'Cô gái Sọ Dừa' mang hình hài trẻ 4 tuổi: Người mẹ vẫn chờ đợi, con cứ mãi ngây ngô

"Tôi dạy nó không biết bao lần mình là người sinh ra nó, phải gọi bằng mẹ xưng con chứ không được gọi bà – cháu. Vậy mà, nó lúc nhớ lúc quên” - bà Xiêm tâm sự.

"Tôi dạy nó không biết bao lần mình là người sinh ra nó, phải gọi bằng mẹ xưng con chứ không được gọi bà – cháu. Vậy mà, nó lúc nhớ lúc quên” - bà Xiêm tâm sự.

Chiều muộn, chúng tôi tìm đến nơi ở của hai mẹ con bà Đặng Thị Xiêm (Ân Thi, Hưng Yên) – người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ vì…sinh 4 đứa con gái. Vừa dừng xe trước cổng, bé gái chừng 4 tuổi với gương mặt bầu bĩnh, nhiều nếp nhăn cùng chiếc bụng phình to chạy ra lễ phép: “Cô hỏi bà cháu phải không?”.

Chúng tôi nhận ra đây là chị Thảo – cô con gái thứ 3 ngoài 30 tuổi nhưng không chịu lớn của bà Xiêm. Mọi cử chỉ, hành động của chị giống như một bé gái chậm phát triển trí não.

Chị Thảo – cô con gái đã ngoài 30 tuổi nhưng không chịu lớn 

“Con bé mãi mãi là đứa trẻ không trưởng thành…”

Bà Xiêm kể chị Thảo chào đời khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Khi 8 tháng tuổi, bà thấy con gái có biểu hiện khác thường như biếng ăn, đêm quấy khóc nên đã đưa đến trạm y tế xã khám. Y tá chẩn đoán chị bị táo bón và cho thuốc về uống.

“2 tháng sau, tôi thấy con bé càng ngày càng còi, không chịu tập lẫy tập bò. Tôi xót ruột bế con xuống Trung tâm Y tế huyện kiểm tra. Các bác sĩ bảo nó bị suy dinh dưỡng cấp độ 3 rồi kê vài gói thuốc. Hồi đó tôi nghèo khó lại hiểu biết ít nên không đưa con lên bệnh viện tuyến trung ương thăm khám lại, tự cho uống thuốc ở nhà”, bà Xiêm nhớ lại.

Bẵng thời gian, người mẹ ấy mải buôn bán ngược xuôi đã quên đi chuyện cô con gái nhỏ mắc bệnh suy dinh dưỡng. Chỉ đến khi con 3 tuổi, bà Xiêm bất ngờ nhận ra không lớn hơn ngày 12 tháng tuổi là bao mới bắt đầu lo lắng. Tuy nhiên phần vì chị Thảo chẳng ốm đau bệnh tật, phần quá nghèo đói do đó bà đành cắn răng chấp nhận con gái không giống người bình thường.

Bức ảnh gia đình của 5 mẹ con bà Xiêm ngày Thảo 15 tuổi nhưng chỉ như đứa trẻ lên 2

Bà tâm sự: “Ngày đó, cả huyện không có ai giống con bé nên người ta xa lánh kỳ thị lắm. Họ gọi nó là “Sọ dừa” bởi không biết nói biết chạy, chỉ ăn và lăn nhanh. Chồng tôi cũng vì chuyện đó mà đi xứ biền biệt, mặc đàn con thơ nheo nhóc”.

Chồng bỏ đi, bà Xiêm cố gắng làm lụng nuôi dưỡng các con lớn khôn. Đặc biệt bà luôn khao khát có một phép màu diệu kỳ giúp chị Thảo có thể cất hai tiếng: “Mẹ ơi!” và cao thêm vài centimet.

Chị Thảo lên 10 tuổi bỗng nhiên biết ngồi và chập chững những bước đi đầu đời. Chị còn bập bẹ học nói dù không rõ lời. “Hôm đó, tôi hạnh phúc vô cùng. Sau tất cả, con gái tôi đã giống một con người, có thể đi đứng và nói chuyện. Tôi cũng hi vọng nó nhận thức được mọi thứ xung quanh như đứa trẻ lên 5-6. Tôi chờ đợi… chờ đợi và nó vẫn ngây thơ khờ khạo, mãi là đứa trẻ không trưởng thành”, bà Xiêm buồn rầu.

