Thượng úy Đinh Văn Dương: 'Nghe tin 2 phi công Su-22 hy sinh, tôi ngồi thẫn ra rồi khóc'

Đến ngày thương binh - liệt sỹ (27/7) mà 2 phi công Su-22 hy sinh là một nỗi đau rất lớn, không thể bù đắp nổi

Người sống sót duy nhất vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc (Hà Nội) chia sẻ, đến ngày thương binh - liệt sỹ (27/7) mà 2 phi công Su-22 hy sinh là một nỗi đau rất lớn, không thể bù đắp nổi.

Thượng úy Đinh Văn Dương.

Bầu trời luôn là nhà của tôi và các anh!

Đến sáng 27/7, thi hài của hai phi công hy sinh trong vụ máy bay Su-22U gặp sự cố rơi ở Nghệ An là Thượng tá Phạm Giang Nam và Trung tá Khuất Mạnh Trí đã được đưa về nhà tang lễ Quân khu 4 để chuẩn bị lễ truy điệu.

Chia sẻ với PV, Thượng úy Đinh Văn Dương (người duy nhất còn sống sót trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc, Hà Nội) cho biết, chiều ngày 26/7, khi nghe thông tin vụ tai nạn máy bay Su-22 khiến 2 phi công hy sinh anh đã rất bàng hoàng và xót xa.

"Tôi nghe tin mà quá bất ngờ quá, lòng đau quặn lại, chẳng còn biết làm gì cả, đêm không ngủ được và chỉ ngồi thẫn ra rồi khóc. Buồn quá, đến ngày thương binh - liệt sỹ (27/7) rồi mà các anh lại hy sinh như vậy thì còn nỗi đau nào hơn", anh Dương nghẹn ngào.

Theo Thượng úy Dương, sự cố nghiêm trọng xảy ra đối với máy bay Su-22 là điều rất đáng tiếc và tổn thất này rất lớn lao với quân đội, đất nước.

Một số thiết bị của máy bay sau vụ tai nạn.

"Khi nghe tin, tôi đã cầu nguyện những điều tốt lành nhất sẽ đến nhưng rồi mọi thứ lại không được nên chẳng còn biết nói gì.

Thực sự, chỉ những người trong ngành không quân, đã trải qua sự nguy hiểm, thấm thía sinh tử như tôi mới có thể thấy hết được hết mất mát, nỗi đau, thiệt thòi, hy sinh trong tai nạn máy bay to lớn đến nhường nào. 

Nếu ngồi trước vô lăng ôtô sự nguy hiểm có thể là 10 nhưng ngồi ở vị trí phi công, nhất là máy bay quân sự khi thực hiện huấn luyện chiến đấu, sự nguy hiểm sẽ gấp 100, thậm chí 1.000 lần và chỉ khi nào hạ cánh xuống được mặt đất mới coi như an toàn.

Máy bay Su - 22 mất nhưng hai phi công dạn dày kinh nghiệm hy sinh sẽ là nỗi đau không bao giờ có thể bù đắp được...", anh Dương nói.

Người sống sót duy nhất trong vụ rơi trực thăng ở Hòa Lạc nói thêm, để đào tạo được một phi công giỏi như hai anh Nam và Trí rất khó, tốn kém công sức, tiền bạc, thời gian.

"Trong khi đây đều là các phi công lão luyện và là giáo viên bay nên mất mát này rất lớn với quân đội, đất nước", anh Dương bày tỏ.

Người từng trải qua "cuộc chiến" sinh tử sau vụ rơi máy bay trực thăng chia sẻ thêm, nhiều người ngoài có thể không hiểu hết nhưng nỗi đau đớn nhiều hơn cả sau hy sinh của hai phi công chính ở người thân, bố mẹ, vợ con của hai chiến sỹ.

Bởi theo anh, các con của hai phi công Nam và Trí đều còn nhỏ nên chưa thể hiểu hết về những nỗi đau đã xảy ra với gia đình, bố của mình. Vì vậy, người vợ sẽ rất vất vả khi phải một mình làm cả hai trọng trách để dạy dỗ con.

Trung tá Khuất Mạnh Trí và gia đình. Ảnh từ FB cá nhân.

"Có thể ai đó nói được cái nọ, cái kia nhưng nỗi đau đớn vợ mất chồng, con mất cha, bố mẹ già mất con thì không ai ngoài người trong cuộc có thể hiểu được. Đó sẽ là những tháng ngày đằng đẵng của người mẹ làm hai nhiệm vụ bố, mẹ với những đứa con. Thực sự quá đau đớn", anh Dương bày tỏ thêm.

Anh cho hay, sức khỏe giờ không thể làm gì nên chỉ muốn gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình hai phi công và mong mọi người hãy luôn bình tâm.

"Mong các anh luôn thanh thản và xin nhờ mọi người thắp nén hương tiễn biệt đến các anh. Bầu trời sẽ luôn là nhà của tôi và các anh!", anh Dương nói nghẹn lại.

Vốn quý của đất nước đã mất đi

Cũng trao đổi với PV, Đại tá, cựu phi công Nguyễn Thành Trung cho rằng, sự cố xảy ra khi huấn luyện chiến đấu đối với máy bay Su-22 ở Nghệ An là điều không mong muốn và càng đau đớn, xót xa hơn khi 2 phi công trên máy bay cùng tử nạn.

Theo ông Trung, để đào tạo được một phi công lái máy bay quân sự rất khó nên có được 2 phi công là giáo viên bay cấp 2, với trên 1.000 giờ bay, kinh nghiệm lão luyện như anh Nam, Trí càng khó khăn hơn.

"Hai phi công này đều là vốn quý của quân đội, không quân, đất nước nay mất đi là một điều vô cùng đau đớn, xót xa", cựu phi công Nguyễn Thành Trung nói.

Ông bày tỏ, mỗi lần cất cánh, bay trên bầu trời, đối với phi công quân sự là một lần nguy hiểm nhưng tất cả đều phải đảm bảo làm sao cho an toàn tối đa, không xảy ra tai nạn cũng như hy sinh ở mức thấp nhất.

"Đối với sự cố vừa qua, chúng ta cần chấp nhận và vượt qua nó, đồng thời, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Quân chủng sẽ điều tra, làm rõ nguyên nhân", phi công Trung nói thêm.

Cựu phi công Nguyễn Thành Trung cũng mong muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình hai phi công hy sinh và ông mong mọi người, nhất là vợ con các anh sớm vượt qua nỗi đau rất lớn này.

Trước đó, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu Trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ Quốc phòng đã giao cho các cơ quan chức năng và Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải mã hộp đen máy bay để làm rõ nguyên nhân.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng nêu rõ, theo quy định, quân đội sẽ tạm thời đình chỉ toàn bộ các hoạt động bay huấn luyện, chờ làm rõ nguyên nhân sự cố máy bay rơi.

Theo Trí Thức Trẻ


Phi công

máy bay rơi

hy sinh


Thông tin bất ngờ vụ nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn”
Nam TikToker tố “bị đuổi khỏi quán phở vì ngồi xe lăn” đang làm việc với cơ quan chức năng thì lấy lý do sức khoẻ nên xin dừng buổi làm việc, cơ quan chức năng sau đó nhiều lần mời nhưng người này không lên làm việc.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.