Đưa từ ngữ thô tục lên lịch là kém văn hóa, không thể chấp nhận

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng nếu hình ảnh tờ lịch với nội dung, câu từ thô tục là có thật, việc này không thể chấp nhận được.

Những ngày cuối năm Tân Sửu, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh tờ lịch ngày 31/1, tức ngày 29 tháng chạp, in cùng câu thơ được chú thích là tục ngữ: “Giao thừa vợ nấu cháo lươn / Chồng ăn chồng … vợ trườn ra sân”.

Dù chưa thể xác minh liệu đây là hình ảnh có thật hay sản phẩm photoshop, tờ lịch khiến không ít người băn khoăn, thậm chí phẫn nộ, khi nội dung thô tục như vậy được in vào tờ lịch cuối cùng trước khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến.


Đưa từ ngữ thô tục lên lịch là kém văn hóa, không thể chấp nhận-1
Hình ảnh tờ lịch với câu ca dao mang ý nghĩa, từ ngữ thô tục lan truyền trên mạng, khiến nhiều người bức xúc.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, cho biết trước hết, hai câu trên không phải là tục ngữ như chú thích trong tờ lịch. Tục ngữ là thể loại văn học dân gian, câu nói ngắn gọn nhằm tổng kết kinh nghiệm, bài học, chiêm nghiệm của dân gian.

Về mặt hình thức, đây là câu ca dao. Tuy nhiên, ông Tình nghi ngờ tính chính danh của nó.

Ông nói thêm có thể chưa thể khẳng định câu này được bịa đặt ra, nhặt nhạnh lung tung nhưng khi trích dẫn, người trích phải biết xuất xứ, câu ca dao, tục ngữ được lấy từ nguồn, sách nào, ai sưu tầm mới khẳng định là ca dao chính danh dân gian truyền lại.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, ca dao nước ta cũng có những câu mang tính phồn thực nhưng vẫn có tính chọn lọc, phản ánh kinh nghiệm, có ý nghĩa, dân gian chấp nhận, mang yếu tố thẩm mỹ, không bậy như câu trên.

Ngoài ra, không phải mọi câu trong dân gian đều được đưa vào sách. Các nhà văn hóa dân gian khi sưu tầm sẽ chắt lọc để xem câu đó có điển hình, phù hợp thuần phong mỹ tục không.

Ông nghi ngờ câu thơ được tự tạo chứ không phải của dân gian vì giọng điệu, hơn nữa, nội dung rất tục, bậy bạ, không mang giá trị của tư duy dân gian.

“Tôi ngờ đây là câu tự tạo, không ý nghĩa. ‘Giao thừa vợ nấu cháo lươn / Chồng ăn chồng … vợ trườn ra sân’ không mang tính điển hình, sống sượng, vô nghĩa, thô tục. Giả sử đúng là có người nói câu đó, nó cũng không được đưa vào văn bản in trên tờ lịch như thế”, ông Tình nói.

Bản thân ông không cho rằng câu trên được sưu tầm, đưa vào sách. Nhưng nếu nó thực sự do nhà xuất bản đứng ra thu thập, ông vẫn không thể chấp nhận, đặc biệt khi đưa nó lên lịch.

Ông nhấn mạnh đây là cách xử sự rất kém văn hóa, không thể chấp nhận được. Thông thường, người ta đưa vào tờ lịch thông tin cần thiết, liên quan ngày đó, đồng thời điểm xuyết bằng câu nói hay, ca dao, tục ngữ, danh ngôn thể hiện nét đẹp chung của nhân loại, đất nước.

“Có thể, người ta cũng tin những người làm lịch thường có kinh nghiệm, tri thức nhất định về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, không thể ngờ đến việc đưa vào một câu như vậy, làm giảm giá trị văn hóa. Có lẽ, chúng ta cũng cần nhắc nhở người làm lịch thận trọng khi đưa thông tin lên tờ lịch”, PGS.TS chia sẻ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dua-tu-ngu-tho-tuc-len-lich-la-kem-van-hoa-khong-the-chap-nhan-post1292178.html?fbclid=IwAR2LatCPkYdlukkJDKF2_i0OegcEeh1ZItMQ2ttW1BnTW15UKvTXPCllnm8

Tết Nguyên Đán


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.