Người Hà Nội chèo thuyền tìm nơi "lánh nạn" trong đêm: "Dự đoán nước còn dâng cao nữa nên... chạy thôi"

Cả xã Nam Phương Tiến di cư lánh nạn gần hết, chỉ còn mấy hộ dân xây nhà 2 tầng cố gắng bám trụ với sông nước.

Cả xã Nam Phương Tiến di cư lánh nạn gần hết, chỉ còn mấy hộ dân xây nhà 2 tầng cố gắng bám trụ với sông nước. Những căn nhà cấp 4 coi như chẳng thể "đấu" lại với thiên tai, chấp nhận bị chìm dưới tầng nước đục ngầu. Từng hộ dân gọi nhau gói ghém đồ đạc, chèo thuyền đến vùng đất cao hơn.

Màn đêm buông xuống nơi xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Xung quanh bốn bề sông nước, vài ngọn đèn con leo lét rọi đường. Giờ ở cái xã này cũng chẳng còn đường mà đi nữa, nước dâng cao đến nửa mét, người dân đi lại bằng thuyền. 

3, 4 người đàn ông tay xách nách mang đầy khệ nệ, từ quần áo đến đôi dép, cả nồi cơm lẫn mũ bảo hiểm. Bao nhiêu vật dụng ôm được cái nào thì ôm. Họ xé nước, rảo từng bước chân nặng trịch. Ra tới cái cổng xã thì may nước chỉ còn dâng quá đầu gối, đi vào sâu hơn phải đến tầm bụng người. Cả xã mất điện, nhốn nháo trong đêm.

- "Mọi người đi đâu mà vội vã vậy ạ?", chúng tôi hỏi. 

- "Chạy lũ chứ còn gì nữa đâu...".

Cả cái xã chốn nào cũng ngập lụt.

Cả nhà sơ tán lên tầng 2 ăn tạm bữa cơm tối.

Thân nhà chìm hẳn giữa dòng nước lũ, còn mỗi mái nhà.

Nhà nào trên địa bàn xã cũng có sẵn mấy cái thuyền để tránh những ngày lũ về.

"Dự đoán là nước còn lên nữa nên chỉ biết... chạy thôi"

Mưa lớn kéo dài, kết hợp với nước xả lũ từ thuỷ điện sông Đà vô tình biến xã Nam Phương Tiến thành một con sông theo đúng nghĩa đen của nó. Đã 3 ngày rồi lũ vẫn chưa chịu rút. Có những căn nhà giờ chẳng còn nhìn thấy thân, trồi mỗi cái nóc mái ngói đỏ. Không điện, không nước, không cả lương thực - đây chính xác là thảm cảnh những ngày qua của người dân tại xã Nam Phương Tiến. 

Chúng tôi đi thuyền vào xã, ngược chiều bên kia từng hộ dân đang gọi nhau gói ghém đồ đạc chạy lũ. Bác Hiến (68 tuổi) đầu đội chiếc đèn pin nhỏ, tay cầm vài ba bộ quần áo. Căn nhà của vợ chồng bác chẳng thể ở nổi nữa rồi, chỉ còn cách di cư lên vùng cao hơn xin ngủ nhờ. "Nhà cửa ngập hết rồi, giờ chỉ có đi lánh nạn thôi. Năm ngoái cũng phải chịu cảnh này nhưng chẳng ngờ năm nay lại dính tiếp". 

Cả xóm "chạy lũ" trong đêm nhưng ai cũng tươi cười.

Lúc này thì mọi vật dụng đều quý, kể cả đôi dép tổ ong.

Cả gia đình lội nước di cư lên vùng đất cao hơn.

Từ ngày 22/7, nước lũ đã bắt đầu dâng lên không thể kiểm soát trên địa bàn toàn xã. Dù đã quen với cuộc sống có thể bị đe doạ ngập lụt bất cứ lúc nào, nhưng anh Thắng (23 tuổi) vẫn cảm thấy bất lực với những gì trước mắt mình. Hoa màu mất sạch chẳng còn lại gì. Anh cầm vài chùm nhãn còn chưa kịp chín vừa đi vừa ăn. 

Cả xã di cư lánh nạn gần hết, chỉ còn mấy hộ dân xây nhà 2 tầng cố gắng bám trụ với sông nước. Những căn nhà cấp 4 coi như chẳng thể "đấu" lại với thiên tai, chấp nhận bị chìm hẳn dưới tầng nước đục ngầu. Hỏi bác chèo thuyền tên Hoàng (46 tuổi) thống kê số nhà bị ngập, bác cũng chịu. Bởi ngập nhiều quá đếm không nổi.

