Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Một tháng nay, đêm đến là nỗi ám ảnh của bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà khi đến phòng Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM)

Một tháng nay, đêm đến là nỗi ám ảnh của bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà khi đến phòng Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Chỉ 8 người trong kíp trực, nhưng các bác sĩ, y tá, điều dưỡng phải lo cho hàng trăm bệnh nhi.

Đêm ở bệnh viện Nhi Đồng 1 trong ngày dịch tay chân miệng bùng phát Dịch tay chân miệng, sởi bùng phát mạnh khiến khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), luôn trong tình trạng quá tải, 2-3 bệnh nhi nằm cùng một giường.

Những em bé bị trói trong phòng cấp cứu

21h đêm, một người đàn bà đôi mắt đỏ hoe, đầu tóc rũ rượi ôm con chạy vào phòng Cấp cứu, Khoa Nhiễm - Thần Kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM). Chị kể cháu bị sốt cao liên tục từ trưa đến chiều, các phòng khám tư đều từ chối điều trị. Người mẹ này một mình ôm con đi xe ôm từ quận 12 lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Trong lúc bác sĩ đang cấp cứu cho con, đôi mắt người phụ nữ ấy dáo dác nhìn xung quanh. Khuôn mặt chị thất thần, rồi bật khóc: “Thấy con người ta bị trói tay trói chân tôi sợ quá. Nghĩ đến cảnh con mình cũng bị vậy, tôi không biết phải làm sao”.

Sau khi thăm khám, đo nhịp tim, bác sĩ thông báo con chị phải ở lại phòng cấp cứu theo dõi. Bồng con trên tay, tiếng người phụ nữ gọi về gia đình hòa lẫn trong tiếng khóc nức nở.

Hơn 10 phút sau, một người mẹ khác lại hớt hải bế con chạy vào phòng cấp cứu. “Bác sĩ, bác sĩ ơi làm ơn cứu con em với. Cháu co giật liên tục hơn 4 tiếng rồi".

“Chị đặt bé xuống, không sao đâu, chị ra ngoài để chúng tôi cấp cứu bé nào”, một bác sĩ lên tiếng.

Nhưng người mẹ ấy vẫn chưa hết hốt hoảng, bác sĩ phải lặp lại yêu cầu này lần nữa, chị mới chịu ra ngoài, bàn tay che mặt cố giấu đi những giọt nước mắt lăn dài.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-1Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-2Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-3

"Thấy bạn của nó bị trước rồi, nhưng không ngờ cũng tới lúc con mình bị luôn", người phụ nữ nức nở khi gọi điện thoại về cho gia đình báo con trai bị mắc bệnh tay chân miệng. Các em nằm điều trị tại bệnh viện phải bị trói tay, chân lại để phòng các biến chứng co giật, hoặc ngăn không cho các em lăn khỏi giường bệnh.

Suốt vài tuần nay, đó là những cảnh tượng quen thuộc diễn ra tại phòng Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần Kinh, cả đêm lẫn ngày. Căn phòng rộng gần 100 m2 đang điều trị cho gần 30 trẻ em bệnh nặng. Trong đó, đa số là bệnh nhi mắc chân tay miệng ở độ III, IV. Tại đây, các bé phải thở máy, theo dõi liên tục. Bác sĩ phải dùng dây cột tay chân bệnh nhi vào thành giường để giữ các bé nằm yên, tránh co giật.  

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-4Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-5Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-6

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-7Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-8

Gần 23h, một em bé được mẹ ẵm vào phòng cấp cứu trong tình trạng co giật liên tục, sốt cao. Chị rất lo lắng về bệnh tình của con trai. Phải đến khi bác sĩ ngồi lại giải thích cụ thể bệnh tình cháu bé không ở mức độ nặng, người phụ nữ này mới bình tĩnh trở lại.

Ở một góc phòng, do lượng bệnh nhân quá đông, hai bệnh nhi được xếp nằm cùng một giường. Một người cha than thở: “Con tôi bị lây tay chân miệng từ một bé khác trong cùng khu nhà trọ ở Cần Thơ. Tháng trước cháu từng bị tay chân miệng, đã được trị khỏi giờ bị lại, bệnh phát nặng hơn nên phải chuyển vào đây. Hai vợ chồng cùng làm công nhân phải bỏ hết việc lên chăm cháu hơn một tuần nay”.

