Người mẹ bị trao nhầm con bị nhiều người mắng thẳng mặt "con mình không nuôi, đi nuôi con người"

Chị Hương cho hay, nhiều lần chị cảm thấy bị tổn thương khi dư luận chỉ trích, thậm chí còn có người mắng thẳng mặt nói rằng: "Con mình không đón về nuôi, đi nuôi con người ta".

Chị Hương cho hay, nhiều lần chị cảm thấy bị tổn thương khi dư luận chỉ trích, thậm chí còn có người mắng thẳng mặt nói rằng: "Con mình không đón về nuôi, đi nuôi con người ta".

>> Phát hiện BV trao nhầm con sau 6 năm

Ảnh hai mẹ con do chị Hương cung cấp.

Manh mối nhờ tấm ảnh trên Facebook

Ngày 1/11/2012, chị Phùng Thị Thu Hiền (SN 1989) và chị Vũ Thị Hương (SN 1983, trú huyện Ba Vì, Hà Nội) cùng sinh con trai tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì.

Hai đứa trẻ chào đời chỉ cách nhau 20 phút. Sự nhầm lẫn trong quá trình trao con của hai nữ hộ sinh cách đây 6 năm đã dẫn đến bi kịch với cả hai gia đình.

Chị Phùng Thị Thu Hiền, một trong hai người phụ nữ đã bị trao nhầm con cho biết, việc bệnh viện trao nhầm con cho gia đình 6 năm trước đến gần đây mới được phát hiện đã gây ra rất nhiều rắc rối cho gia đình.

Theo chị Hiền, cháu Phùng T.H. con chị nay đã 6 tuổi. 6 năm qua mỗi ngày một lớn thì ngoại hình của cháu cũng từng ngày càng thay đổi và không hề giống bất kỳ ai trong gia đình.

Điều này đã làm cho nhiều người suy nghĩ về phẩm hạnh cũng như nói ra nói vào về bản thân chị.

"Lúc phát hiện, tôi không dám tin vào sự thật, không dám tin là có sự nhẫm lẫn này, xót xa cho 2 đứa trẻ, xót xa cho chính con ruột mình. Bây giờ chỉ mong muốn có thể đưa 2 cháu về đoàn tụ với gia đình càng sớm càng tốt", chị Hiền chia sẻ.

Gia đình anh Phùng Giang Sơn.

Trong khi đó, anh Phùng Giang Sơn còn nhớ như in vào ngày 1/11/2012, trong phòng có hai sản phụ sinh cách nhau 20 phút, vợ anh sinh con trước nhưng lại nhận con sau.

Theo anh Sơn, lúc nhận bé tã lót không giống, gia đình anh có linh cảm nên hỏi nhưng các bác sĩ bảo rằng, đây chính là con cháu rồi. Đến lúc ra về vài ngày sau, gia đình vẫn ngờ vực, nhưng hỏi lại được kíp trực khẳng định không nhầm.

Anh Sơn nhớ lại, dù bác sĩ nói không nhầm nhưng càng lớn, cháu H. lại càng đen đi, không giống người trong dòng họ gia đình.

Sau đó, trong họ có nhiều lời xì xèo, bàn ra tán vào về việc này nhưng vì tình yêu, quá trình nuôi nấng con khiến vợ chồng anh chị không tin nổi. Vợ chồng anh chị thậm chí đã nổi giận khi mẹ có ý định đi xem mặt cậu bé giống nhà mình.

"Thú thực, dù con càng lớn càng không giống, nhưng không ai nghĩ việc nhầm lẫn lại rơi vào mình cả", anh Sơn nói.

Cho tới một ngày tháng 3 vừa qua, một người cháu của gia đình khi đi đám cưới, thấy cậu bé M cùng một khuôn, một đúc với nhà anh Sơn thì chụp ảnh lại.

Trong bức hình đăng lên Facebook, cậu bé trắng trẻo, những đường nét trên khuôn mặt, đặc biệt chiếc môi cong, không lẫn đi đâu được so với nhà anh Sơn.

Vô tình bố của anh Sơn xem ảnh trên điện thoại qua facebook, nhìn thấy ảnh giống ông quá, nên đã bảo anh Sơn đưa bé H đi xét nghiệm ADN.

Không còn cách nào khác, anh Sơn bàn với vợ quyết định cho cháu H. đi giám định ADN và kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự cho thấy, cháu không phải là con đẻ của anh Sơn.

Cậu bé M mà gia đình anh Sơn nghi ngờ là con đẻ của mình (thời điểm đó) cũng được đưa đi xét nghiệm ADN. Kết quả khiến hai gia đình rất bất ngờ. Vì đây chính là hai đứa trẻ bị trao nhầm.

Mẹ ơi! Con nghĩ ra cách rồi...!

Nhận được thông tin bị trao nhầm con, chị Vũ Thị Hương đã rất sốc và bàng hoàng nhưng nỗi đau lớn hơn mà chị phải chịu, đó là gia đình chị trước đó đã tan nát một phần vì nguyên nhân cháu M. không giống bố.

Trong cuộc chia sẻ với PV, nhiều lần chị Hương đã nghẹn lại, khóc vì nỗi đau, những mất mát quá lớn từ việc nhầm lẫn này.

