Dư âm bán kết bóng đá nam ASIAD 2018: Mưa ngoài kia, nhưng bão trong lòng người

Sau mỗi trận đấu, người ta đã bớt coi trọng kết quả chung cuộc. Thắng thì tốt mà thua cũng chẳng sao, quan trọng là đêm nay: "bão" có to không.

Sau mỗi trận đấu, người ta đã bớt coi trọng kết quả chung cuộc. Thắng thì tốt mà thua cũng chẳng sao, quan trọng là đêm nay: "bão" có to không.

Trận tứ kết Asiad 2018 đã khép lại với tỉ số 1-3 nghiêng về các cầu thủ Hàn Quốc. Đội bóng xứ kim chi tràn ngập cơ hội vô địch. Son Heung Min đã và các đồng đội đang tiến dần đến chiến thắng danh giá khuôn khổ ASIAD 2018.

Thế nhưng, niềm vui của người Hàn không thể lấn át lòng tự hào dân tộc của các fan hâm mộ Việt Nam. Bất chấp cơn mưa nặng hạt kéo dài đã nhiều ngày, người Việt vẫn xuống đường ăn mừng và hoàn toàn có thể tự hào rằng: văn hoá “đi bão” bóng đá của chúng ta đã, đang và sắp sửa sánh ngang văn hoá thần tượng của nước bạn Hàn Quốc.

Không đâu vui như ở Việt Nam những ngày có bóng đá. Vui từ cách mạng xã hội tràn ngập những “lời kêu gọi toàn quốc nghỉ làm”, tập trung 100% năng lượng cổ vũ cho đội tuyển quốc gia. Vui từ cách các trường học, các cơ quan đoàn thể nhất tề cho nhân viên nghỉ làm để cổ vũ đội tuyển. Bạn mới bị sếp mắng, bạn mới bị mất tiền? Tất cả những u sầu vặt vãnh đó dường như tan biến hết khi nghe thấy ai đó nói: “Chiều nay có bóng đá nhé!”.

Lòng người là thứ rất dễ bị chia rẽ, tuy nhiên, chỉ cần có bóng đá, hai người láng giềng vừa hôm qua cãi nhau gay gắt vì cái bờ rào, hôm nay hoàn toàn có thể chia sẻ chiếc TV để cùng cổ vũ các cầu thủ. Fan Diên Hi Công Lược và người xem Như Ý Truyện có thể bớt tranh luận để cùng chia sẻ chiếc link xem bóng đá. 

Bạn có thể ôm chầm lấy gã đồng nghiệp mới làm bẽ mặt bạn trong phòng họp 1 tiếng trước, chỉ vì sung sướng khi đội tuyển ghi bàn. Đó chính là sự kì diệu của bóng đá. Bóng đá gắn kết người với người, giúp họ quên đi những âu lo, toan tính, những mâu thuẫn vặt vãnh để cùng nhau hướng về một mục đích chung cao cả hơn. Dù chỉ là trong chốc lát nhưng những giây phút thăng hoa đó, trong cuộc sống xô bồ này, quả thật vô cùng đáng quý.

Dù thắng hay thua, khi tiếng còi vãn cuộc cất lên, người Việt nhanh chóng rời các quán cà phê, tay xách nách mang, vác đồ đi “bão”. 

“Phố lên đèn và anh em lên Hồ”, đó là câu cửa miệng của các fan hâm mộ bóng đá Việt Nam mỗi lần đi ăn mừng cùng đội tuyển. Người trẻ với sức khoẻ dồi dào có thể cùng chiếc xe máy rong ruổi khắp các con đường để tụ họp về những điểm đến quen thuộc như Bờ Hồ, sân vận động quốc gia Mỹ Đình. 

Người già giản dị hơn nhưng cũng không kém phần cuồng nhiệt, kéo nhau ra lề đường phất cao lá cờ Tổ quốc đề hoà mình vào bầu không khí sôi động. Chẳng khó để bắt gặp những ông bố bà mẹ bỏ dở bữa cơm, vác con lên xe, cả nhà ta đi bão. Những em bé ngơ ngác có thể chưa hiểu được không khí sôi động kia là gì, nhưng biết đâu 10 năm nữa, chính các em sẽ là người dẫn đầu đoàn bão, ăn mừng đội tuyển Việt Nam tiến vào World Cup.