Từ khi vào viện, đêm nào con cũng không chịu ngủ vì khó chịu trong người lại thêm không gian ồn ào. Giải pháp duy nhất của gia đình này là phải cho con xem điện thoại liên tục để không quấy khóc.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-9Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-10

Dịch sởi “tát nước theo mưa”

Cuối phòng cấp cứu khoa Nhiễm - Thần kinh là một gian phòng cách ly nhỏ, hai bệnh nhi bị bệnh sởi nằm chung một giường đang phải thở máy và theo dõi nhịp tim tích cực.

Bà Trần Thị Hoa (70 tuổi) từ Quảng Bình vào phụ con dâu chăm cháu đã hơn một tuần nay. Bà cho hay cháu vào đây chữa viêm phổi thì bị lây bệnh sởi và phải nằm viện đến giờ.

Ngồi đối diện bà Hoa, chị Nguyễn Thị Bích (41 tuổi) thở dài: “Đáng lẽ hôm sau cháu đã xuất viện, nhưng tự nhiên phát ban đỏ, sốt, bác sĩ nói cháu bị lây sởi nên lại phải nằm lại điều trị. Tôi xa nhà đã hơn một tháng nay, 15 triệu đồng mượn bà con dưới quê để điều trị cho cháu gần hết mà bé vẫn chưa khỏe lại”.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-11Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-12Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-13

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết khi các bác sĩ đang gồng mình chống dịch tay chân miệng thì dịch sởi cũng “tát nước theo mưa”. Tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa còn sởi lây qua đường hô hấp. Nếu không kịp thời xử trí và cách ly tốt, nguy cơ lây lan của hai bệnh rất cao. Hai bệnh này không thể nằm chung phòng. Bệnh sởi phải nằm ở khu cách ly riêng, còn tay chân miệng cũng phải theo dõi và điều trị liên tục.

“8 người chăm sóc hơn 200 người”

22h đêm, phòng cấp cứu khoa Nhiễm - Thần kinh vẫn sáng đèn, kíp trực của bác sĩ Phạm Ngọc Tường Vi vẫn miệt mài khám bệnh, phụ huynh vẫn ẵm con chờ đến lượt khám. Tiếng trẻ con khóc vang xa từ hành lang đến khắp các dãy nhà.

Mùa dịch chân tay miệng chỉ mới bắt đầu, dự kiến còn kéo dài đến hết tháng 11. Chính vì vậy, để đẩy lùi dịch bệnh, bệnh viện đã yêu cầu tất cả bác sĩ, điều dưỡng không được nghỉ phép trong thời gian này.  Một đêm trực có 2 bác sĩ, 5 điều dưỡng và một hộ lý phải chăm sóc, điều trị cho hơn 230 bệnh nhi tay chân miệng, trong đó có khoảng 30 trẻ phải nằm trong phòng cấp cứu.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-14Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-15Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-16

Giữa căn phòng ngăn cách khu cấp cứu và khu hành chính khoa, có một gian phòng nhỏ để đồ ăn của kíp trực. Trên bàn là bịch bánh giầy nguội ngắt, có miếng còn ăn dở. Vừa xử lý tập hồ sơ bệnh án cao ngất ngưỡng, một điều dưỡng vừa húp vội tô mì. Từ 15h chiều giao ca đến giờ, chị chưa kịp lót dạ. Bác sĩ Tường Vi, chốc chốc lại vào húp một ngụm cà phê pha sẵn để tiếp thêm “doping” cho ca trực kéo dài đến 7h sáng hôm sau.

Chưa được nghỉ 5 phút, bác sĩ lại thấy phụ huynh bế con vào phòng cấp cứu. Họ thay phiên nhau cầm đèn pin soi từng vết mẩn, mụn nước nổi ở tay, chân, và miệng từng bé.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-17Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-18Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-19

Hơn 23h, các em nhỏ có triệu chứng mắc bệnh tay chân miệng vẫn không ngừng được phụ huynh đưa tới phòng cấp cứu khoa Nhiễm - Thần kinh. Bác sĩ sẽ thăm khám tay, chân và miệng của các em để chẩn đoán mức độ bệnh.

Nhiều em ở miền Tây bệnh nhẹ, song vì quá lo lắng cha mẹ vẫn đưa con vượt hàng trăm cây số khăng khăng xin nhập viện. Bác sĩ vừa phải giải thích vừa an ủi để cha mẹ yên tâm cho bé điều trị ngoại trú theo như phác đồ.