Mẹ con chị Vũ Thị Hương

Theo chị Hương, 3 năm đầu sau khi sinh con, cuộc sống gia đình chị rất ổn định, kinh tế khá giả và người chồng cũ là anh D. dù đôi khi vẫn trách móc chuyện không giống nhưng vẫn rất yêu thương con, hay đưa con đi mua đồ.

Chị nói thêm, sức khỏe của cháu M. không được tốt, từ khi còn trong tháng, bé đã bị vấn đề đường hô hấp. Khi hơn ba tháng, cậu bé bị một cơn ốm khiến chị Hương như chết đi sống lại.

"Trong đêm bé bị viêm phổi, tím tái, chạy từ một phòng khám tư, sang Bệnh viện Sơn Tây, rồi xuống Bệnh viện Nhi. Gần cả tháng trời đi viện, một mẹ, một con đồng hành với nhau", chị nhớ lại.

Mọi chuyện tưởng chừng sẽ yên ấm nhưng từ khi chị sinh bé thứ 2, cuộc sống hôn nhân bắt đầu xấu đi. M. càng lớn, càng không giống bố khiến cho chồng chị nghi ngờ chị không thủy chung.

Không còn là mắng chửi mà chồng cũ của chị còn đập phá đồ đạc các cơ sở mầm non tư thục do chị lập lên, tổn thất lên tới 500 triệu đồng. Đến năm 2017, anh chị chính thức chia tay và chị nhận nuôi cả 2 cháu.

"Thời điểm đó, con thứ 2 mới được 6 tháng tuổi. Chồng tôi không nuôi đứa nào cả, không cấp dưỡng nghìn nào cho con. Tôi nhận nuôi cả 2 đứa vì thấy lằng nhằng như thế nên không tự tin để chồng nuôi", chị Hương nói.

Mất mát, đau đớn là vậy nhưng người mẹ này vẫn khẳng định, mình vẫn còn được một điều rất lớn đó là "có cùng lúc hai đứa con".

Tuy nhiên, kết quả giám định ADN cho biết, đứa con đang nuôi không phải con mình đến quá vội vàng gấp gáp nên bản thân chị cũng chưa thể thích ứng được. Nhưng từ khi biết kết quả, chị vẫn tìm mọi cách để làm công tác tư tưởng cho con.

"Hàng đêm nằm nói chuyện, tôi thủ thỉ vào tai con và nói: M. là con đẻ của bố Sơn, mẹ Hiền. Rồi mỗi buổi tối, tôi thường dạy cháu đánh vần tên bố mẹ ruột.

Ngày đầu tiên khi tôi nói chuyện này, M. phản ứng gay gắt, nhưng rồi "mưa dầm, thấm lâu", M. bắt đầu hỏi tôi vì sao lại thế? Khi con đặt ra những câu hỏi này, tôi biết rằng con đã phần nào hiểu chuyện.

Trong câu chuyện giải thích cho M., tôi luôn phải trấn an M. rằng: Mẹ vẫn là mẹ của con, cho dù con làm gì, mẹ vẫn đứng đằng sau con.

Lúc đó, M. trả lời mẹ rằng: Con mà đi biến hình thì mẹ sẽ không bao giờ biết con ở đâu nữa. Nghe thấy con nói vậy, tôi chạy vội vào nhà vệ sinh và khóc, không để cho con nhìn thấy", chị Hương nói và lau đi những giọt nước mắt.

Người mẹ này chia sẻ thêm, một buổi tối gần đây, M. lại nói: "Mẹ ơi, con nghĩ ra cách rồi. Con sẽ không phải đi đâu cả. Mẹ tìm một khuôn mặt giống con, mẹ may áo bông, gắn khuôn mặt lên, điều khiển bạn ấy về nhà chú Sơn, cô Hiền. Cho bạn ấy ở đó, còn con ở đây với mẹ".

"Nghe đến đây, nước mắt tôi lại cứ trào ra và mới đây nhất, ngồi khoanh chân xem tivi, M. đã liên tục lẩm nhẩm: "M là con mẹ Hương, M là con mẹ Hương".

Lúc đó, tôi đã nói tiếp với cháu rằng, con ở đâu, con vẫn là con của mẹ, con không phải lẩm nhẩm thế", chị Hương chia sẻ thêm.

Hồ sơ của hai bé.

Trong câu chuyện, chị Hương cho hay, rất nhiều lần chị cảm thấy bị tổn thương nặng nề khi dư luận chỉ trích chị, thậm chí còn có người mắng thẳng mặt nói rằng: "Con mình không đón về nuôi, đi nuôi con người ta".

Những lúc đó, chị Hương chỉ biết khóc một mình, bởi chỉ có ai ở trong hoàn cảnh của chị thì mới hiểu được sự khó khăn như thế nào.

"Tôi xin khẳng định không phải tôi không muốn giao nhận 2 con, nhưng thời điểm này là không hợp lý, thậm chí là hại các con. Cần phải có thêm thời gian để các cháu làm quen", chị Hương nhấn mạnh.


Bệnh viện Đa khoa Ba Vì

trao nhầm con

xét nghiệm ADN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.