Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ “bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm

Cuộc sống quá khó khăn trong ngôi nhà chật chội, vợ ông Xuân đã phải bỏ nhà, bỏ chồng con ra đi không trở lại.

Cuộc sống quá khó khăn trong ngôi nhà chật chội, vợ ông Xuân đã phải bỏ nhà, bỏ chồng con ra đi không trở lại.


Video ông Xuân chia sẻ về cuộc sống khó khăn khi sống trong căn nhà siêu nhỏ.

Nhà nhỏ như hộp diêm, thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm

Ông Hoàng Văn Xuân năm nay 57 tuổi, đó cũng là khoảng thời gian người đàn ông này sống trong ngôi nhà chật chội, với diện tích chỉ vọn vẹn 5m2. Là trai gốc Hà Nội, tiếng là có nhà ở phố Hàng Buồm nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, ông Xuân liên tục than vãn: “Tôi sống ở phố cổ, nhưng sắp thành người tối cổ rồi”.

Nơi ở của ông Xuân nằm sâu trong ngõ 44 Hàng Buồm. Dẫn chúng tôi lên thăm nhà, người đàn ông này phải bật đèn điện thoại soi mới thấy đường đi. Con ngõ nhỏ đến mức hai người đi bộ ngược chiều sẽ không thể lách được. Đến giữa con ngõ, ông Xuân vừa nói, vừa dặn dò: “Nhà tôi ở trên này, phải leo qua những thanh sắt chữ U tự chế, lên phòng đừng buông chân xuống dưới kẻo chạm vào đầu người khác”.

Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-1Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-2
Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-3

Con ngõ nhỏ luôn tối đen, mỗi khi lên nhà ông Xuân phải trèo leo khá vất vả.

Nhà ông Xuân tối om không cửa sổ, chiều cao chỉ vỏn vẹn 1 mét, mọi di chuyển trên phòng đều phải đi bằng đầu gối hoặc bò lổm ngổm dưới sàn. Nhìn quanh ngôi nhà bé như hộp diêm, chúng tôi không thể hình dung được cuộc sống của ông Xuân trong gần 60 năm qua tồn tại như thế nào.

Như đọc được suy nghĩ, ông Xuân nói ngay: “Tôi sống ở quán nước vỉa hè nhiều hơn là ở nhà, cơm đường cháo chợ quen rồi. Thế mà cũng đã sống quá nửa đời người rồi đấy”.

Tài sản giá trị nhất của gia đình ông Xuân là chiếc tivi được sắm từ những năm 2000. Là tài sản có giá trị nhất nên ông Xuân ưu tiên để ở nơi trang trọng, chiếm hết một phần diện tích của căn nhà.

Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-4

Chiếc tivi được ông Xuân treo trang trọng trong nhà.

Xung quanh tường nhà được ông Xuân dán đủ các lớp giấy chống ẩm và nấm mốc. Quần áo cũng được ông treo áp sát vào tường để đỡ tốn diện tích. “Quần áo tôi giặt ở dưới sân tập thể rồi phơi nhờ. Ngoài vấn đề nóng bức, bí khí, không sóng điện thoại,... vấn đề khổ nhất là mỗi khi thay quần áo.

Thay áo tôi còn quỳ được xuống nền, chứ thay quần là phải nằm ngửa ra. Vì thế tôi chẳng có chiếc áo sơ mi nào, chỉ toàn áo phông vì muốn cũng chẳng sơ vin được”, ông Xuân chia sẻ.

Hạnh phúc vợ chồng tan vỡ vì nhà quá chật

Ông Xuân trước đây đã từng có một gia đình hạnh phúc với 1 vợ, 1 con trai. Vợ “gã” trai phố cổ này quê ở Phú Xuyên, hai người lấy nhau từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước.

Khi hai vợ chồng yêu và quyết định đến với nhau, ông Xuân cũng đã nói về hoàn cảnh gia đình mình rằng: “Ông có nhà phố cổ, bố mẹ chia cho nhưng chật lắm”. Dù đã được giới thiệu trước, nhưng khi về nhà, vợ ông Xuân vô cùng bàng hoàng bởi không ngờ ngôi nhà hạnh phúc mà mình sắp ở lại đặc biệt đến thế.

Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-5

Những bức tường được dán đủ các loại bạt, bìa để không bị ẩm mốc xông lên.

