Bố mẹ ôm chầm lấy con trai khóc nức nở sau 40 năm "bặt vô âm tín"

Sau 40 năm bặt vô âm tín và 26 năm có giấy báo tử, “liệt sĩ” Ngô An Dương bất ngờ trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân và gia đình

Sau 40 năm bặt vô âm tín và 26 năm có giấy báo tử, “liệt sĩ” Ngô An Dương bất ngờ trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân và gia đình. Tất cả như một giấc mơ không có thực.

Mấy ngày nay, ngôi nhà nhỏ của cụ Ngô An Ninh (SN 1930, trú tại Tổ dân phố 5, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vui như Tết bởi người con đầu của cụ là "liệt sĩ" Ngô An Dương (SN 1958) trở về.

"Lúc Dương bước chân vào nhà, tôi còn không dám tin là thật. Tôi chạy ra ôm lấy con, sờ nắm khắp người, rồi hai bố con ôm nhau khóc. Cuối cùng, trước khi tôi về với tổ tiên cũng được gặp con lần cuối", cụ Ninh xúc động nói.

Bố mẹ ôm chầm lấy con trai khóc nức nở sau 40 năm bặt vô âm tín-1

Rất đông người dân tới chia vui cùng gia đình

Vẫn không giấu được niềm vui sướng, "liệt sĩ" Ngô An Dương hân hoan khi sống trong vòng tay gia đình. Điều ông mừng nhất là trở về khi cả bố và mẹ vẫn còn.

Ông Dương kể, năm 20 tuổi, ông nhập ngũ thuộc Đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, đóng quân tại tỉnh An Giang. Năm 1979, ông chiến đấu tại chiến trường Udongcongdungpu, Campuchia. Tại đây, trong một chiến dịch ông bị trúng đạn, từ đó lạc mất đơn vị.

Bố mẹ ôm chầm lấy con trai khóc nức nở sau 40 năm bặt vô âm tín-2

Ông Dương cùng vợ trở về sau 26 năm "liệt sĩ"

"Tôi bị thương ở đầu, rồi được người dân chăm sóc. Khi tỉnh lại thì đơn vị đã di chuyển nơi khác. Thời điểm này tôi cũng mất trí nhớ, không biết gia đình ở đâu nữa", ông Dương kể.

Trong quá trình lưu lạc ở xứ người, ông gặp một phụ nữ làm nghề nông người Campuchia cưu mang, giúp đỡ. Hai người sau đó nảy sinh tình cảm và năm 1990 chung sống với nhau cho đến nay. Hiện ông bà có 3 con, 2 trai 1 gái.

Về phía gia đình, do chiến tranh nên mọi người không có cách nào biết ông Dương đang ở đâu. Đến năm 1993, mọi người bàng hoàng nhận được tin báo tử từ đơn vị của ông Dương. Sau đó, ông Dương được truy tặng "liệt sĩ" và được lập bàn thờ.

Bố mẹ ôm chầm lấy con trai khóc nức nở sau 40 năm bặt vô âm tín-3

Giấy báo tử của ông Dương

"Sống ở Campuchia, tôi cùng vợ làm ruộng nên cũng khá vất vả. Những vết thương chiến tranh khiến tôi đau đớn khi trái gió trở trời. Cho đến cách đây 3 năm, tôi được một tổ chức từ thiện Hàn Quốc điều trị, từ đó sức khỏe khá dần và cũng dần phục hồi trí nhớ", ông Dương kể.

Sau một thời gian dài điều trị, ông Dương nhớ lại mình là ai, nhớ được bố mẹ, còn nhớ được nhà mình ở thị trấn Xuân An. Tuy nhiên, do trí nhớ còn mơ hồ nên ông vẫn chưa trở về quê cũ.

Cho đến cuối năm 2018, ông Dương gặp một người đàn ông quê Nghệ An sang Campuchia để kinh doanh làm ăn. Lúc này, ông Dương đã viết một bức thư tay nhờ người này trở về đưa cho chính quyền địa phương để tìm hiểu thân nhân của mình.

Bố mẹ ôm chầm lấy con trai khóc nức nở sau 40 năm bặt vô âm tín-4

Vết thương ở đầu khiến ông mất toàn bộ trí nhớ một thời gian dài

Cụ Ngô An Ninh kể: "Cách đây hơn 1 tháng, có một cán bộ vào nhà và hỏi về con trai của tôi. Tôi có 8 người con nhưng chỉ có Dương nhập ngũ. Sau đó, nhìn những dòng chữ con gửi về thì tôi mới biết rằng Dương còn sống".

Dựa theo số điện thoại, hai bên liên lạc với nhau. Đến ngày 27/2, ông Dương cùng người vợ Campuchia của mình trở về trong niềm vui khôn xiết của tất cả mọi người.

Bố mẹ ôm chầm lấy con trai khóc nức nở sau 40 năm bặt vô âm tín-5

Ông Dương thắp hương cảm tạ tổ tiên đã phù hộ

"Do giấy tờ của tôi chỉ lưu trú được 1 tháng, nên hiện tôi đang làm lại các giấy tờ tùy thân, sau đó sẽ trở về Campuchia. Thời gian tới, tôi sẽ đưa các con trở về nhận họ hàng", ông Dương nói về dự định sắp tới.

Liên quan đến vụ việc, ông Đậu Thị Hồng, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân cho biết: "Trường hợp anh Ngô An Dương trở về, huyện Nghi Xuân tới đây sẽ có công văn gửi Bộ CHQS tỉnh và Sở LĐ-TB&XH để đối chiếu, xem xét và giải quyết theo trình tự quy định".

Theo Tổ Quốc


giấy báo tử

liệt sỹ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.