Năm tháng cuối đời bi ai của nữ đại gia Hà thành

Chứng kiến năm tháng cuối đời cô độc trong viện dưỡng lão của nữ đại gia Hà thành, ông Hòa không khỏi xót xa.

Chứng kiến năm tháng cuối đời cô độc trong viện dưỡng lão của nữ đại gia Hà thành, ông Hòa không khỏi xót xa.

12 giờ trưa, cái nắng oi nồng của mùa hè đang lên đến đỉnh điểm, mọi người đều tranh thủ tạt vào bóng râm trốn nóng.

Tại khu vực đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy (Hà Nội), hai chiếc xe ô tô màu đen đi tới. Sáu người đàn ông cao lớn, khuôn mặt lạnh lùng vội vã từ trên xe bước xuống, họ đưa đôi mắt quan sát xung quanh.

Thấy an toàn, họ thông báo cho người phía trong xe. Lúc này, một người phụ nữ sang trọng, ăn mặc thời thượng bước xuống di chuyển về phía ngôi nhà ba tầng cách đấy không xa. Sáu người đàn ông khi nãy khiêng thùng hàng đi phía sau.

Đó là một buổi làm việc của nhóm vệ sĩ tại công ty của ông Trần Văn Hòa (Giám đốc điều hành một doanh nghiệp cung cấp vệ sĩ ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội).

Ông Trần Văn Hòa chia sẻ, lực lượng vệ sĩ không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khách hàng mà còn làm cả công tác áp tải tiền mặt, hàng hóa có giá trị lớn.

Theo ông Hòa, bên cạnh việc bảo vệ an toàn cho các đại gia, ngôi sao và “cậu ấm, cô chiêu” nhà giàu. Lực lượng vệ sĩ còn được nhiều người tìm đến để giúp họ áp tải tiền, tài sản trong các thương vụ kinh tế.

Ông Hòa từng có thời gian dài hoạt động trong lực lượng vũ trang, va chạm với đủ mặt trái của xã hội nhưng quá trình làm nghề, không ít lần ônh phải rơi nước mắt trước những câu chuyện đời.

Như trường hợp người phụ nữ ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) cách đây hơn một năm là điển hình. Thời điểm gặp ông Hòa, bà cũng ngoài 70 tuổi. Hai vợ chồng bà sinh được ba người con trai, gia đình thuộc hàng giàu có vì có nền tảng kinh doanh đất đai.

Trước khi chồng mất, các con bà Hòa đều được chia tài sản đầy đủ nhưng chúng vẫn ganh tị nhau. Hễ đến thăm mẹ là con trai, con dâu lại đòi hỏi, mang chuyện chia chác ngôi nhà hơn 300 m2 bà đang sống ở gần hồ Tây (Tây Hồ, Hà Nội) ra cãi vã.

Mệt mỏi, bà âm thầm rao bán nhà rồi dự định chuyển vào viện dưỡng lão sinh sống. Các con biết tin, kéo đến đòi mẹ chia phần. Sợ xảy ra chuyện, bà đến gặp ông Hòa, thuê vài vệ sĩ bảo vệ mình trong quá trình giao dịch mua - bán nhà, sau đó đưa bà đến ngân hàng lập sổ tiết kiệm.

Hôm bà thực hiện giao dịch, ba cậu con trai đưa vợ con đến gây sự, yêu cầu các vệ sĩ đứng sang một bên, để gia đình họ giải quyết chuyện nội bộ.

Thế nhưng, trước dàn vệ sĩ đông đảo, các con bà không tiếp cận được mẹ, chỉ đứng ngoài cổng nhà dùng lời lẽ hỗn láo, xúc phạm người sinh ra họ.

Để tránh xảy ra xô xát, va chạm, ông Hòa gọi điện báo cho công an địa phương đến giữ an ninh trật tự, còn lực lượng vệ sĩ đưa cụ bà cùng số tiền lớn ra xe, đến thẳng ngân hàng.

“Sau này, tôi vào thăm, bà nói, hàng tháng ngân hàng sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản của viện dưỡng lão, chi trả tiền sinh hoạt phí cho bà. Khi bà mất đi, toàn bộ số tiền đó sẽ được làm từ thiện.

Chứng kiến những năm tháng cuối đời của nữ đại gia đó, tôi thực sự xót xa. Ở tuổi gần đất xa trời, tiền bạc không còn quan trọng nữa mà cái chính là được sống vui vầy với con cháu. Đáng tiếc, bà lại không được hưởng điều đó …”.

Giám đốc công ty vệ sĩ cho hay, trong cuộc sống hiện đại, công nghệ phát triển, giúp người ta dễ dàng giao dịch tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, nhiều giao dịch, các thương gia, kế toán doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư bất động sản… vẫn phải mang theo số lượng tiền lớn, có khi lên tới vài tỷ đồng.

"Thực tế, tôi ghi nhận được nhiều khách hàng khi tìm đến bên tôi từng gặp nạn khi tự mình chuyển số tiền lớn.  Đó là câu chuyện của nữ kế toán trưởng của công ty sản xuất thực phẩm, tên Lan Anh (SN 1980)".

Bên chị không trả lương qua tài khoản mà thanh toán trực tiếp cho người lao động vào cuối tháng. Mỗi lần đến kỳ trả lương, chị đến ngân hàng rút số tiền khá lớn. Dịp Tết năm 2018, chị cùng thủ quỹ đi lấy tiền trả lương, thưởng Tết cho công nhân.

