Nước thải từ trang trại lợn có chảy vào nhà máy nước sông Đà?

Trang trại lợn xả ra suối rồi chảy thẳng ra hạ nguồn sông Đà vì thế hồ Đầm Bài không bị ảnh ưởng bởi lượng nước thải này.

Trang trại lợn xả ra suối rồi chảy thẳng ra hạ nguồn sông Đà vì thế hồ Đầm Bài không bị ảnh ưởng bởi lượng nước thải này.

Sau sự cố nước nhiễm dầu thải của Công ty cổ phần đầu tư nhà máy nước sạch sông Đà  (Viwasupco) làm ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn hộ dân tại Hà Nội, người dân mới "vỡ lẽ" nguồn nước mà công ty này xử lý không được khai thác chủ yếu từ sông Đà mà từ rất nhiều nhánh suối nhỏ đi qua khu dân cư và các trại chăn nuôi.

"Đến mùa cạn mới lấy nước sông Đà"

Theo Trang tin điện tử huyện Kỳ Sơn, hồ Đầm Bài có chu vi hành lang công trình khoảng 15.000 m, nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 645 ha đất sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của các xã Phú Minh, Hợp Thành, Hợp Thịnh và sử dụng làm bể sơ lắng cho nhà máy nước sạch để cung cấp nước cho Hà Nội.

Nước thải từ trang trại lợn có chảy vào nhà máy nước sông Đà?-1

Kênh dẫn nước từ sông Đà (đường màu đỏ) vào hồ Đầm Bài. Đồ họa: Ngọc Tân.

Xung quanh hồ chủ yếu là rừng nguyên sinh và đất trồng, thuộc dự án Khu đô thị tại xã Phú Minh và xã Hợp Thành thuộc công ty TNHH phát triển Phú Hưng Khang làm chủ đầu tư.

Để bảo vệ nguồn nước trước quá trình đô thị hóa, chính quyền huyện đã tiến hành cắm 86 mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình và hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Đầm Bài. 

Trao đổi với , ông Đinh Công Sứ, chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết hồ Đầm Bài ban đầu được địa phương quy hoạch làm hồ chứa nước tưới tiêu cho người dân, tuy nhiên Công ty Viwasupco đã xin tận dụng làm bể sơ lắng nguồn nước trước khi đưa vào xử lý.

Theo ông Sứ, nguồn nước chính chảy vào hồ Đầm Bài không phải từ sông Đà mà là từ suối Trầm (suối này lấy nước từ các khe núi). Chỉ đến mùa khô khi nước suối ít đi thì nước sông Đà mới trở thành nguồn chính.

Nước thải từ trang trại lợn có chảy vào nhà máy nước sông Đà?-2

Nước thải từ trang trại lợn có chảy vào nhà máy nước sông Đà?-3

Hệ thống các ao chuôm nhận nước từ các khe núi rồi chảy vào hồ Đầm Bài.

Chính sự lệ thuộc vào các nguồn nước suối này đã dẫn đến sự cố ngày 8/10 - hàng tấn dầu thải bị đổ trộm xuống suối Trầm rồi từ đó chảy vào hồ Đầm Bài khiến nước sinh hoạt của khoảng 250.000 hộ dân Tây Nam Hà Nội bị nhiễm bẩn.  

Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, suối Trầm không phải là mạch nước duy nhất dẫn vào hồ Đầm Bài mà còn một số cửa dẫn nước mưa từ các triền núi xuống. Đơn cử như công ty Phú Hưng Khang đang quản lý 2 cửa dẫn nước như vậy.

Theo đại diện UBND tỉnh Hòa Bình, chính quyền đã yêu cầu Công ty Viwasupco xây một bể sơ lắng riêng tách biệt với hồ Đầm Bài. Nước sông Đà sẽ đi qua một đường dẫn kín chảy thẳng vào bể sơ lắng để ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm.

Về trách nhiệm của công ty này khi để xảy ra sự cố mà vẫn che giấu, bưng bít thông tin để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, ông Nguyễn Hữu Đức, PGĐ công an tỉnh Hòa Bình, cho biết đơn vị chủ trương sai đến đâu sẽ xử lý đến đó.

"Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Chúng tôi sẽ căn cứ vào thông tin thu thập được và truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định", ông Đức thông tin.

"Không có chuyện người Hà Nội dùng nước thải của lợn"

Liên quan đến hiện tượng ô nhiễm nước ở hồ Đầm Bài, có thông tin trên MXH cho rằng một trại nuôi lợn nằm gần đó có nguy cơ xả thải vào hồ.

Qua tìm hiểu, trại lợn Japfa nằm cách hồ Đầm Bài khoảng 1 km theo đường chim bay. Ông Nguyễn Danh Hòa (chủ trại) cho biết trại lợn đã hoạt động ở địa phương được 3 năm, quy mô chăn nuôi khoảng 1.000 con lợn nái.

Nước thải từ trang trại lợn có chảy vào nhà máy nước sông Đà?-4

Đường đi của nước thải theo giải trình của chủ trại lợn. Ảnh: Ngọc Tân.

Ông Nguyễn Văn Hiến, người dân xóm Bu (xã Phú Minh, Kỳ Sơn) cho biết dòng nước thải của trại lợn chảy ngang qua xóm gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống. Tuy nhiên, ông này khẳng định dòng suối thải chảy xuôi theo khu dân cư rồi đổ ra sông Đà, không có chuyện nước thải đổ vào hồ Đầm Bài.

Theo giải trình của chủ trại lợn, nước thải của trại được xử lý sinh học trước khi xả ra một suối nhỏ. Con suối này đi qua nhiều khu dân cư rồi dẫn thẳng ra hạ nguồn sông Đà. Ít có khả năng nước thải chảy vào hồ Đầm Bài vì ngăn cách giữa trại lợn và hồ là các vách đồi cao.

Trước đó, trả lời báo chí về sự tồn tại của trại lợn Japfa, Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Hòa Bình cho biết trại lợn này đã đảm bảo yêu cầu về quy trình quản lý chất thải và đã cam kết không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Ngày 9/10, người dân các xã Phúc Tiến và Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có váng dầu tại suối Bằng ở địa phương này. Tiếp tục rà soát ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.

Vào cuộc điều tra, lực lượng liên ngành tỉnh Hòa Bình xác định có 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Sau đó, hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội. TP Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu và cung cấp miễn phí nước sạch. Sự cố khiến Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) phải ra thông báo tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải.

Ngày 18/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, trú huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, trú huyện Văn Quan, Lạng Sơn) để làm rõ vụ đổ trộm dầu thải ra đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.

Liên quan vụ án, cảnh sát đang truy bắt Lý Đình Vũ (37 tuổi, ở cùng địa phương với Đại) để làm rõ vụ án.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.