Những chuyện thương tâm ở vùng rốn lũ

Bên đống đổ nát, hoang tàn sau trận lũ quét, hàng trăm người dân hướng mắt về nơi chỉ mấy ngày trước còn là tổ ấm của họ.

Bên đống đổ nát, hoang tàn sau trận lũ quét, hàng trăm người dân hướng mắt về nơi chỉ mấy ngày trước còn là tổ ấm của họ. Hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân vượt qua cơn bĩ cực.

Sạt lở tại bản Sáng Tùng (xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), 28 ngôi nhà bị xóa sổ. Ảnh: PV

Nhiều nơi vẫn bị chia cắt

Sáu ngày sau trận mưa lũ lịch sử, con đường đất dẫn về các xã của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vẫn bị mưa lũ chia cắt. Sìn Hồ là địa phương có thiệt hại nặng nề nhất với 11 người chết, 6 người mất tích. Tại vùng rốn lũ, hàng trăm chiến sỹ công an, bộ đội cùng người dân lấm lem bùn đất vẫn đang miệt mài đào bới tìm thi thể các nạn nhân.

Ông Lò Văn Bở (54 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Noong Hẻo) tình nguyện dẫn đường cho phóng viên vượt qua những con đường bùn đất đến các bản. Vừa đi ông Bở vừa thở dài: “Dân đây khổ quá, mưa lũ cuốn cả người lẫn tài sản, không biết rồi sẽ phải sống thế nào nữa”.

Người cựu binh cho biết, hơn 30 năm nay ông mới lại chứng kiến cảnh lũ lụt, sạt lở đất kinh hoàng như vậy. Với ông hình ảnh trận lũ ống và sạt lở đất khiến 5 người trong bản bản Nậm Há 1 mất tích mãi là nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc đời. “5 người trong 3 gia đình mất tích, họ đều là họ hàng ruột thịt và bị nước cuốn khi đi làm rẫy. Gia đình khổ lắm, người mất chưa tìm thấy, lúa thóc, lợn gà, con trâu trên lán cũng bị trôi hết”, ông Bở ngậm ngùi.

Người dân bản Nậm Há 1 đau xót cho gia đình anh Lò Văn Thâng, anh Lò Văn Xanh mất con, mất vợ do lũ bao nhiêu thì xót xa bấy nhiêu cho số phận chị Lò Thị Tươm (24 tuổi). Cô gái 24 tuổi này vừa mất đi bố cùng cô em gái 10 tuổi trong đợt lũ vừa xảy ra và có một hoàn cảnh khi nhắc đến ai cũng không thể kìm lòng.

Chị Lò Thị Tươm (24 tuổi), người phụ nữ mất chồng, mất bố, mất em vì sạt lở đất.

Lúc sinh con, chị Tươm gọi điện thông báo cho chồng nhưng điện thoại không liên lạc được. Chị Tươm không biết rằng chồng chị cũng đã mất ít phút trước do sạt lở đất khi khai thác vàng ở Quảng Nam. Căn nhà nhỏ cuối bản Nậm Há 1, từng là tổ ấm của gia đình Tươm, nhưng nay chỉ còn chị và đứa con nhỏ. Mất chồng chưa lâu mẹ Tươm lại đi tù vì bị người lạ lừa vận chuyển thuốc lá nhưng bên trong lại là ma túy. Và khi con trai mới 7 tháng tuổi, bố Tươm là Lò Văn Phin (50 tuổi) cùng em gái 10 tuổi Lò Thị Tăm lại bị núi lở chôn vùi dưới bùn đất nhiều ngày vẫn chưa tìm thấy. Nhìn khuôn mặt hốc hác, khóc không thành tiếng của Tươm, ai cũng hiểu cô đang là người chịu bất hạnh lớn nhất của cả làng.

Cách xã Noong Hẻo không xa là Tả Ngảo, nơi vừa xảy ra vụ sạt lở núi “xóa số” toàn bộ 28 căn nhà ở bản Sáng Tùng. Nhưng cũng còn may, chính quyền xã đã vận động người dân di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm từ trước đó, nhờ vậy mà toàn bộ 162 người sinh sống ở 28 ngôi nhà trên đều giữ được mạng sống. Tuy vậy, với cảnh “màn trời, chiếu đất”, không biết những ngày tới họ sẽ sống ra sao.

Dọc lối vào bản Sáng Tùng, người dân thất thần ngồi bên những vật dụng còn sót lại mà họ vừa bới ra được từ đống đất đá. Mưa lũ đã cướp đi tài sản cả cuộc đời họ tích cóp, chắt chiu. Bữa cơm trưa sau lũ chỉ là những gói mỳ tôm và vài ba thanh lương khô.

Gặp chúng tôi, chị Giàng Thị Sấu (40 tuổi) ngân ngấn nước mắt cho biết, cả đời chị chưa bao giờ thấy sợ đến thế. Trong màn đêm, cơn mưa dày hạt, nửa quả đồi cứ từ từ tụt xuống trong tiếng la hét của người dân. Lợn gà chạy nháo nhác, nhìn tài sản lao động cả đời dành dụm bỗng chốc bị vùi lấp, lòng quặn thắt nhưng chẳng thể chạy về cứu được.

