Giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp đòi tự sát: Những giây phút ngộp thở, "căng như dây đàn"

Đằng sau vụ giải cứu kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ này, có những chi tiết đặc biệt chưa từng được kể

Trong vụ giải cứu người đàn ông mang quốc tịch Pháp đòi tự sát bằng cách nhảy từ tầng 7 xuống đất, những người có mặt tại hiện trường đã phải trải qua những giờ phút căng thẳng tới mức "ngộp thở", "căng như dây đàn".

Vào ngày 17-8-2019, các lực lượng của CAH Mê Linh, Công an Thị trấn Quang Minh phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CATP Hà Nội) đã giải cứu thành công một người đàn ông Pháp mắc chứng hoang tưởng, đòi tự sát bằng cách nhảy từ tầng 7 của khách sạn xuống đất.

Đằng sau vụ giải cứu kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ này, có những chi tiết đặc biệt chưa từng được kể, khiến những người có mặt tại hiện trường đã phải trải qua những giờ phút căng thẳng tới mức "ngộp thở", "căng như dây đàn".

Giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp đòi tự sát: Những giây phút ngộp thở, căng như dây đàn-1

Khoảnh khắc mũi giải cứu ở tầng 7 chuẩn bị phá cửa, lao vào

Thượng tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Công an huyện Mê Linh - và Thượng tá Ngô Thanh Lâm - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH, CATP Hà Nội là những người trực tiếp chỉ huy tại hiện trường.

Thượng tá Trần Đình Nghĩa nhớ lại, khi các lực lượng của CATP Hà Nội và CAH Mê Linh có mặt, người đàn ông Pháp đã thể hiện trạng thái tâm lý vô cùng bất thường. Anh này khóa chặt cửa ra vào, liên tục trèo ra ngoài cửa sổ ở tư thế 50/50, có thể rơi xuống đất bất kỳ khi nào.

"Mặc dù chúng tôi đã nhanh chóng liên lạc và đưa đại diện của Đại sứ quán Pháp tới nơi để thuyết phục, nhưng người đàn ông không hợp tác, không muốn trao đổi.

Anh ta nói với người phiên dịch rằng, không được cho bất kỳ ai hay vật gì xuất hiện trước mặt, nếu không, anh ta sẽ nhảy xuống ngay. Đó là lý do quá trình giải cứu mất rất nhiều thời gian và gặp khó khăn", Trưởng CAH Mê Linh chia sẻ.

Giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp đòi tự sát: Những giây phút ngộp thở, căng như dây đàn-2

Trực tiếp Thượng tá Trần Đình Nghĩa (ngoài cùng, bên trái) động viên người đàn ông Pháp, sau khi việc giải cứu kết thúc tốt đẹp

Vì không thể "rải quân", "trải bạt" (chỉ cần có người lạ xuất hiện ở dưới, hoặc có hành động căng bạt là sẽ gây kích động cho người đàn ông hoang tưởng), lực lượng cứu hộ phải tính toán hàng loạt phương án khác nhau.

"Chúng tôi đã gọi điện thoại báo cáo với Ban Giám đốc CATP Hà Nội. Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc CATP đã chỉ đạo lực lượng cứu hộ phải phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Pháp để kiên trì vận động, thuyết phục.

Nếu không được thì các lực lượng cứu hộ phải hiệp đồng, phối hợp kỹ để giải cứu, trong đó, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công dân Pháp và lực lượng tham gia cứu hộ", Thượng tá Trần Đình Nghĩa cho biết.

Sau nhiều giờ khuyên nhủ, thuyết phục không thành công, do người đàn ông Pháp thể hiện tâm lý tiêu cực, khó đoán định, lực lượng giải cứu quyết định dùng phương án can thiệp.

Để thực hiện, phương án còn cần tham khảo ý kiến từ phía đại diện Đại sứ quán Pháp có mặt tại hiện trường. Và ngay lập tức, đại diện ngoại giao đã xin ý kiến từ quan chức cao cấp nhất của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, phía bạn đồng thuận để Công an Hà Nội triển khai phương án can thiệp giải cứu công dân Pháp.

Giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp đòi tự sát: Những giây phút ngộp thở, căng như dây đàn-3

Các lực lượng tham gia cuộc giải cứu người đàn ông Pháp định tự sát từ tầng 7

"Chúng tôi phải khảo sát kỹ toàn bộ khách sạn, trong đó, một nhóm Cảnh sát PCCC & CNCH do Thượng tá Ngô Thanh Lâm chỉ huy ém sẵn trên tầng 8, để bung dây lao xuống. Một nhóm khác do tôi chỉ huy sẵn sàng phá cửa ra vào ở tầng 7, còn một nhóm nữa đảm nhiệm vai trò bung lưới chốt ở tầng 6.

Tất cả đều chờ sẵn ở từng vị trí, không xuất hiện công khai, tránh đánh động người đàn ông đang có tâm lý bất ổn", Trưởng CAH Mê Linh chia sẻ.

Có mặt tại hiện trường, bà Myriam Dinh (Tùy viên hợp tác tiếng Pháp, đại diện Đại sứ quán Pháp) nín thở chờ tới thời điểm CATP Hà Nội triển khai phương án cứu người.

Trước đó, bà Myriam Dinh đã bày tỏ rằng, nếu xảy ra tình huống không may, và người đàn ông Pháp rơi xuống đất, thì lực lượng y tế cứu chữa sẽ là các bác sĩ của Bệnh viện Việt - Pháp. Bà cũng đề nghị phía CATP Hà Nội chuẩn bị sẵn xe cảnh sát để hú còi ưu tiên, dẫn đường cho xe cấp cứu của phía Pháp di chuyển. Những đề nghị đó đều đã được đáp ứng đầy đủ.

Đúng "giờ G" (khoảng 19h30), các mũi triển khai của lực lượng giải cứu đồng loạt bung quân: Mũi dưới tầng 6 tung lưới bảo đảm an toàn; Mũi ở tầng 7 phá khóa, phá cửa lao vào; Mũi trên tầng 8 bung dây thả quân xuống, ôm người đàn ông Pháp đang vắt vẻo ở thành cửa sổ, đẩy vào trong.

Tất cả mũi triển khai đều được thực hiện đồng bộ, ăn ý, khiến người đàn ông Pháp không kịp phản ứng, qua đó, giải cứu thành công người này. Sau đó, người đàn ông đã được kiểm tra y tế, chăm sóc đầy đủ, và được bàn giao cho Đại sứ quán Pháp.

Dưới đây là video clip ghi tại hiện trường:

Giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp đòi tự sát

Chứng kiến toàn bộ quá trình giải cứu nghẹt thở đó, các vị đại diện của Đại sứ quán Pháp đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới CATP Hà Nội và CAH Mê Linh vì hành động can thiệp kịp thời, dũng cảm, để cứu sống người đàn ông Pháp.

Giải cứu người đàn ông quốc tịch Pháp đòi tự sát: Những giây phút ngộp thở, căng như dây đàn-4

Lá thư cảm ơn xúc động, ý nghĩa mà đại diện Đại sứ quán Pháp gửi tới CATP Hà Nội

Với việc giải cứu thành công và đảm bảo an toàn tuyệt đối, các lực lượng của CATP Hà Nội và CAH Mê Linh đã ghi công xuất sắc đúng vào thời điểm kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2019).

Theo ANTĐ


tự sát

giải cứu

người ngoại quốc


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.