Bé gái 10 tuổi gào khóc khản cổ vì đau đớn, người mẹ khóc không dám quay lại nhìn con

Tay chị Hằng giữ chặt tay con, chị nghe tiếng con gào thét và gọi mẹ ơi, nhưng chị không dám quay lại vì chị sợ phải nhìn thấy cảnh con khóc trong đau đớn.

Tay chị Hằng giữ chặt tay con, chị nghe tiếng con gào thét và gọi mẹ ơi, nhưng chị không dám quay lại vì chị sợ phải nhìn thấy cảnh con khóc trong đau đớn.

Clip bố mẹ cùng bác sĩ trị liệu cho Bảo Thi tại Bệnh viện Nam Thăng Long.

Giành giật sự sống cho con gái mới chào đời

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi đến khoa Đông y (Bệnh viện Nam Thăng Long) nơi cháu Phù Bảo Thi (10 tuổi) đang được các bác sĩ điều trị căn bệnh bại não bẩm sinh. Ngồi bên cạnh là chị Dương Thị Hằng (SN 1974, mẹ bé Bảo Thi) đang vuốt nhẹ lên đôi chân co quắp của con, để con ngủ sâu hơn.

Suốt 10 năm qua chị Hằng không một ngày xa con. Mỗi khi Bảo Thi khóc vì đau đớn do bệnh tật, chỉ có mẹ cháu mới hiểu và biết cách để làm dịu cơn đau của con.

10 năm qua Bảo Thi chưa một lần rời xa vòng tay mẹ.

Năm 2008, khi ấy chị Hằng đã 34 tuổi, còn chồng là anh Phù Thọ Vân (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tuổi cũng đã ngoài 40 tuổi. Dù không còn trẻ, nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định sinh thêm 1 đứa con để bầu bạn khi về già.

Thời điểm biết mình có thai, cả hai vợ chồng chị Hằng vui mừng khôn xiết, tự động viên nhau cố gắng kiếm tiền, chờ đón con chào đời. “Sau 9 tháng mang thai, con gái tôi chào đời. Khi đó vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt và đặt tên con là Bảo Thi. Nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu thì bệnh tật bắt đầu ập đến khi con mới được 1,5 tháng tuổi”, chị Hằng nghẹn ngào kể lại.

Chị Hằng vẫn còn nhớ cái ngày định mệnh ấy, khi Bảo Thi bú sữa mẹ thì bỗng nhiên mắt trợn ngược, người sốt và co giật liên tục. Lúc đó, chị Hằng cùng chồng đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

Tiếng khóc xé lòng của Bảo Thi mỗi khi thực hiện thủ thuật.

“Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, tôi chết lặng khi bác sĩ thông báo kết quả với gia đình: Bảo Thi bị bại não bẩm sinh. Lúc đó tôi cố gắng gượng để hỏi bác sĩ xem có cách nào chữa khỏi bệnh cho con, nhưng chưa kịp trả lời, bác sĩ đã vội đẩy con tôi vào phòng phẫu thuật”, chị Hằng vừa khóc vừa nói.

Ca phẫu thuật lấy máu tụ trong não Bảo Thi được thực hiện, khi đó con chưa tròn 2 tháng tuổi. Cũng sau ca phẫu thuật đó, con gái chị Hằng rơi vào tình trạng hôn mê và sống nhờ máy móc.

“Cả cuộc đời này tôi chẳng thể nào quên được 20 ngày con gái nằm trong phòng hồi sức, với đủ các loại dây truyền và máy móc bên cạnh. Quả thực khi đó chúng tôi chỉ sợ con gái sẽ ngủ mãi mãi, không tỉnh dậy nữa”, mẹ Bảo Thi vừa nói vừa nhìn đứa con bé bỏng ngủ trên giường bệnh.

Ngoài ghép tế bào gốc, Bảo Thi cần phải điều trị vật lý trị liệu.

