỷ m3 nước tràn về khu vực hạ lưu đập gây ngập nhiều bản làng và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay với hơn 1.300 hộ gia đình và 6.600 người bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân vỡ đập chưa được làm rõ. Tuy nhiên theo TTXVN, Công ty Năng lượng Xe Pian-Xe Namnoy (PNPC), đơn vị xây dựng thủy điện, cho biết đập bị vỡ do mưa lớn trong nhiều ngày. Công ty cũng khẳng định đang hợp tác với chính phủ Lào để triển khai hoạt động cứu hộ những người dân gần khu vực vỡ đập.

Khoảng 6.600 người bị ảnh hưởng trong vụ vỡ đập ngây ngập úng nghiêm trọng. Ảnh: Facebook/ Attapeu Today.

Ông Mai Khắc Tú, thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào, xác nhận với Zing.vn rằng Đại sứ quán đã tiếp nhận được thông tin vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy. Ông Tú cho biết Đại sứ quán đang tiếp tục thu thập thông tin và triển khai gấp các công việc cần thiết.

"Chúng tôi đang làm việc với các cơ quan chức năng của Lào và cơ quan đại diện của Việt Nam tại địa phương để xác minh có nạn nhân người Việt hay không. Hiện chưa có thông tin cụ thể, chính xác về thương vong của vụ tai nạn", ông Tú nói.

Thư ký của đại sứ Việt Nam tại Lào cho biết thêm một số bản chịu ảnh hưởng của vụ vỡ đập có người Việt sinh sống, nhưng không rõ số lượng.

Một công ty Việt Nam từng là nhà thầu trong dự án thủy điện. Trên website, Công ty Cổ phần Xây dựng và Nhân lực Việt Nam (CMVietnam) cho biết họ đã ký hợp đồng tổng thầu SK Engineering & Construction (Hàn Quốc), một thành phần trong liên doanh PNPC. Công ty thi công gói 9 trong dự án thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy với giá trị hợp đồng là 7,9 triệu USD, trong thời gian từ 2014 đến 2017. 

SK điều máy bay từ Thái Lan hỗ trợ

Theo TTXVN tại Seoul, thì công ty xây dựng và thiết kế SK (SK E&C) của Hàn Quốc, đơn vị tham gia thi công đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy đã lập đội xử lý khủng hoảng để phản ứng với sự cố này 

Chủ tịch SK E&C, ông Ahn Jae-hyun cùng các lãnh đạo công ty đã rời Hàn Quốc tới Lào để đánh giá mức độ thiệt hại và hỗ trợ các chiến dịch cứu hộ tại đây. Công ty này cho biết đập nhà máy thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy đang ngập chìm trong nước lũ. Một quan chức của công ty này cho biết khu vực hiện trường đã chịu ảnh hưởng của mưa lớn gấp 3 lần mức bình thường. 

SK E&C đang hỗ trợ các chiến dịch cứu nạn của Chính phủ Lào bằng cách điều trực thăng từ Thái Lan tới cứu những người bị mắc kẹt giữa dòng nước lũ. Người dân ở các khu vực lân cận đã được sơ tán. Khu vực bị ảnh hưởng nằm giữa những cánh rừng rậm rạp, nơi thông tin liên lạc không dễ dàng khiến các nỗ lực cứu hộ khó khăn hơn. 

Trong khi đó, TTXVN tại Bangkok cùng ngày cho biết Công ty Phát điện Ratchaburi đã ra thông cáo báo chí về sự cố vỡ đập tại Lào khiến nhiều người chết và mất tích, một khu vực rộng lớn chìm trong nước lũ. Công ty Phát điện Ratchaburi là doanh nghiệp Thái Lan tham gia dự án trên cùng với các đối tác Hàn Quốc và Lào và dự kiến có đến 90% sản lượng điện của dự án này sẽ được bán cho Thái Lan trong 27 năm. 

Thông cáo báo chí cho biết, tối 23/7, Đập D của dự án, rộng 8 mét, dài 770 mét, cao 16 mét có công dụng hỗ trợ chuyển nước của hồ Senamnoi, đã bị vỡ.

Nước tràn xuống khu vực hạ du và sông Xepien cách đập 5 km. Lý do đập vỡ là do mưa bão liên tục trong nhiều ngày qua, khiến lượng nước trút xuống hồ chứa quá nhiều. Hiện công tác cứu hộ và sơ tán người dân quanh khu vực bị ảnh hưởng đang được khẩn trương tiến hành. 

Theo thông cáo, dự án thủy điện này đã đạt được 90% tiến độ xây dựng và được dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào năm 2019.

Theo Zing


vỡ đập thủy điện

bầu Đức

công nhân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.