Chuyện về những người 'điên' trong hành trình thu nhặt xác thai nhi

Một ngày thu tháng 11, hơn 400 đứa trẻ bé bỏng bị bỏ rơi được Câu lạc bộ Sẻ Chia Sự Sống Hà Nội đưa về ngôi nhà mới cùng nhau, nhưng là “ngôi nhà ở thiên đường”

10h sáng, chiếc ô tô 16 chỗ bắt đầu lăn bánh từ Hà Nội, không ai nói với ai câu nào về những bọc đen kín trên xe, nhưng đều ngầm hiểu: "Hãy để những đứa trẻ ngủ yên".

Ngôi nhà của những thiên thần

Tháng nào cũng vậy, lái xe của những chuyến đi “bí mật” thế này không hề biết mình đang chở gì trên xe, ngoài những người như chúng tôi. Một ngày thu tháng 11, hơn 400 đứa trẻ bé bỏng bị bỏ rơi được Câu lạc bộ Sẻ Chia Sự Sống Hà Nội đưa về ngôi nhà mới cùng nhau, nhưng là “ngôi nhà ở thiên đường”.

Chúng đều chưa biết mình tên họ là gì, thậm chí bố mẹ là ai, bởi người ta nhặt chúng từ những chiếc hộp, túi nilon, thậm chí còn lẫn với rác thải ở phòng khám, cơ sở có dịch vụ nạo, phá thai tại thủ đô.

Các em được mặc quần áo mới, được mọi người yêu thương, đặt tên là Bình An, An Bình, An Nhiên, … như một niềm vui nho nhỏ, đánh dấu sự sống ngắn ngủi của mình trên cõi đời này.

Chuyện về những người điên trong hành trình thu nhặt xác thai nhi-1

Dù mưa gió nhưng các tình nguyện viên vẫn tiếp tục công việc của mình.

Anh Lê Thành Trung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sẻ chia sự sống Hà Nội cho biết, lễ an táng của những thai nhi kém may mắn mỗi tháng diễn ra một lần, đều đặn trong 2 năm nay. Trong những tháng cuối năm này, số lượng thai nhi mà câu lạc bộ tiếp nhận tăng rất nhiều so với những tháng bình thường.

Cuốn “sổ Nam Tào” ghi chép thông tin những hài nhi xấu số mỗi ngày của các thành viên tình nguyện đang dày lên, dù họ mới chỉ thu gom được với số lượng phòng khám đếm trên đầu ngón tay trong hàng trăm cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Hà Nội. Nỗi lo lắng thiếu nghĩa trang chôn cất những đứa trẻ tội nghiệp luôn thường trực trong họ.

Chuyện những người “điên” …

“To hay bé ?”, “Cả to cả bé anh ơi, mùa mà, hôm nay nhặt được 9 em rồi” là những câu quá quen thuộc trong hành trình nhặt xác thai nhi mỗi ngày của những người “điên” 3 năm nay. Họ là những cô cậu sinh viên mới 19, 20 tuổi của Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội. 

Ngày nào cũng vậy, không kể nắng mưa, từ 17h chiều, giờ tan tầm ác mộng của Hà Nội với còi xe, tắc đường, các em lặng lẽ đến hàng loạt phòng khám, bãi rác tìm thi hài của những em bé xấu số.

Các em chở nhau khắp các con phố để nhặt xác thai nhi, từ Đê La Thành, Giải Phóng, Phùng Hưng… những cái tên phố đã trở thành nỗi day dứt suốt đời với không ít bà mẹ, những cô gái lầm lỡ.

Câu hỏi vì sao lại làm thế trở nên thật vô duyên và ngớ ngẩn đối với những người ai cũng mặc định bị điên.

Chuyện về những người điên trong hành trình thu nhặt xác thai nhi-2

Tình nguyện viên đang bới từng túi rác tìm những hài nhi xấu số.

"Hơn 2 năm, em gắn bó với công việc như một kẻ điên, quen thuộc đến nỗi mất đi cảm giác sợ hãi cái chết. Những bạn ở trong câu lạc bộ như em đều tự cảm thấy trách nhiệm của mình, nên nếu đi chơi chỉ chọn trong bán kính xa nhất 50 km để về trong ngày còn tiếp tục việc của mình”, một thành viên của nhóm nói.

Thay vì đi làm thêm, uống trà sữa, đi chơi sau thời gian trên giảng đường như các sinh viên bình thường, những bạn trẻ này lại chọn làm việc mà nhiều người mới nghe tới đã ghê sợ. Ngày nào họ cũng chia địa bàn hoạt động, tập kết về một ngã tư đông đúc tại Hà Nội rồi mang về căn nhà "bí mật" để bảo quản.

Đó chỉ là một trong những công việc mà nhóm những người “điên” hàng ngày vẫn làm. Họ luôn mong có thể làm gì đó để thay đổi tình trạng số lượng người trẻ nạo, phá thai không có dấu hiệu ngừng lại.

Chuyện về những người điên trong hành trình thu nhặt xác thai nhi-3

 Cuốn sổ Nam Tào của Câu lạc bộ ngày càng dày hơn mỗi ngày.

Đó cũng là lý do vì sao anh Trung, chủ nhiệm câu lạc bộ lúc nào cũng “dính chặt” điện thoại và cục pin dự phòng. Anh sẵn sàng nhận những cuộc gọi dù nửa đêm hay sáng sớm để “cứu” những đứa trẻ - sản phẩm lầm lỡ mà biết bao cô gái, bà mẹ không bao giờ muốn nhớ trong đời.

Sự sống của những đứa trẻ ấy chỉ mấp mé trong vài giây “nhắm mắt” quyết định của mẹ. Thật may mắn bởi đứa trẻ ấy được cướp về từ tay thần chết và được những ông bố, bà mẹ trong “Ngôi nhà chung” nuôi dưỡng.

Ở nơi đó, một sự sống mới bắt đầu …

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Ước tính cứ 4 ca thì có 1 ca là phá thai không an toàn. Mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức… , trong đó 70% là ở tuổi vị thành niên.

 

Theo VTC News


xác thai nhi

bị bỏ rơi

tình nguyện viên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.