Cuộc đời ngắn ngủi, chết đầy bi ai phía sau hào quang của hoa hậu đầu tiên xứ Nam Kỳ

Cô Ba Thiệu đã lựa chọn cho mình con đường lùi lại phía sau ánh hào quang để sống cuộc sống bình dị như bao người phụ nữ khác.

Không giống như các mỹ nhân thời bấy giờ, cô Ba Thiệu đã lựa chọn cho mình con đường lùi lại phía sau ánh hào quang để sống cuộc sống bình dị như bao người phụ nữ khác. Thế nhưng chẳng ai ngờ, người phụ nữ tài sắc ấy lại kết thúc cuộc đời bằng cái chết đầy bi ai.

Hoa hậu đầu tiên xứ Nam Kỳ

Sài Gòn cuối thế kỷ 19, những thập niên đầu thế kỷ 20 vốn được biết đến là chốn kinh đô của các cô gái đẹp. Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Hồng Sển đã kể lại rằng: "Các cô mỗi chiều ngồi trên xe Delage để mui trần, có tài xế riêng", hoặc ngồi trên xe Mỹ mới cáu cạnh để lượn đi lượn lại quanh các đường phố chính của Sài Gòn từ chợ Bến Thành qua đường Bonard (đường Lê Lợi ngày nay) vòng qua trường Chasseloup - Laubat (trường Lê Quý Đôn ngày nay), xuống khu Chợ Lớn, khoe sắc trên đường nhựa "để lên Thủ Đức ăn nem hoặc đến tắm suối Xuân Trường...

Tối lại dưới bóng đèn, các cô như bướm tề tựu đủ mặt cạnh sòng bài sòng me, hoặc năm ba người gầy mâm hút có đờn ca giúp vui, báo hại các cậu con chủ điền muốn lên mặt với chị em đành phải trốn về bán lúa vay bạc Chà, cố cầm sự nghiệp ông bà để lại" mà chạy theo cho kịp nếp ăn chơi của các hoa khôi đương thời.

Cuộc đời ngắn ngủi, chết đầy bi ai phía sau hào quang của hoa hậu đầu tiên xứ Nam Kỳ-1

"Dưới bóng đèn, các cô như bướm tề tựu đủ mặt cạnh sòng bài sòng me". Ảnh minh họa.

Thế nhưng có một người giai nhân nức tiếng thời bấy giờ đã không chọn cách sống hào nhoáng, xa hoa như thế. Cô chính là cô Ba Thiệu hay sau này được biết đến với cái tên "cô Ba xà bông", người đầu tiên đăng quang hoa hậu của Sài Gòn 150 năm về trước.

Nhiều tài liệu ghi chép lại rằng, năm 1865 cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn được tổ chức với tên gọi Miss Sài Gòn. Cuộc thi đã thu hút gần 100 người đẹp đến từ Sài Gòn và các vùng phụ cận tham dự. Cuối cùng, người giành được vương miện Hoa hậu chính là cô Ba Thiệu, con gái thầy Thông Chánh, làm nghề thư ký, quê gốc Trà Vinh.

Sau khi đăng quang, vẻ mỹ miều của cô Ba khiến ai nấy đều bị ấn tượng. Thậm chí nhiều người Pháp còn đề nghị được chụp ảnh cô trong trang phục áo tắm để đăng báo ở chính quốc song không được cô đồng ý. Mãi sau này, cô mới đồng ý vẽ chân dung để in thành tem và phát hành với số lượng lớn chưa từng có ở Đông Dương.

Cô còn được biết đến với cái tên “cô Ba xà bông” là do hình ảnh của cô được in nổi trên khắp các sản phẩm của Hãng xà bông Việt Nam thời bấy giờ do ông Trương Văn Bền lập ra. Tuy nhiên, theo lời ông Philippe Trương, cháu của ông Bền, hình ảnh của người phụ nữ trên bánh xà bông đó không phải cô Ba Thiệu mà là cô Ba có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền. Sở dĩ ông Bền quá yêu vợ nên đã đưa hình ảnh của vợ lên sản phẩm xà bông này.

Cuộc đời ngắn ngủi, chết đầy bi ai phía sau hào quang của hoa hậu đầu tiên xứ Nam Kỳ-2

Hình cô Ba được in lên con tem ở Đông Dương.

Cũng trong cuốn Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển đã miêu tả lại vẻ đẹp tự nhiên không ai sánh kịp của cô Ba. "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện”.

Sống giản dị, chết bi ai

Sở hữu vẻ đẹp tuyệt sắc song giai nhân này lại lựa chọn cuộc sống hết sức bình dị, chân chất như những người phụ nữ bình dân khác. Nếu như những mỹ nhân tiếng tăm thời bấy giờ Ba Trà, Tư Nhị hay Sáu Hương chọn cuộc sống nhung lụa bên các đại gia, ngày ăn mặc sang trọng rong chơi, đêm đi nhảy đầm thì cô Ba Thiệu lại chọn cuộc sống khác.

Sau khi đoạt vương miện, cô đã bỏ lại tất cả những hào quang phù phiếm, sống cuộc đời bình dị, không ảnh hưởng lối sống ngoại lai. Một thời gian sau, cô lập gia đình với một người đàn ông bình thường không phải đại gia giàu có. Có người nói, chính xuất thân của gia đình gia giáo đã ảnh hưởng đến tính cách của cô, có người lại nói, điều này do chính bản thân cô Ba là người sống bình dị như vậy, cô luôn muốn giữ truyền thống, văn hóa bản địa.

Cuộc đời ngắn ngủi, chết đầy bi ai phía sau hào quang của hoa hậu đầu tiên xứ Nam Kỳ-3

"Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng".

Những tưởng cuộc đời người phụ nữ tuyệt sắc ấy sẽ thoát khỏi “lời nguyền” hồng nhan bạc mệnh khi chọn cách rời bỏ hào quang, thế nhưng cô lại có một cái kết đầy bi ai khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Cuộc đời ngắn ngủi, chết đầy bi ai phía sau hào quang của hoa hậu đầu tiên xứ Nam Kỳ-4

Sau khi đoạt vương miện, cô đã bỏ lại tất cả những hào quang phù phiếm, sống cuộc đời bình dị, không ảnh hưởng lối sống ngoại lai.

Người ta kể rằng, mẹ cô ba dù đã ở tuổi tứ tuần nhưng nhan sắc vẫn giữ được vẻ đằm thắm mặn mòi. Một tên biện lý người Pháp tên Jaboin hồi ấy thường ỷ thế làm càn, đến nhà cô Ba theo đuổi rồi tán tỉnh, trêu ghẹo.

Thầy Thông Chánh, cha cô Ba bấy giờ không chịu được cảnh này nên đã rút súng bắn chết Jaboin. Sau đó, ông bị chính quyền Pháp xử tử, cô Ba Thiệu bị bắt giam rồi tự tử chết trong tù.

Song cũng có những câu chuyện khác được truyền miệng xung quanh cái chết bi ai của cô. Trong cuốn Hỏi đáp về Sài Gòn – TP HCM được xuất bản năm 2006, các tác giả cho rằng cô Ba mới là người ngày ấy đã cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin.

Theo thông tin này, cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh, khép lại cuộc đời ngắn ngủi của người đẹp nức tiếng Sài Gòn.

Theo Khám phá


cuộc sống bình dị

hoa hậu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.