Ngày đó, được vợ chấp nhận và thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn để đến với mình, ông Xuân vui ra mặt. Hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn với ấp ủ sau này sẽ mua được một ngôi nhà đúng nghĩa. Thế nhưng cuộc sống chẳng như mơ, khi công việc chính của ông làm xe ôm, còn vợ làm tạp vụ. Năm 1996 hại vợ chồng ông lại sinh thêm một đứa con, khiến cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Khó khăn về kinh tế và chỗ ở khiến tình cảm vợ chồng ông rạn nứt. Năm con trai ông được 12 tuổi, vào một buổi tối dông bão, vợ ông đi làm không về và từ đó đến nay dù hai bố con vẫn từng ngày mong ngóng, nhưng vợ ông vẫn chẳng trở về.

Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-6Nhà chồng ở phố cổ chỉ rộng 5m², vợ bỏ chạy” vì thay áo phải quỳ, thay quần phải nằm-7

Mỗi khi thay áo ông Xuân phải quỳ xuống nền, còn thay quần thì phải nằm ra mới thực hiện được.

“Tôi biết cô ấy ra đi vì cuộc sống quá khổ, nhà quá chật chội nên tôi cũng chẳng dám trách móc gì. Chỉ thương đứa con còn quá nhỏ mà đã phải thiếu thốn tình cảm của mẹ”, ông Xuân ngậm ngùi. Ông Xuân cho biết thêm, giờ vợ cũ của ông đã có hạnh phúc mới. Tuy nhiên, ông cũng không buồn vì điều đó và ông mong vợ cũ có cuộc sống tốt hơn.

Nỗi lo về tương lai đứa con trai duy nhất với ngôi nhà “tối cổ”

Con trai ông Xuân năm nay tròn 20 tuổi, hiện đang làm bảo vệ một khách sạn ở Hà Nội. Nhà quá chật hẹp nên con trai ông ăn ở tại nơi làm việc, thỉnh thoảng mới về thăm bố.

Ông Xuân cho biết, con trai ông từ khi chào đời đã khổ khi chỉ nặng 1,5kg. Lớn lên một chút thì mẹ bỏ đi, hai bố con ông cùng nhau sống cảnh “gà trống nuôi con”. Khó khăn nên con ông cũng chẳng được ăn học đến nơi đến chốn.

“Ngày còn đi học cấp 1, cấp 2 nhà chật chẳng thể kê được cái bàn học, nhìn con mỗi tối mồ hôi nhễ nhại phải vừa nằm, vừa bò dưới sàn học bài, thương con mà tôi chẳng biết phải làm làm sao”, ông Xuân ngậm ngùi kể lại.

Ngoài không có ánh nắng mặt trời và sóng điện thoại, những bức tường bóc tróc dần khiến ông Xuân luôn nơm nớp lo bị sập.

Lớn lên, con trai ông Xuân sớm phải bươn chải làm thuê kiếm sống. “Giờ đã đến tuổi hẹn hò, lập gia đình mà cháu tâm sự rằng chẳng dám nghĩ đến vì nhà chật chội. Mỗi khi về thăm bố, cháu chỉ gặp tôi ở ngoài quán trà đá rồi lại đi, chẳng muốn lên nhà”, ông Xuân nói.

Công việc xe ôm của ông Xuân những năm gần đây gặp khó khăn khi ông không rành về công nghệ, hàng ngày vẫn đứng góc đường ai gọi thì chạy đi, thu nhập bình quân chỉ 50 -70.000/ngày, đủ lo bữa ăn.

Giờ đây ông Xuân chỉ lo cho đứa con trai của mình sau này sẽ ra sao khi phải tiếp tục sống trong căn nhà chật hẹp.

Mong muốn lớn nhất của người đàn ông này là được nhà nước quan tâm, tu sửa lại khu nhà cũ và nếu có thể có khu tái định cư ở xa phố cổ hàng chục cây số ông cũng sẵn sàng đi.

“Người ta vẫn nói an cư rồi mới lạc nghiệp. Đời tôi coi như là hết rồi, nhưng còn tương lai của con trai tôi nay mai sẽ ra sao nếu cháu tiếp tục “nối nghiệp” bố ở lại căn nhà không ra nhà này”, ông Xuân nói và nhìn quanh ngôi nhà với ánh mắt đầy ám ảnh.


Theo Khám phá


phố cổ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.