Một đất nước nhỏ với một tình yêu to lớn dành cho bóng đá. Người ta xuống đường không phải để ăn mừng một chiếc cúp cụ thể nào. Người ta xuống đường đơn giản chỉ vì không thể bỏ lỡ một dịp vui đến thế. Ở Việt Nam những ngày này, rất khó để giam mình trong phòng trọ chật hẹp với những u uất khó nói khi ngoài kia, tiếng kèn, tiếng tù và, tiếng loảng xoảng của mâm, của xoong chảo bị kéo lê trên mặt đường như thúc giục cả những con người đang trầm uất nhất.

Không ai thấy phiền khi hoà mình vào một con đường tắc nghẽn, đứng chôn chân cả tiếng đồng hồ trong dòng người. Phiền sao được khi mỗi gương mặt quanh mình đều rạng rỡ một nụ cười, một niềm hi vọng? 

Phiền sao được khi giờ đây việc trở về nhà không còn quan trọng nữa khi mỗi người đều được bao vây bởi ấm áp tình người, nồng nàn lòng yêu nước? 

Đôi khi, cổng nhà ở ngay trước mắt rồi người ta vẫn nhấn ga đi tiếp để được nán lại trong bầu không khí này thêm chút nữa. Phải rồi, lòng người thì quy tụ về đội tuyển, nhưng tình người thì lan toả khắp các tuyến đường. Bởi già trẻ gái trai, không phân biệt quê hương bản quán, cứ đi bão cùng nhau thì là anh em một nhà.

Hà Nội đang mưa rất lớn. Nhớ những ngày tuyết phủ trắng Thường Châu, đội tuyển Việt Nam giành chức á quân U23 Châu Á, một kì tích chưa từng có, Hà Nội cũng mưa như thế này, không những mưa mà còn lạnh. Bất chấp thời tiết không thuận lợi, những “người đi bão” vẫn cuồng nhiệt đổ ra những con đường lớn để ăn mừng. 

Ăn mừng thành tích của đội tuyển là một phần, họ ăn mừng chính thành tích của người Việt - một thành tích chưa từng có. Một đất nước mà người dân đã và đang tạo nên một “đặc sản” khiến bản thân họ tự hào, du khách nước ngoài thích thú, báo chí thế giới ca ngợi. Mấy ai ngờ, quốc gia nhỏ bé ấy chỉ sở hữu một đội bóng xếp hạng 102 thế giới (theo số liệu tháng 8 năm 2018).

Người Pháp quẩy tung quảng trường Champ-Élysées sau khi giành chức vô địch thế giới. Người Việt đi bão khắp mọi nẻo đường dù đội bóng con cưng của họ chưa một lần bước lên ngôi vị cao nhất. Nhưng không sao cả, “bão” ở đây là cơn bão của cảm xúc, cơn bão của tinh thần tự hào dân tộc. Họ đổ ra đường vì vui, vì sôi động, vì những âm thanh náo nhiệt ngoài kia có thể lay động cả những con người đang mệt mỏi và khó ở nhất.

 

Hà Nội đang mưa nhiều lắm nhưng Bờ Hồ vẫn chật kín người. Đội tuyển của chúng tôi dừng bước ở bán kết ASIAD 2018 trước ứng cử viên cho chức vô địch - Hàn Quốc. Tuy nhiên, người Việt sẽ không bao giờ dừng chân trên những con đường đi “bão”. 

“Bão” đã thành văn hoá, thành nét đặc trưng cho tình yêu bóng đá nói chung và thể thao nói riêng tại mảnh đất này. Từ nay trở đi, trước mỗi trận bóng, người ta sẽ bớt quan tâm đến đội tuyển mạnh yếu ra sao, khả năng thắng thua thế nào, người ta chỉ đổ xăng, mua cờ, khoác lên mình màu áo đỏ sao vàng đầy tự hào và tràn ra đường để thể hiện tình yêu với dân tộc.

Theo Helino


Olympic Việt Nam

ASIAD 2018

U23 Việt Nam


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.