Tiết lộ về "hơi thở của quỷ" - nghi vấn số 1 khiến nhiều người bị cướp trên xe khách

Theo các chuyên gia y học, kẻ xấu có thể đang sử dụng "hơi thở của quỷ" để gây án.

Công an TP. Đà Lạt gửi văn bản cho 2 nhà xe lớn của địa phương này, cảnh báo tình trạng kẻ xấu đánh thuốc mê hành khách rồi cướp tài sản. Theo các chuyên gia y học, kẻ xấu có thể đang sử dụng "hơi thở của quỷ" để gây án.

Mới đây, Thượng tá Bùi Đức Rô, Phó Trưởng Công an TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản cảnh báo hành vi đánh thuốc mê, cướp tài sản trên xe khách gửi tới một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Nội dung văn bản này thể hiện rõ việc hiện nay trên các tuyến xe khách đến TP.Đà Lạt đã xuất hiện hành vi kẻ xấu đánh thuốc mê hành khách để cướp tài sản.

"Thủ đoạn của các đối tượng cướp là thường lân la đến các bến xe, tìm cách làm quen nói chuyện với hành khách đang chờ xe. Sau đó, đối tượng lạ mặt mời hành khách ăn uống, hút thuốc có chứa thuốc mê.

Khi đã ngấm thuốc, lợi dụng nạn nhân mệt mỏi, chóng mặt, các đối tượng nhanh chóng cướp tài sản có giá trị như: điện thoại, tiền bạc, tư trang", văn bản trên ghi rõ.

Tiết lộ về hơi thở của quỷ - nghi vấn số 1 khiến nhiều người bị cướp trên xe khách-1

Hình ảnh kẻ xấu móc túi, trộm cắp tài sản của hành khách trên xe sau khi người này bị đánh thuốc mê được camera ghi lại. (Ảnh cắt từ clip).

Cũng theo Thượng tá Bùi Đức Rô, trước đó, Công an TP.Đà Lạt đã tiếp nhận một trường hợp du khách trình báo bị người lạ đánh thuốc mê trên xe khách, lấy hết tài sản trên chuyến xe từ TP.HCM đến TP.Đà Lạt.

Trước khi xảy ra sự việc, du khách này được một người lạ mời uống nước ở trạm xe tại khu vực Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.

Trước thông tin cảnh báo trên, nhiều chuyên gia về y tế nhận định, rất có thể kẻ xấu đã sử dụng "hơi thở của quỷ" để làm cho nạn nhân rơi vào trạng thái mê man, không còn sức kháng cự sau đó mới ra tay cướp tài sản.

Cụ thể, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, giảng viên khoa Dựợc, trường đại học Y dược TP.HCM, "hơi thở của quỷ" chính là scopolamine.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, loại thuốc này có thể khiến người sử dụng bị ảo giác, mất đi thần trí. Khi bị kẻ xấu cho dùng "hơi thở của quỷ", nạn nhân rơi vào trạng thái như bị thôi miên, mất đi khả năng kháng cự. "

Scopolamine còn có tên hyoscine là thuốc dùng lâu đời. Đầu tiên, nó là một dược chất được chiết xuất từ cây thuốc có tên Atropa belladonna (ở ta có cây cà độc dược thuộc loại này) và được phân vào nhóm thuốc kháng tiết cholin (anticholinergic)", PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Tiết lộ về hơi thở của quỷ - nghi vấn số 1 khiến nhiều người bị cướp trên xe khách-2

Cây Atropa belladonna, "tiền thân" loại thuốc được mệnh danh "hơi thở của quỷ".

Cũng theo ông, ngay từ khi ra đời, scopolamine với tác dụng kháng tiết cholin gây nhiều tác hại ở hệ thần kinh nên loại thuốc này được mệnh danh là “hơi thở của quỷ". Gần đây, scopolamine được sử dụng như một phương tiện để gây tội ác. 

"Dùng scopolamine quá liều sẽ gây ngưng thở và tử vong. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao nhưng chưa đến liều gây chết, loại thuốc này có tác dụng gây hoang tưởng, ảo giác rất mạnh.

Thậm chí, scopolamine gây mê đồng thời có khả năng làm mất đi thần trí của con người và đưa con người vào trạng thái như bị thôi miên. Kẻ xấu đã lợi dụng điểm này để biến scopolamine thành phương tiện để gây tội ác", PGS.TS Đức nhận định.

Theo ông, nhiều báo cáo cho thấy scopolamine được tội phạm dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân sau khi gây tội ác.

Đã có hơn 50.000 trường hợp dùng scopolamine gây tội ác được báo cáo tại Colombia.

Trong đó, nhiều phụ nữ ở Colombia trình báo với cơ quan cảnh sát địa phương rằng, họ như bị bỏ bùa, bị kẻ gian điều khiển làm những việc như đưa hết tiền bạc hoặc thậm chí bị hãm hiếp.

Tiết lộ về hơi thở của quỷ - nghi vấn số 1 khiến nhiều người bị cướp trên xe khách-3

Thuốc mê "hơi thở của quỷ" được rao bán tràn lan trên mạng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức nói thêm: "Ở nước ta, đã xảy ra những vụ việc mà nhiều nạn nhân trình báo họ đã bị thôi miên, đến mức ngoan ngoãn tự mở tủ đưa hết tài sản trong tình trạng vô thức, và bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị lừa làm những việc mà bản thân không ý thức được.

Những vụ gây tội ác như thế được cho là do tác dụng gây ảo giác, làm mất trí nhớ tạm thời của scopolamine.

Và scopolamine có khả năng gây tác dụng như thế khi kẻ gian bí mật bỏ nó vào sữa, bia, nước giải khát... và cho nạn nhân uống.

Cần phải kể, scopolamine chứa nhiều trong lá cây cà độc dược nên kẻ gian cũng có thể dùng lá cây này phơi khô, xắt nhỏ quấn thành thuốc lá hút và phà khói vào mặt nạn nhân. Khói đó chứa đủ scopolamine gây ảo giác cho nạn nhân".

Nguy hiểm hơn, scopolamine nếu đã uống vào bụng mà không tìm cách ói mửa thì khó lòng hóa giải được tác dụng của thuốc nhất là liều thuốc dùng cao.

Trong khi đó, niêm mạc đường hô hấp hấp thu khói thuốc scopolamine rất nhanh và nhiều. Do đó, một khi nạn nhân  đã hít đủ liều "hơi thở của quỷ", thì cũng rất khó hóa giải.

Trước những thủ đoạn của kẻ xấu và sự nguy hiểm đến từ "hơi thở của quỷ", PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, không thân cận quá mức với kẻ lạ có vẻ nhiệt tình, vồn vã với mình.

Theo Người đưa tin

 

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.nguoiduatin.vn/tiet-lo-ve-hoi-tho-cua-quy-nghi-van-so-1-khien-nhieu-hanh-khach-bi-cuop-tai-san-tren-xe-khach-a460098.html

đánh thuốc mê


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.