Lo ngại bão số 4 có thể gây ngập lụt, lũ quét như năm 2020

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, bão số 4 sắp đổ bộ có thể gây mưa lớn, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ngập lụt, lũ quét như năm 2020 tại các tỉnh miền Trung.

Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề cập khi phát biểu kết luận tại cuộc họp với 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Ninh Bình đến Bình Định về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới, chiều 19/8.

Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão khi áp sát bờ biển của Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ, ngành tập trung các giải pháp ứng phó.

Lo ngại bão số 4 có thể gây ngập lụt, lũ quét như năm 2020-1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

"Áp thấp nhiệt đới đang di chuyển chậm nên chúng tôi rất lo lắng bão có thể nạp thêm năng lượng. Các mô hình dự báo đều thống nhất, nếu bão số 4 có hình thành thì cũng không lớn về cường độ, gió giật cấp 10 là cùng nhưng quan ngại nhất là gây mưa khá lớn, tập trung vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, một phần Quảng Ngãi, không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ngập lụt, lũ quét như năm 2020", ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị người dân, các địa phương không được chủ quan với bão số 4. Các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ để đảm bảo an toàn, có giải pháp ứng phó với ngập lụt, nhất là ngập lụt đô thị ở Huế, Đà Nẵng.

Ngay thời điểm này, theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, cần cảnh báo người dân di dời tài sản lên cao; rà soát các hồ chứa, đặc biệt là các hồ lớn cần tuân thủ nghiêm quy trình vận hành.

Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam) cho biết, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 và các lực lượng trên địa bàn các Quân khu sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó.

"Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng 268.806 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ. Trong đó có bộ đội là 56.855 và dân quân tự vệ là 211.951. Cùng đó là hơn 4.000 phương tiện, trong đó có 10 trực thăng, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực và thực phẩm khi có yêu cầu", Đại tá Phạm Hải Châu nói.

Rút kinh nghiệm từ bão Yagi, lãnh đạo Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, đề nghị các địa phương rà soát tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở, thông báo nhanh nhất đến từng hộ dân khi xảy ra tình huống báo động và chuẩn bị nơi an toàn để người dân di chuyển đến.

Đại tá Phạm Hải Châu cũng đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiên quyết yêu cầu 75 tàu với 618 ngư dân đang ở khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa về nơi an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 11h00 ngày 18/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn 66.960 tàu với 306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động chủ động di chuyển vòng tránh. Không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm; các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh. Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 19/9.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tính đến 13h ngày 18/9, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.024 ha, 22.152 lồng, bè, 684 chòi canh nuôi thuỷ sản và 83 ngư dân.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ, diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch còn 12.000 ha; 113.000 ha lúa mùa đang giai đoạn chín sáp - chín sữa, chuẩn bị thu hoạch. Các tỉnh Nam Trung Bộ, còn lại 19.000ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch; lúa mùa, diện tích chưa thu hoạch 25.000ha đang giai đoạn chín sáp, chuẩn bị thu hoạch.

Năm 2020, chỉ hơn một tháng (11/10 đến 15/11), miền Trung hứng chịu 8 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới kèm mưa lớn. Trong đó, bão Molave (bão số 9) đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi với sức gió 11-12, kéo dài 6 tiếng.

Lũ lên nhanh trên 16 tuyến sông chính miền Trung. Sông Hiếu ở Đông Hà (Quảng Trị), sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Ngập lụt xảy ra tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, thời điểm cao nhất ngày 12/10 có trên 317.000 hộ với 1,2 triệu người và kéo dài nhất đến 15 ngày.

Thiên tai năm 2020 làm 291 người chết, 64 người mất tích, trong đó số người chết vì sạt lở đất nhiều nhất 132 người, lũ 108 người. Bên cạnh đó, hơn 336.400 ngôi nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 198.300 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi.

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/lo-ngai-bao-so-4-co-the-gay-ngap-lut-lu-quet-nhu-nam-2020-ar896736.html

ngập lụt

mưa bão


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.