Cầm miếng mì tôm sống nhai trệu trạo, bà Hảng Thị Mỷ (76 tuổi, bản Sáng Tùng) cho biết, sạt lở đất xảy ra khi các con của bà đi làm rẫy, mình bà ở nhà nghe chính quyền yêu cầu di dời nhanh để đảm bảo an toàn vì đồi có vết nứt ngày một lớn dần, bà Mỷ chỉ kịp chạy thoát thân, không mang được tài sản gì.

“Chiều 26/6, người dân phát hiện một số đoạn nứt to ở trên đồi, không ai dám ở lại nhà, tất cả đều hò nhau chạy sang bãi đất gần đường vào bản. 18h tối 26/6, cả gia đình đều đến nơi an toàn nhưng không mang theo đồ đạc gì, cứ nghĩ sáng mai nếu đồi không sạt lở thì sẽ trở về lấy sau. Nào ngờ, 4h sáng 27/6, nửa quả đồi đổ úp xuống vùi lấp tất cả tài sản của gia đình, gà, lợn, vịt, thậm chí cả xoong chảo cũng không còn”, chị Lù Thị Sun (hơn 40 tuổi, bản Sáng Tùng) buồn rầu kể.

Chung tay vượt qua nỗi đau

Lực lượng chức năng cùng người dân tích cực tìm kiếm nạn nhân mất tích sau lũ quét.

Ướt nhẹp vì dầm mưa giúp người dân ổn định tinh thần, ông Hảng A Minh, Trưởng bản Sáng Tùng tâm sự, hiện bà con trong bản đã nhận được hỗ trợ trước mắt của các cấp chính quyền và các đoàn hảo tâm. Người dân đã có mỳ tôm, lương khô để ăn, sữa để uống, món quà thiết thực và đầy ý nghĩa với họ lúc này.

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, đối với những hộ bị sạt lở đất mất nhà hoàn toàn tại bản Sáng Tùng, UBND tỉnh đã hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ và 20 triệu đồng đối với hộ bị hư hỏng nhà, 15kg gạo/người/ tháng. “Đồng thời chỉ đạo các lực lượng phối hợp với chính quyền xã và dân cư trong bản chọn địa điểm mới, sau đó sẽ ổn định dân cư và di chuyển ra nơi an toàn. Trước mắt vẫn phải ở tạm nơi tránh nạn, lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân dựng lều, nhà để ở”, ông An chia sẻ.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, mưa lớn dẫn đến lũ quét các ngày 23-24/6 đã cướp đi sinh mạng 16 người, hiện vẫn còn 9 người mất tích, 15 người khác bị thương đang được tích cực điều trị.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 880 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu), chỉ huy lực lượng tìm kiếm tại khu vực Sìn Hồ cho biết: Từ ngày 24/6, hàng trăm chiến sỹ thuộc Trung đoàn 880, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu và Tiểu đoàn cảnh sát cơ động tỉnh Lai Châu thay nhau đào bới tại khu vực sạt lở tìm kiếm nạn nhân. Do mưa, đất đá sạt lở khối lượng lớn nên khó khăn cho việc tìm kiếm. “Vì đất rừng no nước nên rất dễ xảy ra sạt lở tiếp, nếu đưa máy xúc, máy bơm đến hiện trường. Giờ việc tìm kiếm, diễn ra bằng thủ công, cuốc xẻng và mò. Chúng tôi đang nỗ lực mọi biện pháp, không kể ngày đêm để tìm kiếm nạn nhân”, Thiếu tá Sơn nói.

Trao đổi với chúng tôi, anh Sùng A Nủ, Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu cho hay, bên cạnh với việc phối hợp cùng lực lượng chức năng tìm kiếm những người còn mất tích, thông các tuyến đường, đưa các hộ dân trong vùng bị cô lập, điểm có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, Tỉnh đoàn cũng đã tiếp nhận nhiều tổ chức quyên góp, ủng hộ các gia đình bị ảnh hưởng sau bão lũ. “Trong lúc khó khăn, hoạn nạn, người dân vùng lũ đang cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng. Việc các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ đồng bào cũng là truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc ta”, anh Nủ nói.

Khôi phục cấp điện trở lại nhiều khu vực

Theo thông tin từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị đã xử lý cung cấp điện trở lại cho nhiều trạm biến áp mặc dù các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ. Theo đó, đối với vị trí cột 138 bị đổ của đường dây 110 kV Sa Pa (Lào Cai) – Than Uyên (Lai Châu) hiện đang được khắc phục tạm và đường dây này đã đủ điều kiện vận hành bình thường trở lại. 15 trạm biến áp tại các huyện Sìn Hồ, Mường Tè cũng được khôi phục tuy nhiên công tác khắc phục đường dây có cột đổ, sạt lở gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng giao thông sau lũ.

Tại các địa phương Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang cũng đã khôi phục cơ bản các đường dây bị ảnh hưởng do lũ, ngập úng. Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang chuẩn bị nhân lực, phương tiện vật tư để sẵn sàng xử lý với mục tiêu đến ngày 30/6 sẽ cấp điện trở lại cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

 

Theo GiadinhNet


vùng rốn lũ

tìm kiếm cứu nạn

lũ quét


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.