May mắn đã mỉm cười với gia đình chị Hằng. Sau 20 ngày hôn mê Bảo Thi đã dần hồi tỉnh, nhưng thể trạng thì kiệt quệ hoàn toàn. Vài tháng sau khi được các bác sĩ tích cực chăm sóc, điều trị Bảo Thi đã xuất viện, nhưng những di chứng của căn bệnh bại não vẫn chưa buông tha bé gái tội nghiệp này.

Tiếng khóc xé lòng và tiếng gọi mẹ ơi… không tròn trịa

Bảo Thi ra viện, hai vợ chồng chị Hằng đã dốc toàn lực để chăm sóc cho con. Nhưng bệnh tật khiến chân tay con co quắp, không thể nói được như những đứa trẻ bình thường.

Mỗi khi thấy những đứa trẻ cùng tuổi với Bảo Thi chạy nhảy, vui cười chị Hằng vừa thấy chạnh lòng, vừa thấy thương con gái. Nhưng kinh tế kiệt quệ, chị chẳng thể làm gì, kể cả việc đưa con đi viện.

Chị Hằng giữ chặt tay con, động viên con cố gắng điều trị.

Đầu năm 2017, may mắn một lần nữa đã mỉm cười với gia đình chị Hằng. Một bệnh viện tại Hà Nội đã hỗ trợ miễn phí để ghép tế báo gốc cho Bảo Thi, từ đó sẽ có cơ hội phục hồi những di chứng của căn bệnh bại não.

Tính đến nay, đã 2 lần Bảo Thi được ghép tế bào gốc. Tình trạng của con cũng đã cải thiện hơn và hàng ngày Bảo Thi được các bác sĩ điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu (xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu).

“Giờ đây mong muốn lớn nhất của gia đình tôi là Bảo Thi được điều trị, chỉ cần con có thể đi lại, giao tiếp được là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi”, chị Hằng hy vọng.

Mỗi khi con gào khóc hai vợ chồng chị Hằng chẳng dám nhìn vào mặt con.

Ngồi trong phòng điều trị tại Bệnh viện Nam Thăng Long, mỗi khi bác sĩ vật lý trị liệu thực hiện các thao tác cho con mình, chị Hằng giúp bác sĩ gì chặt tay con xuống giường. Còn chồng chị cố gắng giữ chặt đầu, dùng khẩu trang bịt miệng để con không cắn vào lưỡi.

“Lần nào cũng vậy, mỗi khi bác sĩ trị liệu là con lại gào thét đến khản cổ vì đau đớn. Trong tiếng thét, con cố gọi “mẹ ơi” nhưng tiếng con chẳng tròn vành, rõ chữ. Chứng kiến cảnh con vật vã trong đau đớn, cắn nát cả môi… tôi không thể cầm lòng. Lúc đó, tôi không dám nhìn vào mặt con, tay giữ con nhưng mặt phải quay ra chỗ khác”, chị Hằng nói mà giọt nước mắt cứ lăn dài.

Nói về tình trạng của Bảo Thi, BS Nguyễn Văn Phúc (khoa Đông Y – BV Nam Thăng Long) cho biết, đến nay sau 20 ngày điều trị, các chức năng của cháu có tiến triển rõ rệt, mặc dù tổn thương ban đầu của bé Bảo Thi khá nặng. “Nếu bé được cấy 2-3 lần tế bào gốc nữa thì số lượng tế bào gốc mới đủ để phục hồi những tổn thương”, BS Phúc cho hay.

Mọi sự giúp đỡ gia đình bé Bảo Thi xin liên hệ:

Chị Dương Thị Hằng – điện thoại: 098.526.7776

Tài khoản ngân hàng: Ngân hàng BIDV – chi nhánh Đông Hà Nội – Hà Nội: STK:2141.000.2643.506

Hoặc Khoa Đông Y – BV Nam Thăng Long – Hà Nội.

Theo Khám phá


bại não


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.