Sập cầu, xe khách bị vùi lấp, tê liệt giao thông vì mưa lũ tại miền Bắc

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc mưa to, nước lũ dâng cao gây ngập sâu, sạt lở đất vùi lấp ô tô khách, sập cầu, tê liệt giao thông.

Trong khi Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh trung du Bắc Bộ đang khắc phục thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra thì liên tiếp từ hôm qua đến nay khắp nơi ngập trắng xoá, lũ quét, sạt lở dồn dập ở các địa phương miền núi.

Đến 23h ngày 9/9, ít nhất 58 người chết và 40 người mất tích do bão và mưa lũ sau bão Yagi. Đây là thống kê chưa tính số người bị thương các mức độ khác nhau. 

Sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ

Người nhà gọi điện không được, xem camera thì xe đã rơi ở cầu Phong Châu

Khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông của Phú Thọ bị sập.

Theo báo cáo được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang ký ban hành vào tối cùng ngày, sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang đi trên cầu (1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện). Vụ việc khiến 8 người mất tích, lực lượng chức năng và người dân đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu.

Hiện do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Sập cầu, xe khách bị vùi lấp, tê liệt giao thông vì mưa lũ tại miền Bắc-1
Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập sáng 9/9. (Ảnh: TTXVN) 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an huy động ngay mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các địa phương liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.

Hàng nghìn người Thái Nguyên cầu cứu trong nước lũ

Ngày 9/9, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết trên sông Cầu, lũ đang lên nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và vận hành một số hồ chứa ở phía thượng lưu. Các trạm thủy văn Gia Bẩy và trạm thủy văn Chã, Đài Khí tượng thông tin lũ đang tiếp tục có xu thế tăng.

Theo thống kê đến trưa 9/9, trên 3.000 hộ tại 22 xã, phường của thành phố Thái Nguyên bị ngập úng, cô lập.

Công tác cứu hộ di chuyển người dân ra khỏi vùng ngập vẫn được lực lượng chức năng nỗ lực triển khai suốt từ đêm 8/9 đến nay. Song, do số lượng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt rất lớn nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. 

Sập cầu, xe khách bị vùi lấp, tê liệt giao thông vì mưa lũ tại miền Bắc-2
Nhiều người dân Thái Nguyên cầu cứu, tìm kiếm sự hỗ trợ trên mạng xã hội. (Ảnh: Chụp màn hình)

Trên mạng xã hội, người Thái Nguyên liên tục cầu cứu, tìm những xuồng cứu sinh, phao, thuyền giải cứu người thân đang gặp nguy hiểm do ngập cao, không thể tự di tản.

Đáp lại, nhiều cá nhân, tổ chức, nhóm... đã đăng tải thông tin liên lạc, đề nghị người gặp nạn gọi điện trực tiếp để thông báo vị trí, từ đó có thể di chuyển phương tiện đến ứng cứu. 

Ô tô, xe máy bị vùi lấp ở Cao Bằng

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng, lúc 5h45 ngày 9/9, tại Km180+680 Quốc lộ 34, đoạn qua địa bàn xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình sạt lở đất ta luy dương khiến khối lượng lớn đất, đá ập xuống mặt đường. Cùng lúc, xe ô tô khách mang biển số 11B-002.XX, xe ô tô con mang biển số 11A-097.XX và 4 - 5 xe máy bị vùi lấp, nước cuốn trôi.

Tính đến 20h cùng ngày, cơ quan chức năng xác định ít nhất 7 người chết, 1 người bị thương và khoảng 8 người mất tích.

Sập cầu, xe khách bị vùi lấp, tê liệt giao thông vì mưa lũ tại miền Bắc-3Xe ô tô bị đất đá vùi lấp, nước cuốn trôi. (Ảnh: Facebook)

Ngoài vụ việc nêu trên, tỉnh Cao Bằng cũng hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề khác từ sạt lở, ngập lụt.

Ngay tại huyện Nguyên Bình, sạt lở đất khiến 10 người chết, 11 người bị thương, 13 người mất tích. Các nạn nhân chủ yếu tại xã Yên Lạc, Ca Thành và Vũ Nông.

Toàn tỉnh có đến 663 căn nhà bị thiệt hại. Trong đó 15 nhà bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất vùi lấp; 69 nhà bị hư hại 30 - 50%; 579 nhà bị ngập sâu từ 0,5 - 1,5 m.

Nước sông Hồng lên cao, người Hà Nội trắng đêm chạy lũ

Lúc 15h ngày 9/9, mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội ghi nhận ở mức 7,04m; tăng 2,79m so với hôm trước. Lưu tốc dòng chảy lớn do chịu ảnh hưởng của lũ trên các sông và điều tiết của các hồ chứa thượng lưu. 

Trong đêm 9/9, rạng sáng 10/9, mực nước lên cao nhiều hộ gia đình ven sông Hồng đoạn qua quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm tức tốc thu dọn đồ đạc, chuyển đến nhà người thân sinh sống, đề phòng nước tiếp tục dâng cao.  