“Nhiều mụn nước ở tay, chân, miệng không chứng tỏ mức độ bé bệnh nặng. Tôi khẳng định bé chỉ mức độ I, mà ở mức độ I không có nghĩa diễn tiến nặng lên mức độ IV. Tôi sẽ cho thuốc và ở nhà chị theo dõi những dấu hiệu theo phác đồ này nhé. Nếu có những dấu hiệu phát sinh như tờ giấy tôi đưa thì chị nên đưa con quay lại. Hiện, mỗi giường đã có 3 bé nằm, nhập viện bây giờ dễ bị nặng hơn”, bác sĩ Tường Vi căn dặn mẹ của bệnh nhi.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-20Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-21

Đồng hồ điểm 0h, kíp trực của bác sĩ Phạm Ngọc Tường Vi vẫn làm việc căng thẳng, chen chúc trong căn phòng chật hẹp với hàng trăm bệnh nhi đang xếp hàng chờ khám và cấp cứu. May thay, ca trực đêm nay có thêm 4 sinh viên y khoa thực tập hỗ trợ khám, sàng lọc, phân loại đã phần nào chia lửa với các bác sĩ. Người khám, người hỏi, người viết, người đánh máy,… tất cả phối hợp nhịp nhàng như một hệ thống. Chẳng ai kịp nói, kịp ăn một bữa đầy đủ, không khí càng về đêm càng thêm căng thẳng.

Đêm tối ở bệnh viện, không khí cũng không dễ chịu hơn là mấy. Hơi nóng bốc lên kèm theo mùi thuốc, nước khử trùng pha lẫn mùi mồ hôi và cả mùi nước tiểu trẻ con khiến phòng khám không lúc nào hết ngột ngạt.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-22Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-23

Ăn ngủ vật vạ như cảnh màn trời chiếu đất

Những ngày này, lượng bệnh nhi đổ về khoa Nhiễm - Thần kinh, tăng lên gấp 5 lần so với tháng trước. Căn phòng chật chội trên khoa không thể nào gánh nổi 230 bệnh nhi trong đợt cao điểm. Bệnh viện đã nhanh trí cải tạo nhà ăn thành một phòng bệnh, kê thêm 50 giường giảm tải cũng như cách ly bệnh sởi và tay chân miệng.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-24Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-25Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-26Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-27

Nhà ăn của bệnh viện, trước đây, được cải tạo thành phòng bệnh, kê thêm 50 giường để giảm tải cho các phòng bệnh tay chân miệng.

Tại phòng cấp cứu, phụ huynh kiệt sức phải tựa vào thành giường ngủ thiếp đi. Còn ở phòng bệnh bất đắc dĩ cải tạo từ nhà ăn, người chăm bệnh nhi tranh thủ lúc bé ngủ trải thêm chiếu dưới gầm giường ngả lưng xả hơi.

Nhiều người không chịu nổi căn phòng chật chội, nóng nực đã đưa con ra hành lang, cầu thang trải manh chiếu mỏng ngủ tạm dưới nền gạch lạnh lẽo. Mọi chỗ trống đều được tận dụng để làm chỗ nghỉ cho bệnh nhi và thân nhân.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-28Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-29Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-30Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-31Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-32Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-33

Hành lang, lối ra vào thang máy... tất cả chỗ trống đều được phụ huynh tận dụng để trải chiếu cho bệnh nhi nằm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: “Thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11 là mùa của bệnh sởi và tay chân miệng bùng phát. So với năm 2011 đến nay, số bệnh nhân ở mức trung bình. Song, khoảng 2 tuần cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bệnh nhi mắc tay chân miệng và sởi đột ngột tăng mạnh. Đây là thời điểm bắt đầu mùa dịch, nên số trẻ nhập viện dự kiến sẽ còn tăng”.

Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-34Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-35Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-36Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-37Bệnh viện Nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch-38

Tiếng khóc trẻ con không ngừng từ phòng cấp cứu vang đến khắp hành lang khiến lâu nay bệnh viện chưa từng được một đêm yên tĩnh.

Theo Zing


dịch bệnh

bệnh chân tay miệng

bệnh viện Nhi

bệnh nhi

bệnh sởi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.