Từ vụ 'vệ sĩ' dẹp đường cho đoàn xe đám cưới: Công ty vệ sĩ có quyền điều tiết giao thông?

Theo chuyên gia, công ty vệ sĩ phải được thành lập đúng theo quy định pháp luật và không có quyền điều tiết giao thông.

Mạng xã hội lan truyền những clip ghi lại cảnh một nhóm người ăn mặc quần áo như vệ sĩ ra giữa Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) để điều tiết phương tiện giao thông cho đoàn xe đám cưới đi qua.

Vụ việc hiện được lãnh đạo Đội CSGT-TT, Công an TP Thanh Hóa vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin. Đồng thời, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệu tập nhiều vệ sĩ trong đoạn clip trên để làm rõ hành vi tự ý điều tiết giao thông không thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nhiều bạn đọc thắc mắc, công ty vệ sĩ phải đảm bảo các điều kiện gì để thành lập, hoạt động và có chức năng điều tiết giao thông không?

Từ vụ vệ sĩ dẹp đường cho đoàn xe đám cưới: Công ty vệ sĩ có quyền điều tiết giao thông?-1

Nhiều vệ sĩ "dẹp đường' cho đoàn xe đám cưới trên Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa hôm 24-11. Ảnh: MXH

Theo luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), căn cứ khoản 25 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển giao thông là cảnh sát giao thông; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông tại nơi thi công, nơi ùn tắc giao thông, ở bến phà, tại cầu đường bộ đi chung với đường sắt.

Như vậy, chỉ có lực lượng CSGT hoặc người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ thì mới được thực hiện việc tổ chức, điều khiển giao thông. Trong trường hợp công ty vệ sĩ không được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ điều tiết giao thông thì không có chức năng, nhiệm vụ điều tiết giao thông.

Theo khoản 3 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ, khi CSGT tham gia nhiệm vụ, họ phải thực hiện việc chỉ huy, điều khiển giao thông trên đường; hướng dẫn, bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông;

Khi có tình huống gây ách tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng xe, đỗ xe.

LS Phát cũng cho biết thêm, việc thành lập công ty vệ sĩ căn cứ theo một quy định tại Nghị định 96/2016 về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo Điều 7 Nghị định 96/2016, công ty phải được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh là người Việt Nam phải không thuộc trường hợp đã bị khởi tố; có tiền án chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù… Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài không thuộc trường hợp chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

Theo Điều 10 Nghị định 96/2016, công ty vệ sĩ phải là doanh nghiệp. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự…

Đối với cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam phải là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 5 năm. Người đại diện cho phần vốn góp này là người chưa bị xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên. Phần vốn góp này chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ…

Điều 32 Nghị định 96/2016 quy định rõ trách nhiệm chung của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Theo đó, cơ sở phải tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án về các tội giết người, cố ý gây thương tích, các tội xâm phạm sở hữu; có lý lịch rõ ràng, có giấy khám sức khỏe và bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.

Chỉ sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ đã được đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ và phải có hợp đồng lao động với nhân viên dịch vụ bảo vệ. Cơ sở phải cấp biển hiệu, trang phục (có logo gắn trên áo đã đăng ký với cơ quan Công an có thẩm quyền) cho nhân viên bảo vệ. Không được thực hiện dịch vụ bảo vệ cho các đối tượng, mục tiêu hoặc hoạt động trái quy định của pháp luật.

Theo PLO

Xem link gốc Ẩn link gốc https://plo.vn/tu-vu-ve-si-dep-duong-cho-doan-xe-dam-cuoi-cong-ty-ve-si-co-quyen-dieu-tiet-giao-thong-post822389.html

tham gia giao thông

vệ sĩ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.