4 nguy cơ lây lan dịch, Hà Nội xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nhận định, dù đã có quy định nhưng công viên, vườn hoa vẫn tụ tập đông người. Ông kiến nghị xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi.

Trong cuộc họp với Thường trực Thành uỷ Hà Nội chiều 10/5, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 29/4 đến nay, TP ghi nhận 46 ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện với 28 điểm tạm thời phong tỏa để khoanh vùng, dập dịch. Theo bà Hà, đến nay Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch bệnh từ các chùm ca bệnh liên quan tới Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, chuyên gia Ấn Độ và chuyến bay VN160.

Liên quan chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương cơ sở Đông Anh, bà Hà báo cáo Hà Nội có 11 F0 và 217 F1. Về chùm ca bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội có 2 F0 và 71 F1. Còn chùm ca bệnh tại Bắc Ninh, Hà Nội có 14 F0 và 122 F1.

"Ổ dịch của 2 bệnh viện và đặc biệt là từ huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đang là mối quan ngại lớn, số ca mắc vẫn tiếp tục được ghi nhận. Vì vậy, cần tập trung giải pháp để nhanh chóng kiểm soát nguồn lây từ các ổ dịch này", bà Hà nhận định.

4 nguy cơ lây lan dịch, Hà Nội xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi-1

Toàn cảnh phiên họp chiều 10/5

Để chủ động ứng phó, Hà Nội xác định xét nghiệm đóng vai trò quan trọng, quyết định việc xác định sớm ca bệnh để chủ động bao vây, khoanh vùng, xử lý, cắt đứt nguồn lây nhiễm, không để lan rộng.

Ngành y tế đã tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm, hiện công suất tăng 10 lần (từ 3.000 mẫu/ngày tăng lên 30.000 mẫu/ngày) và sẽ tiếp tục nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội nhận định, các ca bệnh trên địa bàn đều xác định được nguồn lây nhiễm, tuy nhiên thời gian tới vẫn có nguy cơ phát sinh các ca mắc mới.

TP hiện có 4 nhóm nguy cơ chính, gồm: Chùm ca bệnh tại huyện Gia Lâm và các ca mắc mới liên quan ổ dịch tại Thuận Thành (Bắc Ninh); Các ổ dịch bệnh viện K Tân Triều; Số ca mắc gia tăng tại 8 địa phương giáp ranh; Lượng người quay trở lại Hà Nội làm việc và học tập rất lớn sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Hà Nội đã chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

4 nguy cơ lây lan dịch, Hà Nội xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi-2

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định Gia Lâm là địa bàn có nguy cơ rất cao, do giáp ranh với vùng dịch tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ông đề nghị huyện cần tăng tốc thực hiện các giải pháp, chốt chặn toàn bộ các đường ngang, ngõ tắt. Các tổ Covid-19 cộng đồng của huyện tăng cường nắm bắt biến động của người dân thời điểm trước, trong và sau khi huyện Thuận Thành giãn cách xã hội.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Sở Giao thông vận tải phối hợp với huyện trong triển khai khu cách ly, tổ chức phân luồng giao thông theo kiến nghị của huyện.

Theo chủ tịch UBND TP. Hà Nội, các chuyên gia đánh giá, sắp tới sẽ còn gia tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội. Ông nêu việc công viên, vườn hoa vẫn tụ tập đông người và kiến nghị xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, TP sẽ có quy định cụ thể về khoảng cách giãn cách giữa người với người, cho đến việc tránh tụ tập đông người ra sao.

"UBND TP sẽ có công điện mới sớm nhất để chỉ đạo tiếp tục nâng cao mọi mặt công tác chống dịch", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.