Lời tự sự của chủ thẩm mỹ viện Cát Tường trong trại giam: "Tôi ân hận, không lý giải được tại sao mình lại nghĩ ra việc phi tang xác bệnh nhân..."

Những ngày cuối tháng 11/2019 cùng là vừa tròn 6 năm, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân từng gây chấn động dư luận xảy ra.

“Trước đây, tôi là một bác sĩ không muốn gây tổn thương đến ai cả thậm chí luôn tâm niệm mình phải cứu giúp người khác. Sự việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường là một bất ngờ. Vì không suy nghĩ gì và rồi tôi nghĩ ra việc phi tang xác bệnh nhân hoàn toàn làm theo vô thức mà đến bây giờ tôi không lý giải tại sao mình lại làm vậy? "

Những ngày cuối tháng 11/2019 cùng là vừa tròn 6 năm, vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân từng gây chấn động dư luận xảy ra.

Sau vụ án, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường - chủ thẩm mỹ viện Cát Tường bị Toà án nhân dân Tối cao tuyên phạt 19 năm tù trong phiên toà phúc thẩm. Đồng phạm với Tường, bị cáo Đào Quang Khánh - bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường bị tuyên phạt 33 tháng tù giam và đã được mãn hạn tù vào năm 2017. 

Tại phiên xét xử ngày 5/12/2014, khi được nói lời sau cùng bị cáo Nguyễn Mạnh Tường  gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân, trong lúc không làm chủ hành vi và suy nghĩ của mình đã gây ra nỗi đau cho gia đình. Trong quá trình công tác, bị cáo đã cứu sống hàng trăm, hàng nghìn người. Bị cáo rất ăn năn vì không kiểm soát được hành vi của mình, mong HĐXX có mức án thích hợp.

Cho tới thời điểm hiện tại bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã chấp hành án đã được 5 năm tại trại giam Ninh Khánh (tỉnh Ninh Bình). Ngồi sau song sắt Nguyễn Mạnh Tường cho biết 6 năm qua phạm nhân này cảm thấy nuối tiếc và hối hận. Ngần ấy thời gian Tường mong muốn gia đình bị hại thông cảm, tha thứ cho những lỗi lầm của mình.

Lời tự sự của chủ thẩm mỹ viện Cát Tường trong trại giam: Tôi ân hận, không lý giải được tại sao mình lại nghĩ ra việc phi tang xác bệnh nhân...-1

Với tội ác đã gây ra, Nguyễn Mạnh Tường đã phải trả giá bằng những tháng ngày trong trại giam.

Khi gặp chúng tôi Tường khá điềm tĩnh, nói những lời dứt khoát, chậm rãi. Trong tâm thức của kẻ gây ra tội ác Tường cho biết những chuyện đã xảy ra đó như một quá khứ kinh hoàng vẫn luôn hiện hữu. 

Từ một Nguyễn Mạnh Tường rất điềm đạm, tự tin, nói năng dễ nghe, luôn tin vào tay nghề của mình  đến một kẻ sát nhân với Tường đó là điều ngay cả chính phạm nhân cũng không thể hiểu nổi.

Như muốn trút bỏ những tâm sự ruột gan của mình trong trại giam, phạm nhân này luôn khát khao mong muốn sớm cải tạo thật tốt để chuộc lại những lầm lỗi mà mình đã gây ra. 

Để “giết thời gian” và giúp bản thân tốt hơn, nhận thức được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống,  trong căn phòng giam tối om, Tường luôn cầm sách tận dụng ánh sáng mặt trời, đèn điện để đọc.

“Trại giam giam lại tất cả cơ thể, tinh thần của mình suốt thời gian dài. Được ban giám thị quan tâm dần dần tôi cũng quen và mong muốn cải tạo tốt hơn sớm hoà nhập, hoàn thiện bản thân mình. Từ đó tôi thấy cuộc sống bớt đi nỗi buồn khi mà án tù kéo dài suốt 19 năm.

“Đọc sách giúp tôi hiểu rõ một chân lý cơ bản nhất đó là nhìn nhận vấn đề bằng cái nhìn tích cực. Dù sự việc đó xảy ra là tốt hay không tốt thì điểm tích cực sẽ đưa con người tốt hơn”, Tường tâm sự. 

Lời tự sự của chủ thẩm mỹ viện Cát Tường trong trại giam: Tôi ân hận, không lý giải được tại sao mình lại nghĩ ra việc phi tang xác bệnh nhân...-2

Tường nuối tiếc vì mình đã được đào tạo thành một bác sĩ cứu giúp bệnh nhân và cả xã hội. Tuy nhiên, Tường lại gây ra tội ác trái với lương tâm, những điều không ai có thể tha thứ được.

