Bi kịch của cô giáo mầm non xúi đồng nghiệp ném mìn vào nhà hàng xóm

Theo lời nữ phạm nhân tuổi ngoài 60 này thì việc xúi ông Minh ném mìn vào nhà ông Trung chỉ là câu nói "buột miệng" trong lúc nóng giận. ..

Theo lời nữ phạm nhân tuổi ngoài 60 này thì việc xúi ông Minh ném mìn vào nhà ông Trung chỉ là câu nói "buột miệng" trong lúc nóng giận. ..

Cái tin con gái mắc bệnh hiểm nghèo đúng lúc nhận được giấy báo trúng tuyển đại học đã khiến Nguyễn Thị Lập, SN 1957 ở Minh Trí, Sóc Sơn (TP Hà Nội) suy sụp. Lập bảo số bị "trời hành" nên chồng mới chết vì bệnh tật, giờ lại tiếp tục đến con gái út.

Bế tắc đã khiến Lập òa khóc khi chia sẻ với chúng tôi về chuyện gia đình. Tiếng khóc thổn thức của người đàn bà không còn trẻ, mái tóc ngả màu khói cứ nghẹn nơi cuống họng, nghe sao thật tội. Lập chính là cô hiệu trưởng trường mầm non, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân đã xúi đồng nghiệp ném mìn vào nhà hàng xóm, gây xôn xao dư luận ngày nào.

Theo hồ sơ phạm nhân, cuối năm 2009, Lê Quang Minh, SN 1964, ở phường Đồng Xuân, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Lập cùng làm cho một hãng bảo hiểm, chi nhánh huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Thời điểm này, Lập đang là hiệu trưởng một trường mầm non. Vì nghi ngờ và ghen tuông nên chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1961, ở xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), người sống chung với Minh như vợ chồng và không có đăng ký kết hôn đã "giành" lại nhân tình bằng cách nhờ ông Dương Văn Trung gửi đơn kiện Lập đến các cơ quan, tổ chức khác nhau. Kết quả là Minh bị công ty bảo hiểm cho thôi công tác 1 năm và Lập cũng buộc phải về hưu sớm.

Năm 2010, khi Minh về làm việc cho Tổng đại lý bảo hiểm chi nhánh Sóc Sơn, do Nguyễn Thị Lập làm giám đốc thì những thâm thù trước đó lại được nhắc tới, Lập nói cho Minh biết danh tính người đã khiến mình mất chức và Minh đã đồng ý "cho nó quả mìn cho sợ". 

Theo đó, Minh đã về khu trọ ở phường Đồng Xuân, lấy thuốc nổ rồi chế thành một quả mìn, với sức công phá lớn. Khoảng 0h ngày 21-10-2011, Minh đi xe máy sang xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (nhà ông Trung) rồi quẳng quả mìn vào sân nhà và chỉ ít phút sau, quả mìn phát nổ. 

Chưa hả giận, Lập tiếp tục bảo Minh: "Có còn quả mìn nào thì cho nó một cái nữa cho nó sợ hẳn đi!". Minh gật đầu, rồi tiếp tục chế quả mìn thứ hai (khoảng 100gr thuốc nổ) và gây ra vụ nổ thứ hai tại sân nhà ông Trung. Với hành vi trên, sau các phiên xét xử, Minh phải lĩnh 14 năm 6 tháng tù, còn Lập cũng lĩnh 12 năm 6 tháng tù cho hai tội "Giết người'', Hủy hoại tài sản".

Nhớ lại chuyện xưa, Lập bảo ngày đó cuộc sống khá khó khăn, vất vả nên ngoài công việc ở trường mẫu giáo, chị ta còn đi bán bảo hiểm hòng có thêm chút tiền chi phí cho gia đình. Ai ngờ chính việc Lập có mặt bên ngoài nhiều hơn ở trường đã khiến nhiều người dị nghị. 

Không biết ai làm đơn tố cáo khiến Lập mất chức hiệu trưởng, nhưng khi biết ông Trung chính là người đã thảo đơn kiện mình chuyện quan hệ nam nữ thì Lập đã tin rằng ông Trung chính là người đã khiến mình khi xưa "thân bại, danh liệt".

"Thực tình tôi không thù oán gì với gia đình ông Trung cả. Việc tôi là đàn bà góa, một mình nuôi ba con khôn lớn, ai cũng biết, cũng thông cảm, thế mà vẫn có người ghen ghét, kiện cáo. Tới khi tôi mất nghề, mất việc, đi bán bảo hiểm mà cũng không được yên thân", Lập tâm sự.