Đến cổng công ty, chị vừa mở cửa xe, bước xuống thì có hai đối tượng đi xe máy phóng vụt qua, giật chiếc balô trong tay chị. Bên đó có đựng 600 triệu đồng cùng một số tài liệu.

Sự việc ngay sau đó đã được chị trình báo lên cơ quan công an nhưng trước khi họ điều tra, tìm ra thủ phạm, chị phải tạm ứng tiền túi thanh toán công nợ. Sau lần đó, dù việc thanh toán kỳ lương công ty chị đã chuyển sang hình thức mới, nhưng mỗi khi đến ngân hàng giao dịch số tiền mặt lớn, chị đều được công ty bố trí cho 2 vệ sĩ đi cùng.

Vẫn theo lời ông Hòa, số lượng vệ sĩ tham gia áp tải tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và giá trị tài sản đó. Ông Hòa chia sẻ thêm:

“Với lĩnh vực áp tải tiền, để gúp khách hàng an tâm, bên tôi đã ký hợp đồng Bảo hiểm chuyển tiền với các công ty bảo hiểm, nhằm đảm bảo những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình vận chuyển”.

Cũng tham gia nhiều phi vụ áp tải hàng hóa có giá trị lớn, nữ vệ sĩ Dương Thị Xuyến (SN 1991 - Hà Nội) đặc biệt ấn tượng lần mình bảo vệ cho con trai lớn của vợ chồng chủ chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn. Gia đình họ sống trong căn biệt thự phía Tây Hà Nội.

Người con trai này ham mê cờ bạc, đỏ đen, cá độ bóng đá. Bố mẹ hết lần này đến lần khác trả nợ cho con nhưng anh ta mãi cũng không thay đổi được thói xấu đó. Họ quyết định mặc kệ, cắt mọi khoản viện trợ, chu cấp hàng tháng.

Anh ta vẫn chứng nào tật ấy, vay mượn nợ lãi bên ngoài để nướng vào chiếu bạc, đề đóm và ăn chơi. Đến khi số tiền gốc cộng lãi lên tới gần chục tỷ, anh ta bị đội chủ nợ kéo đến nhà đòi tiền.

Xuyến đang kiểm tra thực địa, trước khi đưa thân chủ tới địa điểm này.

Họ mang băng rôn, rải giấy đòi nợ đầy trước cửa căn biệt thự. Lo lắng đội chủ nợ quá khích, gây hại cho gia đình mình, bố mẹ anh ta thuê vệ sĩ đến bảo vệ.

Đến khi anh ta thề thốt, lấy dao rạch tay hứa sẽ không quay lại con đường cờ bạc, vợ chồng ông chủ khách sạn mới đồng ý trả nợ giúp con trai.

Vợ chồng họ hẹn đám chủ nợ đến nhà thanh toán và Xuyến được cử hộ tống mẹ anh ta đi ngân hàng rút tiền.

Khi xe ô tô về gần đến cổng, nữ vệ sĩ bất ngờ thấy người đến đòi nợ ngày một đông, khá lộn xộn. Xuyến vội quay xe, đưa bà chủ cùng số tiền rời khỏi đó. Nhờ lực lượng cảnh sát trật tự, đám đông được giải tán.

"Sau hôm đó, gia đình họ thỏa thuận với các chủ nợ, sẽ trả với điều kiện xếp hàng, giữ trật tự và mỗi ngày họ chỉ trả tiền cho 5 người" - nữ vệ sĩ kể.

Nam vệ sĩ  Trần Quốc Đạt (SN 1989) từng suýt bỏ mạng khi bảo vệ cho thân chủ của mình.

Dương Thị Xuyến cũng như nhiều vệ sĩ khác phóng viên có cơ hội trò chuyện đều trong độ tuổi còn trẻ. Mặc dù, công việc này đầy rẫy nguy hiểm, vất vả nhưng dường như nó đã trở thành một phần cuộc sống của họ.

Bên cạnh đó, trong suy nghĩ của nhiều người, những ai làm nghề này đều xuất phát từ lý do không có bằng cấp, trình độ.

Tuy nhiên, Xuyến cho hay, phần lớn cô và các đồng nghiệp đều tốt nghiệp đại học, có trình độ. Một số ít là xuất thân từ vận động viên võ thuật chuyên nghiệp.

"Để làm vệ sĩ, ngoài khả năng sử dụng nắm đấm, cần hội tụ đủ rất nhiều kiến thức xã hội. Do vậy, mỗi năm, công ty mình cũng chỉ tuyển chọn được từ 10 đến 15 người đáp ứng đủ tiêu chí.

Vì lý do sức khỏe và xuất phát từ việc thân chủ không muốn thuê vệ sĩ quá lớn tuổi nên thường đến độ tuổi 40 là họ bắt đầu "nghỉ hưu", tìm công việc khác mưu sinh. Đó cũng là một điều đáng tiếc của nghề" - cô trải lòng.

Theo VietNamNet


nữ đại gia

vệ sĩ

viện dưỡng lão


Luật sư ‘mách nước’ để nạn nhân trong vụ Mr Pips lừa đảo lấy lại tiền
Cơ quan điều tra xác định 2.661 bị hại trên toàn quốc và tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng. Luật sư cho rằng, các nạn nhân có thể lấy lại tiền nếu thực hiện 3 bước theo hướng dẫn của cơ quan điều tra.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.