Sập cầu, xe khách bị vùi lấp, tê liệt giao thông vì mưa lũ tại miền Bắc-4
Các xóm dân cư ven sông Hồng đoạn qua quận Hoàn Kiếm, Ba Đình vội vã chuyển đồ, di dời trong đêm.

Còn tại ngoại thành Hà Nội, nước sông Tích, sông Bùi dâng cao ảnh hưởng đến các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức.

Điển hình như một số khu vực huyện Quốc Oai, do nước trên sông Tích dâng cao, tại xã Cấn Hữu ngập đến 2m, người dân phải dùng thuyền để di chuyển.

Hàng nghìn hộ dân bị ngập lụt, chia cắt

PV Báo điện tử VTC News ghi nhận mưa lũ tại Yên Bái.

Tại Yên Bái, mực nước lúc 5h ngày 10/9 trên sông Thao tại Yên Bái là 35,22m, trên mức lũ lịch sử năm 1968 (34,42m) 0,8m. Dự báo trong 12 giờ tới, nước lũ tiếp tục lên duy trì ở mức trên lũ lịch sử.

Lũ lên cao gây ngập úng lớn, chia cắt nhiều thôn, tổ, hộ gia đình trên địa bàn TP Yên Bái. Các đường lớn như Thanh Niên, Trần Hưng Đạo ngập sâu 1-2 m, nước tràn vào nhà sâu gần 1 mét. 

Theo thống kê sơ bộ, khoảng 2.400 hộ dân phải di dời, trọng điểm phường Hồng Hà có 1.452 hộ; phường Nguyễn Thái Học 100 hộ. Giao thông hiện tắc nghẽn do nước sông dâng cao, chia cắt chợ, ga Yên Bái và khu vực bến xe cũ.

Tại Lào Cai, sáng 9/9, trên thượng nguồn sông Hồng có mưa rất to, khiến nước lũ ở các sông, suối trên địa bàn tỉnh đang ở mức báo động khẩn cấp. Đặc biệt, vào lúc 11h cùng ngày, lũ trên sông Hồng tại Lào Cai ở mức 85,22 m trên báo động 3 là 1,72 m.

Lũ sông Hồng lên cao gây ảnh hưởng đến các địa phương của thành phố Lào Cai (các phường Cốc Lếu, Kim Tân, Nam Cường, Bắc Cường, Bắc Lệnh, Bình Minh, Pom Hán, Xuân Tăng, xã Cam Đường, Cốc San, Vạn Hòa...).

Theo thông tin từ UBND TP Lào Cai, tính đến đầu giờ chiều 9/9, trên địa bàn có nhiều tuyến đường bị ngập, gồm: An Dương Vương, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Cao Bá Quát, Hồng Hà, Trần Quốc Toản, Cao Lỗ, Phạm Ngọc Thạch và các thôn Mường Bát, An Thành, Khe Luộc, Bản Cam, Hoà Lạc, Giao Ngay, Thái Bo, Giao Tiến, Muồng (xã Thống Nhất)...

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, Lào Cai có 16 người chết, 12 người mất tích, 15 người bị thương; hơn 1.200 nhà bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi; 42% dân số toàn tỉnh mất điện, trong đó các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà mất điện hoàn toàn.

Sập cầu, xe khách bị vùi lấp, tê liệt giao thông vì mưa lũ tại miền Bắc-5
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thăm hỏi, động viên người dân Lào Cai sau bão số 3 Yagi.

Tại Lạng Sơn, thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tính đến 7h sáng 9/9 cho thấy bão lũ làm 2 người chết. Hơn 1.000 nhà bị ngập lụt, hơn 5.200 cư dân tại các vị trí bị ngập lụt, sạt lở được di dời tới nơi an toàn.

Người dân tại thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định) cho biết nước dâng cao từ chiều 8/9 và hiện rút chậm do đây là vùng trũng. Nước lụt mấp mé tầng hai của nhà cao hai tầng, một số khu vực ngập tới bụng. Điện bị cắt, điện thoại người dân sắp cạn pin. Cứu hộ làm việc suốt đêm và đã đưa các gia đình đến nơi cao ráo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 90 về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cuộc sống của người dân, không để người dân nào bị đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế và học sinh sớm được đến trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mì tôm, các nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân trong vùng bị cô lập, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm…

Nhiệm vụ này, theo Thủ tướng, phải thực hiện trong thời gian nhanh nhất có thể.

 

Theo VTC News

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/sap-cau-xe-khach-bi-vui-lap-te-liet-giao-thong-vi-mua-lu-tai-mien-bac-ar894937.html

sập cầu


Vụ sập cầu chui cao tốc Tuyên Quang: Nhà thầu nào thi công dự án?
Đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, cầu chui đang thi công bị sập thuộc gói thầu do UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Việt Nam 168 và Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi đã trúng thầu thi công với giá trị gần 1.270 tỷ đồng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.