Nhà bác Kiểm đầu xa cho người dân để nhờ xe.

Xa xa phía đầu xã có nhà bác Kiểm khá khang trang. Bác cho người dân gửi nhờ xe rồi sẵn lòng chèo thuyền đưa họ về nhà. Nhà chị Oanh chỉ còn cách 700 mét, nhưng cũng chịu chẳng dám phi xe vào nổi. Chị ngồi yên vị trên thuyền, bác Kiểm rẽ nước đưa chị về. Bác chả lấy tiền của người dân làm gì, vì thời điểm này ai cũng khổ như nhau, giúp được ít nhiều thì mình giúp. 

"Ôi ngập gần hết rồi, dự đoán là nước còn lên nữa nên chỉ biết chạy thôi" - bác Kiểm hét lớn.

Cán bộ nhân viên điện lực Chương Mỹ có mặt từ 3, 4 ngày nay để ứng trực tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ.

Bác Kiểm chở chị Oanh về nhà. Chị có cái túi đeo nhỏ màu xanh để điện thoại đỡ bị ướt.

Tiếng hát, tiếng cười lạc quan của người dân Chương Mỹ trong đêm

Cả xã giờ tan hoang, xác hoa màu nổi lềnh bềnh. Khi lũ về, anh Sơn chỉ kịp ôm lợn gà mà chạy. Đợi khi nước rút đến ngang bụng, anh mới dám về xem nhà cửa như nào. Riêng gạo với thóc không thể mang đi, anh đành về nhà ngủ chung với nước lũ để canh chừng. Gì chứ mùa này trộm cắp cũng hoành hành nhiều. 

Gia đình anh Thuận chị Thảo chạy lũ bằng con thuyền nhỏ mượn nhà hàng xóm. 2 bé nhà anh chị, đứa lớn 7 tuổi, đứa bé 2 tuổi rưỡi ngồi ngoan ngoãn trên thuyền. Chốc chốc chúng lại cười hồn nhiên đầy trong trẻo. Nhà ngập đến nửa mét, cả gia đình anh chuẩn bị sang ông bà ngoại bên Đông Sơn để lánh nạn. 

Gia đình anh Thuận lên nhà ông bà ngoại "lánh nạn".

Đứa con út nhà anh Tú còn đang mải bú mẹ. Lũ trẻ cười hồn nhiên đầy trong trẻo.

Một thanh niên đang di chuyển trong làng với chiếc can nhựa để đề phòng thụt vào chỗ sâu, điện thoại đã được bọc chắc chắn vào túi chống nước.

"Có quần áo, tấm vải che thân là hạnh phúc lắm rồi, chứ giờ còn gì nữa đâu mà mất" - anh Thuận thở dài.

Chèo thuyền đưa vợ con ra tới đầu xã, anh Thuận buồn buồn gọi đứa con gái lớn hát bài cho cả nhà nghe. Tiếng nói cười khanh khách như tia sáng vụt lên trong đêm. Gần đấy, gia đình anh Tú cũng đang "sơ tán". Đứa con gái út vẫn đang bám lấy bầu vú của mẹ ngủ ngon lành trên thuyền. Khung cảnh xung quanh xơ xác chỉ thấy mỗi nước, nhưng chính nụ cười của lũ nhỏ đã xua đi bao nhọc nhằn những ngày qua. 

Trên con thuyền nhỏ một tay anh Thuận chở cả gia đình mình, đứa bé cất tiếng hát trong veo như xua đi màn đêm. "Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba. Cả nhà ta cùng thương yêu nhau, xa là nhớ gần nhau là cười". Dứt lời, những tràng pháo tay trong lũ vang lên giòn giã.

Người dân hì hục "quét" nước trong đêm.

Khung cảnh tay xách nách mang của người dân tại xã Nam Phương Tiến.

Dẫu sao thì vẫn luôn lạc quan và cười tươi.

Dù chưa thể biết nay mai lũ sẽ còn đe doạ cuộc sống người dân như thế nào, nhưng với hiện tại trước mắt, sự lạc quan chính là nguồn động lực sống quý giá đối với họ. Trong bão lũ nếu kiên trì tìm kiếm, chúng ta có thể sẽ thấy những nụ cười. "Chỉ mong nước mau rút để được về nhà thôi", anh Thuận nói, rồi nghiêng người dịch con thuyền sang mép phải. 

Chỉ một đoạn nữa thôi gia đình anh sẽ về tới nhà ông bà ngoại, nơi mà nước lũ vẫn chưa dâng và họ sẽ có một giấc ngủ ngon lành. 

Theo Trí thức trẻ


lánh nạn

ngập lụt

mưa lớn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.