Cuộc sống an yên của hai mẹ con cô gái “tí hon”

10…15…20 năm trôi qua, bà Xiêm ngày một già yếu, mái tóc đã xuất hiện những sợi bạc trắng nhưng chị Thảo vẫn vậy! Bà bảo từng ấy năm chị mới chỉ lớn và phát triển bằng đứa trẻ 4 tuổi. Bà nói: “Giờ ai hỏi bao nhiêu tuổi, nó đều trả lời “cháu lên 4” rồi cười ngây ngô. Lúc nào, nó cũng xưng cháu với tất cả mọi người, kể cả với những đứa thua nó mấy chục tuổi.

Người Thảo yêu thương nhất cuộc đời này chính là mẹ - người phụ nữ cả đời tần tảo vì chị

Tôi dạy nó không biết bao lần mình là người sinh ra nó, phải gọi bằng mẹ xưng con chứ không được gọi bà – cháu. Vậy mà, nó lúc nhớ lúc quên”.

Dù mang hình hài của người “tí hon” nhưng chị Thảo rất ít ốm đau, không bao giờ phải đi bệnh viện. Do vậy, bà Xiêm vẫn chưa biết con gái mắc bệnh gì? vì sao lại không thể phát triển bình thường?.

“Người ta bảo y học đã phát triển, tôi nên đưa con ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe nhưng nó có ốm đau gì đâu? Với lại tôi nghĩ giờ có thăm khám thì cũng vậy, chi bằng để dành tiền mua hộp sữa cái bánh cho con.

Đôi lúc, nó khó chịu trong người lên cơn nóng rồi đập phá đồ đạc hoặc đánh đuổi tôi. Khi ấy tôi chỉ biết căn răng chịu đựng, vỗ về con để nguôi đi cơn nóng. Tôi biết nó như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thần kinh”, bà cho biết.

Cô gái "tí hon" đưa đôi bàn tay quệt mồ hôi sau khi quét sân

Mọi sinh hoạt trong cuộc sống của chị Thảo đều dựa vào người mẹ già. Bà Xiêm cho biết dù giờ chị đã cao lớn hơn, từng bước đi vững vàng,…nhưng chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân, cơm nước vẫn cần có bà trợ giúp. “Hôm hứng lên, nó đòi tự tắm hoặc cầm chổi quét sân vài ba cái rồi bỏ dở. Có lẽ, nó chỉ yêu thích công việc nhổ tóc sâu cho tôi”, bà cười.

Nghe mẹ nói vậy, chị Thảo liền bắt chuyện để khoe với chúng tôi: “Cháu là Thảo. Cháu lên 4 tuổi. Cháu thích nhổ tóc sâu cho mẹ lắm”.

Hiện tại, cuộc sống của hai mẹ con chị Thảo sống nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi từ nhà nước. Dẫu vậy họ chưa bao giờ than trách số phận bất công hoặc tại sao cuộc đời lại éo le. Từng ngày…từng ngày người mẹ ấy vẫn tần tảo chăm sóc đứa con gái “tí hon”.

“3 đứa con gái tôi lấy chồng xa lại không có điều kiện nên tôi chỉ mong chúng được khỏe mạnh, hạnh phúc. Tôi bảo với chúng các con không phải lo cho mẹ và em. Chừng nào tôi còn sống sẽ còn chăm sóc được cho con bé…Cuộc sống của mẹ con tôi đơn giản lắm, chỉ cần ngày 3 bữa cơm no cho cái Thảo là an yên lắm rồi”.

Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ chị Nguyễn Thị Thoan (con gái thứ 2 của bà Xiêm), số điện thoại 0979 829 741.

Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank:1021000006638. Chủ tài khoản Nguyễn Thị Thoan, chi nhánh Ân Thi, Hưng Yên.

 

Theo Khám phá


chậm phát triển trí não

câu chuyện cảm động

nuôi mãi không lớn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.