Bi kịch của cô giáo mầm non xúi đồng nghiệp ném mìn vào nhà hàng xóm-1

Phạm nhân Nguyễn Thị Lập trở lại nhà trẻ nơi chị ta đang làm việc.

Theo lời nữ phạm nhân tuổi ngoài 60 này thì việc xúi ông Minh ném mìn vào nhà ông Trung chỉ là câu nói "buột miệng" trong lúc nóng giận. Chị ta bảo không ngờ chỉ vì câu nói ấy mà ông Minh về phòng trọ dùng thuốc nổ chế tạo mìn và hai lần ném sang nhà hàng xóm. Để giờ đây, khi phải lĩnh án 12 năm 6 tháng tù cho hành vi Giết người, Hủy hoại tài sản, người phụ nữ từng một thời gian truân như Lập thêm nặng gánh...

Hỏi Lập giữa chị ta với ông Minh có "vấn đề" gì không, người đàn bà này giãy nảy: "hoàn toàn là quan hệ đồng nghiệp. Tôi là giám đốc chi nhánh, còn anh Minh là nhân viên của tôi. Giữa chúng tôi, đề tài để trao đổi chỉ là công việc, không hơn".  Rồi Lập giải thích thêm rằng thời điểm chị ta xúi ông Minh ném mìn, Lập đã tái giá với một người đàn ông khác và cả hai đang rất hạnh phúc.

"Nếu nói tôi có chuyện này nọ với ông Minh thì thật nực cười bởi hơn ai hết, những người từng đứt gánh giữa đường như tôi, vốn đã rất khó khăn trong việc đi bước nữa. Thế nên khi đã tìm được người tri kỷ của mình rồi thì khó rời nhau lắm. Đằng này chúng tôi còn có một con gái chung nữa".

Nhắc đến người chồng sau, Lập nghẹn ngào: "Tôi có tội lớn với chồng, vì sự ngu dại của tôi mà anh ấy ra đi đột ngột, đem theo cả sự thất vọng về vợ".

“Việc chăm trẻ đã cứu vớt tâm hồn tôi”

Đó là câu nói của Lập khi nhắc đến công việc hiện tại của chị ta ở trại giam Phú Sơn 4. Theo lời nữ phạm nhân này thì sau khi có bản án, Lập về trại giam cải tạo. Trải qua nhiều công việc khác nhau như may, đính hạt cườm, đan lưới, làm vàng mã, làm hương thì từ năm 2016, Lập được phân công làm "giáo viên" mầm non. 

Đám trẻ mà Lập được giao trọng trách trông nom, dạy dỗ ấy đều là con phạm nhân, chưa quá 36 tháng tuổi, với Lập chẳng khác nào các bé trong độ tuổi ở trường mẫu giáo của Lập ngày xưa. Có khác chăng, theo lời Lập là chúng tinh khôn hơn so với trẻ con bên ngoài vì biết phân biệt tiếng kẻng nào là nghỉ trưa, tiếng kẻng nào là được về với mẹ và điều đặc biệt là chúng rất thuộc tên cán bộ cho dù chỉ vài lần tiếp xúc…

"Cứ nhìn bọn trẻ con các phạm nhân ở đây, tôi lại nhớ đến mấy đứa cháu tôi ở nhà. Rồi lại nhớ ngày một mình tôi xoay sở với ba đứa con nhỏ, thời điểm chồng mới qua đời", Lập trầm ngâm.

Bi kịch của cô giáo mầm non xúi đồng nghiệp ném mìn vào nhà hàng xóm-2

Sau giờ cải tạo lao động, các phạm nhân nữ đón con từ nhà trẻ về nơi ở của mình để chăm sóc.

Phạm nhân Nguyễn Thị Lập bảo rằng, cuộc đời mình toàn những éo le và bất hạnh. Năm Lập 28 tuổi, người chồng mắc bạo bệnh qua đời, để lại cho cô một khoản nợ tiền thuốc thang với ba đứa con nhỏ. 

Một mình gồng gánh, đồng lương giáo viên mầm non ít ỏi không đủ nuôi ba con nên Lập đi bán bảo hiểm để có thêm thu nhập. Và có lẽ, cũng chính vì công việc phải đi ra ngoài, giao tiếp nhiều với những người bên ngoài đã khiến cho một số người chẳng ưng gì Lập. Họ đã làm đơn kiện khiến cho Lập mất chức hiệu trưởng, phải về hưu non.