Nhắc lại vụ việc đau lòng từng xảy ra, Tường cho biết có nhiều điều làm anh nuối tiếc sau vụ án xảy ra cách đây 6 năm trước tại thẩm mỹ viện Cát Tường. Tường nuối tiếc vì mình đã được đào tạo thành một bác sĩ cứu giúp bệnh nhân nhưng Tường lại gây ra tội ác trái với lương tâm, những điều không ai có thể tha thứ được.

“Khi tôi là một bác sĩ trong đầu chưa từng có ý nghĩ gây tổn thương đến ai cả thậm chí mình phải cứu giúp hoặc có hành động giúp đỡ người khác. Sự việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường hôm đó là một bất ngờ. 

Tôi bất ngờ vì không ý thức suy nghĩ gì và rồi làm theo vô thức mà đến bây giờ không lý giải tại sao mình lại làm vậy? Tự đặt nhiều câu hỏi cho mình nhưng rốt cuộc cũng không trả lời được tại sao mình lại làm như thế. Nghĩ ra việc phi tang xác bệnh nhân hoàn toàn vô thức”, Tường nói. 

Tường tâm sự nếu khi đó đủ bình tĩnh thì sẽ không xử lý như vậy. Tường sẽ làm những điều tốt nhất, đưa đến cơ sở y tế cứu bệnh nhân với hy vọng cứu được bệnh nhân… 

“Sau những gì tôi đã làm khiến cho gia đình, vợ con phải chịu rất nhiều áp lực. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều.  

Tôi luôn cố gắng động viên vợ con vượt qua và vợ con cũng động viên tôi làm sao vượt qua khó khăn như bây giờ. Khi xảy ra chuyện, con tôi còn rất bé, nó chưa nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết con thường hay hỏi mẹ ‘Tại sao bố đi mãi không về?’ 

Tôi biết con nhớ mình và tôi cũng thế, nhớ con rất nhiều. Khi được gặp con, mới đầu con nói “A bố”. Lúc đó tôi lặng người đi không biết nói gì chỉ nhìn con, chỉ đủ can đảm nói với con rằng bố sắp về rồi, bố đi làm sẽ sớm về với con. 

Chính vì con, vì những hành động đó của con giúp tôi có động lực phấn đấu sớm vượt qua tội lỗi, cải tạo thật tốt để sớm về với con với gia đình”, Tường xúc động. 

Trong 6 năm kể từ khi vụ án trôi qua, Tường kể bản thân rất hối hận, mong muốn gia đình chị Lê Thị Thanh Huyền thông cảm, tha thứ cho những lỗi lầm của mình. Những điều đã xảy ra không thể lấy lại được nhưng lời xin lỗi thì xuất phát từ tận đáy lòng của phạm nhân.

 “Con người quý nhất đó là gia đình, sự mất mát này không ai mong muốn. Tôi rất hối hận, tiếc nuối, mong gia đình bị hại thông cảm tha thứ cho lỗi lầm đó của tôi.

Đây là lời xin lỗi xuất phát từ trái tim của tôi, những quá khứ đã xảy ra giờ không thể lấy lại được, tôi chỉ hy vọng nhận được sự tha thứ của gia đình bị hại. Tôi mong gia đình bị hại cũng như vợ con thông cảm và tha thứ những lỗi lầm tôi đã gây ra cho cả hai bên", Tường ân hận. 

Kết thúc buổi gặp gỡ, Nguyễn Mạnh Tường bước từng bước chầm chậm rời khỏi phòng để về phân trại của mình. Anh hy vọng cải tạo thật tốt để sớm về bên gia đình, làm lại cuộc đời sau những lỗi lầm mình đã gây ra...

Trước đó, vào ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm) đến thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45 Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để hút mỡ bụng và nâng ngực. Tại đây, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp phẫu thuật thẩm mỹ cho chị Huyền.

Chiều cùng ngày, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Nguyễn Mạnh Tường cùng các nhân viên cấp cứu cho chị Huyền nhưng không thành công.

Đến khoảng 23h30 cùng ngày, Tường cùng bảo vệ Đào Quang Khánh đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đến Bệnh viện Bưu Điện (Trần Điền, Hoàng Mai, Hà Nội). Khánh cầm túi xách và đi xe máy của chị Huyền theo sau xe ô tô của Tường.

Khi đến cổng bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có đông người và xác chị Huyền đã bị cứng nên Tường sợ lộ, không đi vào trong bệnh viện mà dừng lại ngoài đường.

Để phi tang xác, Tường và Khánh đã bàn kế hoạch chở xác của chị Huyền lên cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng. Đến ngày 21/10/2013, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bị cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội bắt giữ.

Theo Helino


Thẩm mỹ viện Cát Tường

phẫu thuật thẩm mỹ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.