Rồi hạnh phúc lại một lần nữa mỉm cười khi Lập bước vào tuổi 38. Thời điểm đó, ba con khôn lớn và thu nhập từ việc bán bảo hiểm cũng dần ổn định hơn thì Lập gặp và lên duyên với người chồng thứ 2. 

Người đàn ông ấy cũng là giáo viên và cũng có hoàn cảnh giống như Lập nên cả hai hiểu và biết chia sẻ với nhau. Lập bảo rất yêu chồng và cảm thấy toại nguyện khi sinh cho người chồng này một cô con gái.

"Tôi làm giám đốc chi nhánh bảo hiểm, anh ấy vẫn đi dạy học. Cuộc sống chưa thể nói là dư dật nhưng cũng không còn khó khăn như trước. Nhất là bọn trẻ, chúng có đầy đủ cả bố lẫn mẹ nên không khí trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười...", phạm nhân Nguyễn Thị Lập nhớ lại.

Rồi Lập tâm sự về giai đoạn chị ta phải sống gần 1 năm trong trại tạm giam. Thời gian ấy, theo lời Lập thì đã có lúc chị ta không muốn sống nữa khi bị VKS thay đổi tội danh và chuyển sang tội "Giết người, Hủy hoại tài sản". "Chính giai đoạn này, chồng tôi sốc và qua đời, mọi thứ trong lòng tôi lúc ấy như rối tung. Giờ đây cũng vậy, mỗi khi nhắc đến chuyện cũ, nhắc đến gia đình, tôi lại thấy mình có lỗi...", phạm nhân Nguyễn Thị Lập tâm sự.

Lập bảo không chỉ người chồng bất ngờ với tội danh của vợ mà ngay cả chị ta cũng không thể hình dung đến lời nói "buột miệng" của mình lại phải trả giá quá đắt như vậy. Chồng mất, Lập đau vì nghĩ chính mình là nguyên nhân khiến anh thiệt mạng. Nhiều năm đã qua nhưng trong lòng người phụ nữ này vẫn luôn nặng trĩu nỗi đau ấy. 

Giờ đây, cô con gái út, sợi dây liên kết giữa Lập với người chồng sau lại mắc bạo bệnh. Đúng thời điểm nhận giấy báo thi đỗ đại học cũng là lúc cô bé được xác định mắc bệnh ung thư phổi hành hạ. Vậy là thay vì cắp sách tới giảng đường, con gái Lập phải thường xuyên có mặt tại bệnh viện. Những uẩn ức ấy cứ dồn tích trong lòng người phụ nữ này nay mới có dịp cất thành tiếng.

"Tôi đau khổ lắm. Ba đứa con với người chồng đầu đều trưởng thành và có gia đình riêng cả rồi. Chúng nó cũng thương em gái đấy nhưng tiền có thể chia sẻ cho em chứ bệnh tật thì có ai gánh hộ ai được đâu. Cứ nghĩ đến con đau ốm, tôi lại nghĩ đến cái chết của chồng mà không sao cầm lòng được", Lập lại rấm rứt.

Có lẽ nắm được tâm tư của Lập nên cán bộ Trại giam Phú Sơn đã có một việc làm đầy nhân văn là cho Lập được làm "giáo viên" mầm non. Được vui với trẻ, nhìn chúng bi bô, cười nói sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm giúp Lập bình thản hơn. 

Phạm nhân Nguyễn Thị Lập chia sẻ: "Làm công việc này, tôi như được ôn lại những kỹ năng sư phạm trước đây, thấy say mê hơn vì được làm công việc mình thích. Đó cũng là động lực để tôi khỏa lấp nỗi đau mà phấn đấu quay về...".

Quyết tâm phấn đấu ấy của Lập được thể hiện qua những lần giảm án. Từ năm 2016 đến nay, Lập đã được 3 lần giảm án. Điều đó chứng tỏ người phụ nữ này đang nỗ lực cải tạo và ngày về đã dần hiện ra trước mắt...

Theo Cảnh sát toàn cầu

Xem link gốc Ẩn link gốc http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Bi-kich-cua-co-giao-mam-non-xui-dong-nghiep-nem-min-vao-nha-hang-xom-577221/

cô giáo mầm non


Vụ Vạn Thịnh Phát: Một bị cáo lâm trọng bệnh, sinh mạng tính từng ngày
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lưu Quốc Thắng (nguyên Trưởng ban Kiểm soát SCB) cho biết, ông này đang lâm trọng bệnh, sinh mạng tính từng ngày, bản thân bị cáo có vai trò thứ yếu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.